Rối thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm phán hay giám đốc công an đều gặp phiền toái khi có trong tay quyền xử phạt vi phạm hành chính...
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đang trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Nhiều cơ quan, ban ngành có thẩm quyền xử phạt VPHC cho rằng Luật Xử lý VPHC hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế khi áp dụng ở thực tiễn tại TP HCM, đặc biệt là bất cập trong thẩm quyền xử phạt VPHC.
Đẩy qua, đẩy lại
Đơn cử, thẩm quyền xử phạt VPHC trong ngành công an khiến người thực thi gặp không ít tình huống trái khoáy.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM, dẫn chứng giám đốc Công an TP HCM có thẩm quyền xử phạt như một đơn vị trực thuộc cục nghiệp vụ - Bộ Công an trong lĩnh vực an ninh trật tự. Khi vụ việc vượt thẩm quyền, giám đốc trình chủ tịch UBND TP hoặc cục nghiệp vụ. Song hiện nay, cả cục nghiệp vụ lẫn chủ tịch UBND TP đều... từ chối ra quyết định xử phạt VPHC khi Công an TP chuyển hồ sơ. UBND TP HCM đề nghị Công an TP trình cục chuyên ngành vì vướng Luật Tố tụng hành chính và UBND không chuyên sâu về nghiệp vụ. Phía cục nghiệp vụ thì đề nghị Công an TP trình về UBND với lý do UBND có thẩm quyền tương đương, thuận lợi trong tổ chức thi hành quyết định xử phạt.
Rắc rối trên dẫn đến tình trạng đáng lo ngại: một số hành vi vi phạm có mức xử phạt cao nhưng chưa thể xử lý. "Công an TP trình hết UBND TP rồi chuyển cục nghiệp vụ. Không cơ quan nào ra quyết định xử phạt thì chúng tôi đành chịu. Công an TP có văn bản kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có hướng giải quyết" - thượng tá Lê Mạnh Hà nói tại một hội thảo góp ý luật.
Ở TAND TP HCM, người thực thi công tác xét xử đôi khi lâm vào tình thế khó xử dù họ có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC.
Thẩm phán Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chánh tòa Hành chính - TAND TP HCM, cho rằng các chức danh tư pháp thuộc hệ thống tòa án rất ít xử phạt VPHC. Nếu phiên xử có người vi phạm đáp ứng đủ điều kiện xử phạt VPHC thì thẩm phán ký văn bản xử phạt. Ngoài áp dụng thẩm quyền về hành chính, thẩm phán dự liệu những hệ lụy phát sinh như: tổ chức cưỡng chế khi đối tượng không chấp hành, tự giải quyết khi người vi phạm khiếu nại với các bước: gặp gỡ, đối thoại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Hoặc thẩm phán trở thành người bị kiện trong vụ án hành chính nếu đối tượng bị xử phạt khởi kiện quyết định xử phạt VPHC do thẩm phán ban hành. Mặt khác, hầu hết mọi phiên tòa đều có cảnh sát tham gia bảo vệ. Nếu có tình huống phát sinh (có phần tử gây rối trật tự phiên tòa) thì cảnh sát bảo vệ sẽ xử lý đúng thẩm quyền; hoặc trưởng công an, chủ tịch UBND các cấp sẽ giải quyết nếu hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền chiến sĩ cảnh sát. "Nói cách khác, việc giao quyền xử lý VPHC cho cơ quan xét xử là chưa phù hợp" - thẩm phán Nguyễn Minh Hiếu nói.
"Gom" hoặc "bớt" theo thực tiễn
Từ những vướng mắc trong quá trình thực thi luật, đại diện cơ quan chức năng đưa ra quan điểm điều chỉnh pháp luật phù hợp hơn với thực tế. Thẩm phán Nguyễn Minh Hiếu cho rằng: "Việc các chức danh trong hệ thống tòa án có quyền xử phạt VPHC không phù hợp chuyên môn, gây khó khăn ở tòa án. Họ có thể sử dụng quyền xử lý VPHC nhưng không thể linh hoạt. Có khi, thẩm phán phải nhờ cơ quan khác. Bên cạnh đó, những cơ quan có nhiệm vụ, thẩm quyền trong xử lý VPHC không thể phối hợp linh động, nhịp nhàng bởi họ hiểu rằng chức danh tư pháp của tòa án có quyền xử phạt. Nếu họ thực hiện, làm thay thì dễ vướng khiếu nại, thậm chí khiếu kiện do quyết định xử phạt sai thẩm quyền".
Từ đó, phó chánh Tòa Hành chính - TAND TP HCM mong cơ quan có thẩm quyền xem xét tính cần thiết ở quy định trên theo hướng có thể bỏ thẩm quyền xử phạt VPHC đối với chức danh tố tụng của tòa án các cấp.
Ngoài ra, TAND TP kiến nghị pháp luật phạt tiền đối với hành vi cố tình không nhận, không chấp hành theo giấy triệu tập tòa án tống đạt, bỏ về giữa chừng khi đang làm việc; ngăn cản người làm chứng... Đặc biệt, pháp luật cần phạt tiền cơ quan nhà nước không ban hành văn bản trả lời tòa án về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, quy trình và năng lực ra quyết định xử phạt VPHC của giám đốc công an cấp tỉnh, TP cơ bản tương đồng cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Ở cả 2 cấp này, mọi việc đều có phòng nghiệp vụ thẩm định hoặc trực tiếp trình lên. Riêng công an tỉnh, TP, sự việc VPHC còn qua bộ phận pháp chế hoặc văn phòng thẩm định hồ sơ xử phạt VPHC. Như vậy, luật sẽ phù hợp với thực tiễn nếu quy định rõ công an cấp tỉnh, TP có thẩm quyền xử phạt VPHC tối đa trong lĩnh vực an ninh trật tự. Chủ tịch UBND TP có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Công an TP góp ý luật điều chỉnh theo hướng công nhận giám đốc công an tỉnh, TP có thẩm quyền xử phạt VPHC như cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Sửa đổi quy định trên sẽ sửa đổi tận gốc bất cập về thẩm quyền.
Thiếu sót trong lĩnh vực cạnh tranh
Bàn tới tình hình xử phạt VPHC lĩnh vực cạnh tranh, ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Khoa Luật Hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật TP HCM, cho hay Luật Xử lý VPHC quy định chức danh có thẩm quyền xử phạt là chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và Hội đồng Xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Nhưng dự thảo luật đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung lại không xác định thẩm quyền xử phạt của 2 cơ quan này và đề nghị áp dụng theo Luật Cạnh tranh 2018. Bên cạnh đó, ông Khanh lưu ý nếu áp dụng thẩm quyền xử phạt theo Luật Cạnh tranh hiện hành thì trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện thi hành theo quyết định xử phạt hành chính sẽ không cơ quan nào có thẩm quyền cưỡng chế thi hành. Luật Cạnh tranh không nhắc tới vấn đề này.