'Mơ Rồng' sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Nhà hát Múa rối Thăng Long vừa ra mắt vở rối “Mơ Rồng” đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản và dàn dựng. Vở diễn là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. "Mơ Rồng" sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
"Mơ Rồng" kể lại giấc mơ của một nghệ sĩ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình.
Đó là câu chuyện của Tễu và Rồng Bay trên hành trình vòng quanh trái đất với những đồng cảm, chia sẻ và tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại hôm nay: Biến đổi khí hậu; Bắt cóc trẻ em; Rác thải công nghệ; Bệnh tật đói nghèo; Xung đột quyền lực; Tranh chấp đại dương.
Trên hành trình đầy thử thách, Tễu và Rồng Bay đã gặp và cứu sống được Rồng Đất đến từ châu Á bị chôn vùi và đang hấp hối sau trận động đất kinh hoàng, rồi cả ba cùng chống trả lại bầy quạ dữ để bảo toàn tính mạng cho nhau. Họ trở thành những người bạn đồng hành trên chặng đường từ châu lục này đến châu lục khác.
Họ gặp gia đình Rồng Vàng ở châu Âu, giúp vợ chồng Rồng Vàng cứu thoát được đứa con bé bỏng mới sinh và đàn cá hiền lành vui nhộn khỏi nanh vuốt của Diều Hâu, Chó Sói. Họ tới châu Phi và cùng với Rồng Lửa trên lục địa này cảm hóa được sư tử hung dữ và giúp đỡ những con người đang phải sống trong bệnh tật và đói nghèo được hồi sinh.
Họ tới châu Mỹ và phát hiện được âm mưu kích động xung đột và chiến tranh giữa Cá Sấu và Khủng Long Rồng Gió. Sau trận chiến kinh hoàng, họ đã cứu chữa những vết thương cho Khủng Long và Cá Sấu, đồng thời cảm hóa được Rồng Gió trở về với điều thiện.
Họ tới Châu Đại Dương và cùng với Rồng Nước của châu lục này chiến đấu với đàn cá mập táo tợn để bảo vệ tính mạng và vùng biển của Cá Ngựa và Rồng Hoa. Vở diễn kết thúc với Lễ hội Hòa Bình nơi Tễu và Rồng Bay mời bè bạn từ khắp bốn biển, năm châu về quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội – Thành phố Hòa Bình.
Bể nước nơi xuất hiện các tích trò rối nước cổ và buồng trò nơi giấu các diễn viên điều khiển các nhân vật rối, cũng như nhà Thủy Đình và toàn bộ không gian của nhà hát đã được chủ động khai thác đa dạng, năng động và mới lạ.
Vở diễn cũng đồng thời là một cuộc thử nghiệm đầy mạo hiểm kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước, những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại, khi hóa thân thành thể xác, lúc nhập tâm thành linh hồn của các nhân vật rối tưởng vô tri vô giác nhưng thực chất có một đời sống nội tâm và hình thể vô cùng phong phú.
“Mơ Rồng” đồng thời cũng là cuộc thử nghiệm kết hợp táo bạo dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sĩ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen, với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam, dùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu, tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.
"Với việc tập hợp những nghệ sĩ Việt Nam xuất sắc tham gia tác phẩm này, đạo diễn Lê Quý Dương đã cho ra đời một kiệt tác bắt nguồn từ truyền thống Việt Nam theo cách thể hiện hiện đại và sáng tạo. Đối với tôi, đó là một hình thức thể hiện xuất sắc và mẫu mực trong nghệ thuật sân khấu, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa địa phương với số lượng lớn nhất, gồm cả người trẻ, người già, người Việt Nam và các dân tộc trên thế giới", ông Tobias Biancone, nhà thơ, Tổng Giám đốc Viện Sân khấu Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới ITI/UNESCO về Giáo dục Đại học về Nghệ thuật sân khấu chia sẻ.