Rời rạp, tôi tự hỏi phim 'Công tử Bạc Liêu' hướng tới điều gì?
Phim 'Công tử Bạc Liêu' lẽ ra sẽ trọn vẹn hơn nếu đạo diễn chịu khó chăm chút kịch bản và cách xây dựng tâm lý nhân vật, thay vì tập trung trưng trổ vẻ hào nhoáng bề nổi.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Những ngày qua, phim Công tử Bạc Liêu nhận ý kiến trái chiều từ khán giả. Sau 2 tuần công chiếu, tôi chọn thời điểm này xem phim vì muốn có cái nhìn khách quan, tổng thể về dự án.
Là một khán giả ở miền Tây, tôi bước vào rạp với tâm thế kỳ vọng một tác phẩm đủ tầm vóc về xứ Nam kỳ. Giai thoại về công tử Bạc Liêu vốn là đề tài hay, nhiều chất liệu tôi nghĩ nếu đạo diễn chắc tay và tinh tế khai thác sẽ tạo ra một dự án trọn vẹn.
Phim ghi điểm ở yếu tố hình ảnh, được đầu tư hoành tráng với các bối cảnh nhằm tái hiện Bạc Liêu và Sài Gòn thập niên 1930. Các dãy phố, hộp đêm, đấu trường hay mô hình phi cơ theo tỷ lệ 1:1 so với thực tế… được dựng công phu.
Biệt phủ của gia đình công tử Ba Hơn mang nét cổ kính, nội thất đắt đỏ được quay tại nhà Công tử Bạc Liêu (TP Bạc Liêu). Yếu tố này cho thấy sự tâm huyết của ê-kíp trong việc mong muốn đưa đến cho người xem cái nhìn thực tế về câu chuyện trong phim.
Các nhân vật từ vai chính đến phụ đều được chăm chút thời trang. Nhân vật chính - cậu Ba Hơn (Song Luân) xuất hiện với dáng vẻ đạo mạo, chỉn chu trong các bộ vest sáng màu. Các nhân vật nữ như tiểu thư họ Trần (Kaity Nguyễn), nghệ sĩ cải lương Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân) mặc áo dài Lemur - xu hướng áo dài cách tân nổi lên trong thập niên 1930.
Vợ chồng ông bà hội đồng (NSƯT Thành Lộc - nghệ sĩ Thanh Thủy), Bá Hộ Kim được chuẩn bị các bộ áo dài ngũ thân sang trọng. Stylist còn kết hợp với loạt phụ kiện trang sức vàng, đồng hồ, mắt kính để phù hợp với xuất thân từng nhân vật.
Có lớp vỏ bọc hoàn mỹ như thế, tôi tưởng tác phẩm sẽ đẩy được cảm xúc của người xem. Thế nhưng, chỉ sau 30 phút mở màn, tác phẩm dần đánh mất phong độ. Từ giữa phim cho tới kết màn, những gì chúng tôi được xem là sự lê thê, rời rạc và thiếu điểm nhấn.
Điểm yếu đầu tiên phim mắc phải chính là cách xây dựng tâm lý nhân vật. Cậu Ba Hơn đi học nước ngoài về, mang tư tưởng, lối sống tân tiến, phóng khoáng kiểu Tây, là nguồn cơn tạo sự mâu thuẫn với cha - ông Hội đồng Lịnh.
Ba Hơn khao khát chứng tỏ bản thân, mong giúp ích việc kinh doanh cho gia đình. Dẫu vậy, điều khán giả thấy ở nhân vật này là một tính cách ngông nghênh, ngoan cố và chả tài năng gì nổi bật ngoài sự may mắn. Mọi sự nỗ lực của anh, nếu có, chỉ thể hiện qua lời nói, còn hành động gần như nhạt nhòa.
Gặp biến cố suýt phá sản, nhân vật nhanh chóng được cha giải vây. Hay chi tiết cuối phim, lúc cậu Ba thất bại, lại được người hầu, tá điền quyên góp từng đồng bạc lẻ để mở lại ngân hàng. Đây là điều vô lý, gây ra sự thiếu cao trào và điểm nhấn để khép lại tác phẩm.
Tôi tin mình và rất đông khán giả đều đặt kỳ vọng về nhân vật công tử Bạc Liêu được tái hiện một cách thuyết phục trên màn ảnh.
Tuy nhiên, đáng buồn là ê-kíp chỉ tô vẽ được bề nổi, còn điều sâu xa mang đến những giá trị đủ đọng lại cho người xem còn bỏ ngỏ. Thực tế nguyên mẫu công tử Bạc Liêu là một người hào hoa, phóng khoáng, chơi “ngông” song nhân hậu và thương người.
Còn cậu Ba Hơn trên màn ảnh là một gã đàn ông như bao gã thiếu gia hay được mô tả theo hướng tiêu cực: Lắm tiền, nhiều tật, không chứng tỏ được năng lực trong công việc. Nếu không có tài sản của cha mẹ để lại, liệu cậu có thể làm được trò trống gì? Do đó, mọi mâu thuẫn giữa anh và cha nhằm chứng minh cái tôi đều trở nên thiếu thuyết phục.
Cái dở của phim là khiến khán giả không đồng cảm với nhân vật, với câu chuyện vui buồn hay biến cố họ gặp phải. Điều này khiến dự án thất bại trong việc chinh phục người xem.
Diễn xuất của dàn diễn viên dừng ở mức tròn vai. Song Luân nhập vai khi học tiếng Pháp, nhuộm da, khả năng thoại đa dạng hơn so với các tác phẩm trước. Với một vai diễn ngay từ đầu đã thiếu chiều sâu, nam diễn viên không trưng trổ được sự tiến bộ rõ rệt.
Nhân vật của Kaity Nguyễn và hoa hậu Đoàn Thiên Ân khá mờ nhạt. Sự xuất hiện của họ “có cũng được, không có chẳng sao”. Chuyện tình giữa cậu Ba Hơn và người tình Bảy Loan (nguyên mẫu từ NSND Phùng Há) rất được trông đợi nhưng khi công chiếu, chi tiết này hời hợt, loáng thoáng qua vài câu thoại, 2-3 phân cảnh rồi dừng hẳn.
Phim sở hữu dàn diễn viên chất lượng với một số gương mặt gạo cội như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Thanh Thủy, Kiều Mai Lý… NSƯT Thành Lộc có một số phân đoạn nặng tâm lý tạo điểm nhấn cho tác phẩm. Song màn thể hiện của anh và các đồng nghiệp trong một số cảnh nặng tính kịch - điều dễ nhận thấy khi các nghệ sĩ sân khấu “lấn sân” điện ảnh.
Rời rạp, tôi tự hỏi tác phẩm này làm ra để hướng đến điều gì. Nếu khai thác yếu tố văn hóa, phim chỉ lưng chừng, không thể mang giá trị tích cực đóng góp đến thẩm mỹ khán giả. Còn nếu dừng ở góc độ giải trí, phim còn nhiều sạn.
Sau hơn 2 tuần ra rạp, Công tử Bạc Liêu đạt doanh thu 35 tỷ đồng - con số chưa đủ cho nhà sản xuất hòa vốn với mức chi phí đầu tư “khủng”. Lỗi lớn nhất có lẽ thuộc về kịch bản mà đạo diễn Lý Minh Thắng và ê-kíp cần xem lại và rút ra bài học.
Nếu muốn đi dài, đi xa với điện ảnh, anh không thể chỉ tô vẽ bề ngoài mà cần chú trọng vào yếu tố cốt lõi - điều cần thiết tối thiểu cho một dự án thành công.
Độc giả Nhật Huy
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!
Ảnh, clip: Tư liệu