Rơi thùng container: Nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông
Hình ảnh thùng container và xe đầu kéo ngày càng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người tham gia giao thông. Hàng loạt vụ tai nạn do thùng container rơi xảy ra, nhiều trường hợp gây thương vong. Tuy nhiên, chế tài xử lý liên quan đến việc rơi thùng container này lại chưa nghiêm khắc.
Hiểm họa từ thùng container
Gần đây nhất, một tai nạn liên quan đến thùng container xảy ra vào khoảng 5h ngày 29/7/2020 tại Bình Dương. Xe container lưu thông trên đường Lý Tự Trọng theo hướng từ thành phố Thuận An đi thị xã Tân Uyên, khi đến phường Tân Phước Khánh (TX. Tân Uyên) bất ngờ lao sang làn đường ngược lại rồi tông thẳng vào một cửa hàng. Thùng container rơi khỏi rơ moóc, đè trúng hai xe máy đang dừng chờ mua hàng. Hậu quả làm một phụ nữ 57 tuổi tử vong tại chỗ, một người đàn ông khoảng 40 tuổi bị thương.
Trước đó, tại nhiều tỉnh thành cũng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do thùng container rơi, gây hoang mang cho người tham gia giao thông và cũng là nỗi khiếp sợ cho những người dân sống bên đường.
Bà Đặng Thị Mười (60 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) có nhà ở gần vòng xoay Mỹ Thủy luôn thấy bất an khi xe container chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm bên nhà. Bà Mười cho hay: “Tôi lớn lên từ nhỏ ở đây. Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn do container gây ra. Vụ nhẹ thì người bị nạn may thoát chết. Nhưng nhiều vụ nghiêm trọng và thương tâm lắm, container cuốn cả xe máy và người vào gầm. Có vụ đâm nát cả ô tô con. Nhà tôi gần đường, nhiều khi cũng sợ vì đã có nhiều vụ container lao vào nhà dân”.
Anh Nguyễn Trọng Thành, một nhân viên tại TP HCM cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi làm trên những con đường như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định (quận 2), tâm lý luôn bất an lo lắng vì container chạy ầm ầm. Có những ngã ba, ngã tư, dốc cầu được mệnh danh “tử thần”, nhiều người đã thiệt mạng oan dưới bánh container”.
Vì sao thùng container dễ rơi?
Theo một lãnh đạo phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến thùng container rớt xuống đường là do không cài chốt thùng container vào rơ moóc. Cũng có thể tài xế đã cài chốt nhưng do lưu thông, ma sát chốt bị mòn, gỉ sét lâu ngày bị gãy.
Một nhân viên đăng kiểm nói rõ thêm, chất lượng của chốt gù rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông. Cơ quan đăng kiểm luôn chú ý kiểm tra kỹ khâu này mỗi khi đăng kiểm xe đầu kéo sơ mi rơ-mooc.
Thực tế có nhiều trường hợp tài xế “cố tình” quên gài chốt chỉ vì an toàn cho bản thân. Anh NVH, tài xế xe container chia sẻ: “Có khi giới lái xe container vẫn rỉ tai nhau là không nên khóa chốt gù bởi thùng xe container bình thường rất khó bị lật, thậm chí khi đi nhanh, thắng gấp. Chỉ trường hợp vào cua gấp, dốc nghiêng hoặc có vật cản gấp thì dễ xảy ra tai nạn, dẫn đến đổ cả container, đầu kéo, rơ-moóc đe dọa tính mạng tài xế”.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay chưa có quy định liên quan đến việc xử phạt trong trường hợp làm rớt thùng xe như kiểu xe container. Đơn giản bản chất thùng container không phải là hàng hóa để khi người lái xe làm rơi thì bị phạt mà nó là công cụ vận chuyển.
Nếu phạt thì phải có tiêu chuẩn về quy tắc đóng hàng, nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, để khi họ không làm đúng thì mới bị phạt. Vì container nằm trong chuỗi vận tải đa phương thức, đi từ tàu xuống xe, xe về kho, và như vậy thường phụ thuộc vào các công ước quốc tế. Hiện nay chưa tìm thấy quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh cho vấn đề này.
Luật sư Loan cho rằng, việc làm rơi thùng container vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính. Luật sư Loan viện dẫn quy định: “Cụ thể, theo Điểm a Khoản 1 Điều 24 Nghị định 100 thì vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 24 (chở container trên xe (kể cả sơ mi rơ-moóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn công-ten-nơ với xe hoặc có sử dụng thiết bị nhưng container vẫn bị xê dịch trong quá trình vận chuyển). Nếu vi phạm tài xế chỉ bị xử phạt tiền ở mức từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Còn tại Điểm c Khoản 8, Điểm b Khoản 9 Điều 24 Nghị định 100 quy định, vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn gây tai nạn giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 24. Nếu vi phạm tài xế chỉ bị xử phạt tiền từ 8.000.000 đến 12.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ từ 02 đến 04 tháng.
Cũng theo luật sư Loan, trong trường hợp rơi container dẫn đến chết người hoặc làm thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù cao nhất là 15 năm.
Khoản 4 Điều 260 BLHS còn quy định nếu vi phạm trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều 260 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Luật sư đề xuất, vì sự an toàn của những người đi đường, cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra các xe container lưu thông trên đường, nếu phát hiện vi phạm không khóa chốt thì xử lý nghiêm.