Rối loạn tâm thần ở trẻ: Cần quan tâm kịp thời
Rối loạn giấc ngủ, học tập giảm sút, mệt mỏi, buồn chán, không có nhu cầu giao tiếp... là những dấu hiệu rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm mà trẻ đang phải đối mặt. Đây là căn bệnh đáng báo động bởi nó đang có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của người bệnh. Nguy hiểm hơn, bệnh làm cho trẻ dần mất niềm tin vào cuộc sống, có hành vi tiêu cực.
Gia đình, nhà trường, xã hội cần quan tâm tổ chức các hoạt động phù hợp để trẻ được phát triển toàn diện. Ảnh: Thùy Linh
Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, thời gian gần đây, tình trạng trẻ mắc rối loạn tâm thần vào khám và điều trị tăng nhẹ. Hầu hết trẻ vào điều trị khi bệnh đã nặng. Tại Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận và điều trị từ 15 - 20 trẻ mắc các biểu hiện rối loạn tâm thần. Em N.T.H., 8 tuổi, nhập viện với biểu hiện mệt mỏi, ngại giao tiếp với mọi người, khi đi học thiếu hụt rõ rệt khả năng chơi, giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi, học không tập trung; không nhận ra được trạng thái tình cảm của người xung quanh; ngôn ngữ thụ động, chỉ nói khi thực sự cần thiết, đặc biệt không biết hỏi lại... Hay, như em T.N.P., 14 tuổi, thường ngủ ít và ngủ không sâu giấc vào 2 - 4 sáng; thường mệt mỏi, uể oải; khó tập trung khi học tập và làm việc gì đó, không thấy hứng thú với mọi thứ xung quanh; thường xuyên buồn phiền; ương bướng, khó dạy bảo; không hay giao tiếp với bố mẹ; dễ kích động, dễ cáu gắt, có phản ứng mạnh khi không đạt được một chuyện gì như ý. Nhìn các em, chắc hẳn chẳng ai nghĩ các em đang mắc rối loạn tâm thần, cần được điều trị.
Bác sĩ CKI, Lương Mỹ Linh, Phó Khoa Tâm lý lâm sàng nhi cho biết, đây là hai trong số những trường hợp trẻ mắc rối loạn tâm thần đã và đang điều trị tại khoa. Phần lớn, các em khi vào điều trị biểu hiện bệnh đã ở mức độ tương đối nặng và đã xảy ra trong thời gian dài. Sau những đợt điều trị tâm lý liệu pháp và hóa dược trị liệu, các biểu hiện sẽ giảm đáng kể. Do đó, người nhà bệnh nhân cần kiên trì. Đặc biệt, khi về nhà cần theo dõi sát sao, quan tâm đến cảm xúc, hành vi, tâm sinh lý của trẻ để kịp thời điều chỉnh, can thiệp bởi sức khỏe tâm thần cũng rất quan trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, rối loạn tâm thần ở trẻ em thường có rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi. Các biểu hiện thường gặp như mất ngủ, ngủ không sâu giấc; trẻ chán ăn, mệt mỏi, buồn chán, khó tập trung, học tập giảm sút. Nếu không được can thiệp kịp thời biểu hiện sẽ nặng hơn như, không muốn giao tiếp với mọi người, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh; không tìm được mối liên kết với mọi người. Thậm chí, gây ra hoang tưởng, chán ghét cuộc sống, đôi khi có cảm giác bị buộc tội, có ý tưởng và hành vi chán sống...
Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân được xác định do những áp lực cuộc sống, học tập và tác động tiêu cực của môi trường sống. Trẻ được bao bọc nên không hình thành kỹ năng, bản lĩnh ứng phó với các tình huống, biến cố trong cuộc sống. Đặc biệt, ảnh hưởng dịch COVID-19, trẻ bị hạn chế, vui chơi, giao tiếp, học tập dẫn đến những áp lực cho trẻ. Nhiều trẻ do làm bạn với các thiết bị thông minh liên tục, kéo dài dẫn đến bị gián đoạn, ảnh hưởng tư duy, hành vi, cảm xúc. Đặc biệt, nhiều trẻ nghiện chơi game trong thời gian dài có những hoang tưởng cuộc sống đời thực như trong game hoặc lo âu, chán nản cuộc sống và có suy nghĩ, hành động bắt chước game.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa khám, tư vấn cho trẻ có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, rất ít trẻ được can thiệp, điều trị ở giai đoạn sớm của bệnh. Thực tế, nhiều gia đình đưa các trẻ đi khám do mất ngủ hoặc mệt mỏi kéo dài, mà không nghĩ con mình có vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng, khi bác sĩ khám gia đình mới biết các em có rất nhiều điều bất ổn như stress, rối loạn hành vi, cảm xúc, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình... Nhiều trường hợp, gia đình khi biết con có những biểu hiện của rối loạn tâm thần, song lại né tránh, sợ tai tiếng không đưa con đi khám mà tự tìm hiểu cách điều trị tâm lý trên mạng; hoặc chỉ đưa con đi khám mà không điều trị. Do đó, hầu hết những trẻ được đưa vào bệnh viện điều trị khi bệnh đã kéo dài và nặng.
Trao đổi về tình trạng trẻ em mắc rối loạn tâm thần, bác sĩ CKII Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cho biết: Các rối loạn tâm thần như, tự kỉ, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi là bệnh lý cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, số lượng trẻ điều trị tại bệnh viện rất khiêm tốn so với số lượng trẻ mắc bệnh thực tế. Không ít trường hợp trẻ được các y, bác sĩ khám, phát hiện bệnh sớm nhưng gia đình không chấp nhận con bị bệnh, không cho con điều trị. Thời gian sau, khi quay lại điều trị, thì bệnh trẻ đã trở nặng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần, thể chất của trẻ.
Rối loạn tâm thần luôn ẩn hiện trong cuộc sống mỗi người. Nó sẽ khởi phát khi trẻ có nhân cách, tâm lý yếu, đối mặt với những biến cố, áp lực, xung đột trong cuộc sống. Trẻ rối loạn tâm thần ở mức độ nhẹ thì chỉ cần điều trị tâm lý liệu pháp, không cần dùng thuốc mà vẫn giúp trẻ trở về cuộc sống bình thường. Nhưng nếu tình trạng nặng, cần can thiệp dùng thuốc và điều trị thường xuyên, kéo dài hơn để ngăn cản những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Do đó, gia đình, nhà trường, xã hội cần quan tâm đến trẻ em nhiều hơn, đặc biệt là gia đình. Khi trẻ có các triệu chứng trên kéo dài trên hai tuần thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị sớm. Đừng đưa trẻ đến bệnh viện khi là “con đường cuối cùng”. Đồng thời, cha mẹ cần đồng hành cùng con, xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, duy trì nhịp sinh học ổn định, hướng dẫn trẻ cách kiểm soát, quản lý, cân bằng cảm xúc và thường xuyên quan sát, quan tâm phù hợp đến trẻ nhiều hơn.