Rời quê mưu sinh - được và mất
Những năm gần đây, nhiều gia đình không có việc làm, thu nhập không ổn định, không có hoặc ít đất sản xuất đã rời quê hương đến các thành phố lớn tìm việc làm. Phía sau những chuyến 'ly hương' là câu chuyện được, mất nghe đến nao lòng.
Kỳ 1: Rời quê mưu sinh mang về nhà mới
Những ngôi nhà mới nơi xóm nhỏ...
Hơn 10 năm rời quê làm việc, gia đình anh Thạch Minh Thiên đã có được số vốn, đang xây dựng căn nhà khang trang tại xóm nhỏ ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành). Căn nhà trị giá trên 350 triệu đồng đang được gấp rút hoàn thành công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đón Xuân Canh Tý năm 2020. Em Thạch Thị Ngọc Hạnh (con của anh Thiên) chia sẻ: “Lúc trước, em đi làm cùng cha mẹ nhưng giờ xây nhà nên em nghỉ về trông coi. Thầu xây dựng bao trọn gói từ vật liệu đến nhân công nên em chỉ ngó chừng và dọn dẹp. Cha mẹ chờ công ty cho nghỉ tết mới về rồi rước em đi làm tiếp”. Anh Thạch Hươl, nhà cạnh bên tỏ ý vui mừng cho hàng xóm: “Nhà anh Thiên này hồi trước nghèo dữ lắm, chỉ có đi làm mướn thôi, không có cục đất “chọi chim”. Từ ngày đi làm, ổng về sang nền xây nhà, coi như lớn nhất khu này rồi, tết năm nay chắc là vui vẻ lắm”.
Cũng giống như những gia đình “ly hương” khác, anh Thạch Sà Rum, ở ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) đã hoàn thành được ước mơ, không phí những ngày vất vả nơi xứ người. Ngôi nhà gần 200 triệu đồng khá hoành tráng được chính tay anh chăm chút để tiết kiệm được tối đa chi phí. Anh Rum cho biết: “Hai vợ chồng tôi đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, rồi ở Bình Dương cũng trên dưới 10 năm, thằng con cũng bắt đầu đi làm phụ giúp được hơn 2 năm nên mới có dư chút ít để làm nhà. Ăn tết xong chắc cả gia đình tôi lại tiếp tục đi, cố gắng kiếm thêm chút vốn”. Anh Rum chỉ tay sang căn nhà kế bên nói tiếp: “Nhà của anh Lý Dàng gần đây cũng vậy, về xây nhà giờ đóng cửa đi làm tiếp. Ở đây không ruộng, không vườn để bám vào thì chỉ có đi làm ăn xa. Công việc cũng không dễ gì đâu nhưng được cái thu nhập ổn định, nếu tiết kiệm thì đỡ lắm”.
Xóa dần những khó khăn...
Hiện nay, việc đi làm ăn xa của người dân bước đầu đã giải quyết được những khó khăn trước mắt. Điển hình nhất là gia đình của bà Liên Thị Thao, ở ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành). Bà Thao có 5 người con, 2 người làm ở Tân Huê Viên, 3 người làm ở tỉnh Bình Dương, để lại bà trông chừng 9 đứa cháu. Bà Thao kể: “Nhà tôi trước khó khăn lắm, cả gia đình sống trong ngôi nhà nhỏ, thiếu trước hụt sau. Giờ ra riêng mỗi đứa một căn liền kề nhau, nhờ đi làm công nhân mới có thể làm nhà, làm cửa, cũng còn vất vả lắm nhưng đỡ hơn xưa nhiều. Gánh nặng lớn nhất là tôi phải chăm cháu, sợ nếu xảy ra chuyện gì thì thật có lỗi với các con”.
Ông Lâm Trường - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Phước An cho biết: “Hộ gia đình bà Thao là trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. Bà phải chăm lo mẹ già yếu, các con bà thì không ai có đất sản xuất, nơi ở thì ở vùng sâu, lầy lội, ngập nước vào mùa mưa. Những năm gần đây các con bà đi làm công nhân, gửi tiền về xây 5 căn nhà liền kề, diện tích nhỏ nhưng cũng gọi là tạm ổn. Địa phương cũng vận động hỗ trợ thêm để gia đình nâng nền, xã hội hóa tuyến lộ giao thông, làm đường thoát nước chống ngập”.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thẳng, ở xã Long Bình (Ngã Năm) cũng thuộc diện chí thú làm ăn nhưng chưa thể vươn lên trong cuộc sống. Thời gian trước, anh nuôi vịt chạy đồng bị hành hung gây thương tật trên 13%, xong việc kiện tụng anh quyết định bàn với vợ lên thành phố tìm việc. Hai vợ chồng anh xin làm ở chợ đầu mối nông sản quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt và gửi về nuôi con thì cũng có dư. Nói về cuộc sống xa quê, anh Thẳng tâm tư: “Đi làm công nhân thì khỏe, cuối tháng lãnh lương, không lo thất mùa, mất giá. Nhưng dù sao cũng không bằng quê mình, rồi con cái nữa nên tôi nghĩ không ai muốn đi xa nếu ở địa phương có chỗ làm ổn định”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân (Châu Thành) Trần Việt Cường, hiện nay toàn xã có 3.696 hộ thì có khoảng 1.500 hộ đi làm ăn xa. Đây là nhu cầu sinh kế tất yếu của người dân, những trường hợp có thu nhập ổn định về xây nhà, nâng cao mức sống thì thật sự đáng khuyến khích. Trách nhiệm của chính quyền là sẽ có bước chuẩn bị để hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn, giúp họ tiếp tục duy trì mức sống ổn định khi trở về địa phương.
Hiện nay “làn sóng” rời quê đi làm ăn xa đang ngày càng phổ biến và đây cũng là một thách thức lớn vì phía sau ánh hào quang vẫn còn nhiều nỗi đau đáu những hệ lụy cần sự quan tâm hạn chế thấp nhất những hệ lụy đó của những người trong cuộc, của cấp ủy, chính quyền địa phương và của xã hội...
(Còn tiếp)
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/roi-que-muu-sinh-duoc-va-mat-33806.html