Rơi nước mắt trước khu nội trú của giáo viên vùng thượng Kỳ Anh
Năm học mới đã bắt đầu, cán bộ, giáo viên (CBGV) các trường học ở vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn đau đáu ước mong về những khu nhà nội trú vững chãi để yên tâm gắn bó với nghề.
Phần lớn các phòng nội trú của Trường THCS Kỳ Thượng xập xệ, xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào
Gần 20 năm về vùng thượng của huyện Kỳ Anh và gắn bó với học sinh các trường miền núi, thầy Nguyễn Đắc Linh (giáo viên Trường THCS Kỳ Thượng) cùng nhiều đồng nghiệp phải sống trong những căn phòng đơn sơ, tạm bợ của dãy nhà tập thể xuống cấp.
Căn phòng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài một chiếc giường, chiếc bàn nhỏ để soạn giáo án. Dãy nhà đã được xây dựng hơn 20 năm nay với bốn bức tường bong tróc từng mảng lớn, sàn nhà lỗ chỗ, mái ngói xập xệ.
Thầy Linh cho biết: “Trận bão số 4 vừa qua, chúng tôi phải di tản sang nhà hiệu bộ để đề phòng gió tốc mái. Dãy nhà này xây dựng lâu nên xuống cấp nghiêm trọng nhưng không còn chỗ nào kiên cố hơn nên anh em giáo viên vẫn phải ở lại đây.”
Không chỉ phòng ở xuống cấp nghiêm trọng mà những CBGV nội trú ở dãy nhà tập thể như thầy Linh còn một “nỗi niềm” khó nói là không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Hằng ngày các thầy cô phải dùng chung khu vệ sinh ở dãy nhà hiệu bộ, rất bất tiện mỗi khi gặp học sinh, phụ huynh hoặc khách đến làm việc.
Nhà ở Nghệ An nhưng vì không có phòng nội trú để ở nên cô Nguyễn Thị Trí phải thuê nhà dân ở trọ
Tuy thế, thầy Linh vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khi có phòng ở để không phải thuê nhà dân hay hằng ngày đi về trên những cung đường hiểm trở, xa xôi.
Nhà ở TP Vinh (Nghệ An) nhưng đã 8 năm nay, cô Nguyễn Thị Trí (GV trường THCS Kỳ Thượng) xa chồng con để về đây dạy học. Nhà xa, phòng ở nội trú không có, cô đành phải thuê trọ nhà dân, cuối tuần lại chạy xe máy về thăm gia đình.
Cô Trí chia sẻ: “Nhà xa quá, tôi cũng có nguyện vọng được ở lại khu nhà nội trú cùng anh chị em đồng nghiệp cho tiện sinh hoạt, giảng dạy nhưng phòng ở không đủ nên phải thuê trọ bên ngoài”.
Thầy Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện có 24 CBGV và hầu hết đều có nhu cầu ở nội trú, trong khi đó 17 phòng nội trú thì chỉ có 7 phòng còn sử dụng được, số còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong muốn cải tạo dãy nhà này nhưng kinh phí hạn hẹp nên không thực hiện được.”
Thầy Hoàng Trung Thông và con gái sống trong căn phòng tạm bợ ở khu nội trú của Trường THCS & Tiểu học Kỳ Lạc
Trường THCS & Tiểu học Kỳ Lạc cũng chung tình trạng thiếu nhà ở cho CBGV như thế. Mặc dù, hiện nay số giáo viên của nhà trường có nhu cầu nội trú đã được bố trí phòng ở, tuy nhiên, 2 dãy nhà được xây dựng, cải tạo từ phòng học cũ gần 30 năm nay đã xuống cấp trầm trọng.
Đó là chưa kể khu nội trú bố trí ngay sát khu nhà hiệu bộ nên việc sinh hoạt của CBGV rất bất tiện, đặc biệt là với gia đình có con nhỏ. Bên cạnh đó, việc không có bếp ăn bán trú cũng là một khó khăn đối với các thầy cô.
Đã có thâm niêm hơn 20 năm công tác tại đây, hai năm nay, vợ đi làm ăn xa, thầy Hoàng Trung Thông (quê Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) phải mang theo con gái để tiện việc chăm sóc và dạy con học.
Hai bố con sống trong căn phòng xập xệ chỉ vẻn vẹn 10m2. Khu nhà vệ sinh phải dùng chung với các phòng khác, khu bếp dựng tạm bợ gây nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt của hai bố con.
Không có bếp ăn, các CBGV của Trường THCS & Tiểu học Kỳ Lạc nấu nướng trong khu bếp dựng tạm
Thầy Thông chia sẻ: “Do thiếu giáo viên Tiếng Anh nên giờ giảng của tôi vượt so với quy định rất nhiều, thời gian chăm sóc con cái rất eo hẹp. Nhà ăn không có nên bố con tôi khá vất vả mới xoay xở kịp giờ lên lớp”.
Những vấn đề khó khăn trong sinh hoạt, ăn ở của CBGV mặc dù đã được nhà trường cố gắng khắc phục nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp nên kết quả không như mong muốn.
Thầy Đoàn Văn Thành – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS & Tiểu học Kỳ Lạc bày tỏ mong muốn: “Công đoàn và nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được duyệt. Mùa mưa bão đang đến gần, nhà ở xuống cấp là nỗi lo thường trực. Chúng tôi mong muốn có một khu nhà vững chãi để CBGV yên tâm công tác.”
Khu nhà nội trú của nhà trường được cải tạo từ các phòng học cũ đã gần 30 năm, nằm ngay sát khu nhà hiệu bộ gây bất tiện cho việc sinh hoạt của giáo viên
Đó cũng là mong muốn chung của hầu hết CBGV các trường vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Anh, bởi có “an cư mới lạc nghiệp”.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Kỳ Anh Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Trên địa bàn huyện Kỳ Anh hiện có 93 phòng nội trú cho 163 CBGV, tập trung tại các trường vùng thượng như Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn… Trong đó, hơn 50 % đã xuống cấp, phải giải tỏa; số phòng có kiên cố cũng phải bố trí nhiều người ở chung. Các cấp công đoàn, nhà trường cũng nhiều lần khảo sát và đề xuất nhưng chưa có nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ để giải quyết vấn đề này.”