'Rối não' vì bảo hiểm nhân thọ
Vụ việc liên quan đến đơn tố giác sản phẩm liên kết giữa Công ty Bảo hiểm Manulife và Ngân hàng SCB đang làm nóng dư luận. Mới đây Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, vụ việc đang được Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an thụ lý. Công an TPHCM sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật.
Bất an với “Tâm an đầu tư”
Trước đó, nhiều người dân đã tới Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM để nộp tổng cộng 146 đơn tố cáo, phản ánh về việc bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB sang Bảo hiểm nhân thọ Manulife. Trong đơn tố cáo, nhiều người dân cho biết khi làm việc tại Ngân hàng SCB họ đã được tư vấn đầu tư gói “Tâm an đầu tư”, với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện đây thực chất là hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Manulife, chứ không phải hình thức mới là gửi tiết kiệm đầu tư.
Ngày 26/4, Manulife đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí, công bố phương án giải quyết khiếu nại cho khách hàng liên quan đến sản phẩm bảo hiểm nhân thọ “Tâm an đầu tư” phân phối qua Ngân hàng SCB. Đáng chú ý, ông Sachin Shah - Chủ tịch hội đồng thành viên Manulife Việt Nam cho biết, công ty đã đánh giá từng khiếu nại của khách hàng. Phần lớn các trường hợp cho thấy không có đủ chứng cứ chứng minh các nội dung khiếu nại của khách hàng. Đối với một vài trường hợp mà công ty tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái trong quá trình tư vấn, công ty đã kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc báo cáo tới các cơ quan chức năng.
Manulife khẳng định sẽ liên hệ các khách hàng SCB tham gia sản phẩm bảo hiểm "Tâm an đầu tư" đã gửi khiếu nại, hoặc gửi trước ngày 30/4/2023 để thảo luận giải quyết khiếu nại. Mục tiêu là hoàn thành các cuộc đối thoại với khách hàng và đạt được giải pháp vào khoảng ngày 30/6/2023.
Câu chuyện vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng, quan trọng là hai bên phải thống nhất cách thức giải quyết, còn nếu chỉ theo hướng của công ty sẽ khó có được tiếng nói chung. Vì rằng, theo phía công ty bảo hiểm, kết quả giải quyết khiếu nại sẽ được xác định dựa trên đánh giá của Manulife, bao gồm: tính đầy đủ, hợp pháp của bộ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm, kết quả phỏng vấn, đối chất với các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng liên quan, các thông tin do khách hàng cung cấp trong đơn khiếu nại hoặc trong quá trình trao đổi cùng các bằng chứng hoặc các yếu tố có liên quan cần được cân nhắc.
Với những điều kiện khó hiểu như vậy từ phía doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đưa ra cho việc giải quyết khiếu nại, nhiều người cho rằng với cuộc “thương thảo tay đôi", thì cần phải có bên thứ ba trung lập đứng ra ghi nhận, làm chứng. Đồng thời, khách hàng có quyền đưa người thân hoặc luật sư đi cùng để không bị DN bảo hiểm áp đảo làm cho “rối não”, từ đó có thể đưa ra quyết định gây bất lợi cho chính mình.
Nhìn từ góc độ pháp lý
Tới đây, một câu hỏi đặt ra: Vì sao khách hàng khiếu nại đã nhiều tháng nhưng DN không giải quyết, chỉ đến khi người dân đồng loạt nộp đơn cho cơ quan cảnh sát điều tra, Manulife mới chịu "ngồi xuống" giải quyết nhưng lại chỉ nhận đơn trước ngày 30/4?
Những cuộc thương thảo sắp tới, nhiều phần phía người khiếu nại sẽ gặp bất lợi, vì nói như Chủ tịch hội đồng thành viên Manulife Việt Nam thì một trong những cơ sở để công ty giải quyết khiếu nại là cuộc gọi chào mời khách hàng. Nhưng để “khôi phục” bằng chứng bị lừa mua bảo hiểm do việc tư vấn lập lờ, không nói sự thật gần như bất khả thi với khách hàng.
Sau việc thương thảo này nhiều người thắc mắc về cách giải quyết của Manulife, thay vì hoàn trả tiền cho khách hàng, thì DN lại yêu cầu khách hàng phải ký cam kết giữ bí mật tuyệt đối, không khiếu nại, khiếu kiện. Đó là yêu cầu hết sức vô lý đối với khách hàng, và họ cũng đã quên rằng ngay cả khi khách hàng của họ im lặng thì những sai trái vẫn tiếp tục bị cơ quan chức năng điều tra.
Trao đổi với báo chí, luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, khi xử lý hình sự, cơ quan công an sẽ đi vào bản chất của thỏa thuận, người dân ký nhưng có bị lừa dối, ép buộc hay không. Những khách hàng bị "hô biến" từ tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB sang Bảo hiểm nhân thọ Manulife có quyền làm đơn tố giác đến cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức mà họ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật. Cùng đó, khách hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc những cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm trả lại tiền, liên đới bồi thường thiệt hại.
Luật sư Hải cũng cho biết, việc cơ quan công an xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là thực hiện vai trò bảo vệ pháp luật, không phụ thuộc vào việc có đơn tố giác hay có bãi nại hay không. Đơn tố giác (kèm theo chứng cứ) chỉ là nguồn tin, cơ sở ban đầu để cơ quan công an vào cuộc. Nếu phía bị tố giác có trả lại tiền, bồi thường là động thái khắc phục hậu quả và người dân có bãi nại chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nhiều người dân đã tới Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM để nộp tổng cộng 146 đơn tố cáo, phản ánh về việc bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB sang Bảo hiểm nhân thọ Manulife. Trong đơn tố cáo, nhiều người dân cho biết khi làm việc tại Ngân hàng SCB họ đã được tư vấn đầu tư gói “Tâm an đầu tư”, với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện đây thực chất là hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ Manulife, chứ không phải hình thức mới là gửi tiết kiệm đầu tư.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/roi-nao-vi-bao-hiem-nhan-tho-5717173.html