Rơi vào lầm than khi khu rừng gần nhà bị đốt trụi, cụ ông làm một chuyện để bị chửi là 'lão điên', nhiều năm sau lại khiến những kẻ dè bỉu phải xấu hổ
Bất chấp những lời đàm tiếu, dè bỉu, ông Sadiman chỉ tập trung làm tốt chuyện của mình và thành quả khiến ai cũng phải nể phục.
Người ta thường nói muốn tạo ra những thay đổi phi thường thì đầu tiên, chúng ta phải bắt đầu với bản thân mình trước. Và ông Sadiman, một nông dân chất phác đến từ Wonogiri, Java, Indonesia, chính là một minh chứng điển hình.
Mọi chuyện bắt đầu khi khu rừng Gendol gần khu vực sinh sống của ông Sadiman bị đốt trụi vào năm 1964. Từ sau đó, nơi đây thường xuyên bị hạn hán vào mùa hè và chịu đựng lũ lụt vào mùa mưa. Tình hình này kéo dài khiến công việc của ông Sadiman bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong suốt nhiều năm. Đáng tiếc là không ai chịu hành động để thay đổi tình hình.
Năm 1996, ông Sadiman bắt tay thực hiện kế hoạch của mình, bằng cách gieo hàng nghìn hạt giống cây đa trên khắp khu rừng bị cháy rụi hàng chục năm về trước. Dù cây đa không mang đến bất kỳ lợi nhuận nào nhưng ông Sadiman vẫn chọn trồng loài cây này là bởi vì nó giúp bảo tồn mạch nước ngầm cực kỳ tốt, đồng thời nó cũng rất tốt cho công việc thủy lợi.
Thời điểm đó, giá hạt giống cây đa khá mắc và tình hình kinh tế của gia đình cũng eo hẹp nên ông Sadiman đã phải trồng cây đinh lăng trong vườn nhà mình. Cứ 10 cây đinh lăng con sẽ đổi được 1 hạt giống cây đa.
Khi ấy, dù việc làm của ông Sadiman tất cả đều là vì cộng đồng nhưng ông vẫn không tránh khỏi miệng lưỡi thế gian. Nhiều người gọi ông là "lão điên" vì họ chẳng tin chuyện này sẽ mang lại kết quả gì tốt đẹp. Bỏ ngoài tai những lời người ta nói, ông Sadiman chỉ tập trung làm tốt chuyện của mình.
Nhờ có sự cần mẫn, kiên trì và một ý chí kiên định không bị lung lay bởi những lời đàm tiếu mà cuối cùng, ông Sadiman đã trồng được ít nhất 11.000 cây đa trên diện tích 250hecta đất rừng. Kết quả mỹ mãn này đã giúp khôi phục lại nguồn nước chảy từ ngọn núi Gendol và nhờ đó mà nông dân lại có thể tái canh tác trên đất của họ.
Hàng chục cây đa này còn giúp khu vực Dali Hamlet thoát khỏi cảnh hạn hán mỗi mùa hè tới, cuộc sống của 3.000 người dân được cải thiện một cách rõ rệt. Có lẽ giờ đây, những người từng dè bỉu, chê bai việc làm của ông Sadiman phải cảm thấy xấu hổ lắm vì tất cả những gì ông làm đều được ngược lại với đánh giá tiêu cực của họ trong quá khứ.
Dù góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng nhưng ông Sadiman chưa từng nghĩ mình xứng đáng được trả công cho những gì bản thân đã làm.
"Tôi chưa từng nghĩ sẽ nhận phần thưởng cho công việc này của mình. Tôi chỉ cầu mong có được sức khỏe. Tôi muốn tiếp tục được trồng cây bởi vì tôi muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người" - ông Sadiman trải lòng.
Câu chuyện của ông Sadiman đã chứng tỏ cho mọi người thấy được rằng mỗi một sự cố gắng dù là nhỏ nhoi cũng có thể mang đến thay đổi lớn đối với nhiều người. Tấm lòng bao dung và hết mình vì cộng đồng của cụ ông đến từ Indonesia này thật đáng nể phục.
(Nguồn: Steemit)