Rối với kết quả giám định
Dù ảnh hưởng rất lớn đến số phận pháp lý của bị can, bị cáo nhưng công tác giám định tư pháp không ít lần chậm trễ hoặc chưa phản ánh sự thật
Ngày 24-4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) đang điều tra, truy xét 2 người lạ rạch tay bé gái là bị hại trong một vụ án hiếp dâm mà công an đang thụ lý.
Nhùng nhằng vì kết quả giám định
Liên quan đến vụ án, ngày 23-4, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Quang (SN 1996, quê Hậu Giang) về hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi. Nạn nhân là N.T.B (SN 2005, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM).
Sau khi nhận thông báo khởi tố vụ án "Giao cấu với người dưới 16 tuổi", ngày 24-4, bé B. cùng mẹ là bà N.T.T lên công an nhận quyết định khởi tố. Trên đường đi, bé B. bị 2 thanh niên đi xe máy áp sát, dùng hung khí gây thương tích ở tay rồi tẩu thoát.
Trước đó, gia đình bà N.T.T kêu cứu khắp nơi về việc bé N.T.B bị xâm hại tình dục khi chưa đủ 16 tuổi. Nguyên nhân vì cơ quan chức năng dựa trên kết quả giám định về độ tuổi mà không xử lý hình sự kẻ xâm hại.
Bà T. kể cuối năm 2019, Nguyễn Ngọc Quang chở con gái bà vào khách sạn rồi ép buộc quan hệ. Tại cơ quan công an, Quang thừa nhận có sự việc như nội dung tố cáo. Công an huyện Bình Chánh yêu cầu gia đình đưa nạn nhân đi giám định răng để xác định rõ độ tuổi. Gia đình bà T. hoàn toàn bất ngờ khi cơ quan giám định kết luận N.T.B đã hơn 17 tuổi. Căn cứ kết quả giám định, cơ quan công an cho rằng N.T.B phải sinh trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 10-2002 chứ không phải năm 2005 như giấy tờ gia đình cung cấp. Từ đó, cơ quan công an không đủ cơ sở buộc tội như nội dung tố cáo.
Ở tỉnh Đồng Nai, trung tâm giám định pháp y từng rút kinh nghiệm vì… nhầm kết quả giám định thương tật. Một bé trai bị người thân gây thương tích vào năm 2018. Kết quả giám định đầu tiên nêu rõ nạn nhân thương tật 15%. Hơn 1 năm sau, cơ quan giám định ra văn bản đính chính thương tật chỉ ở mức 5%.
Hay vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng đến nay chưa có hồi kết do đợi kết quả giám định, định giá tài sản. Đầu năm 2020, TAND TP HCM tiếp tục tiếp nhận hồ sơ vụ án nhưng một số khoản vay vẫn chưa có kết luận giám định nên CQĐT một lần nữa tách ra xử lý sau.
Gần đây nhất, Công an TP HCM đang điều tra, truy xét vụ bộ xương người bị đốt cháy trong nghĩa trang xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP HCM). Cơ quan giám định ban đầu kết luận là xương một phụ nữ lớn tuổi. Sau đó, kết quả giám định pháp y lại xác định đó là một người đàn ông.
Cần bịt kín lỗ hổng
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) cho hay pháp luật hiện hành quy định cơ quan chức năng cần giám định rõ độ tuổi bị hại trong sự việc xâm hại tình dục nếu bị hại có thông tin trên giấy khai sinh không trùng khớp thông tin ở hộ khẩu; hoặc thiếu thông tin (ví dụ thiếu ngày sinh…). "Đối với những vụ án như vụ án ở huyện Bình Chánh, việc làm rõ độ tuổi bị hại tại thời điểm bị xâm hại vô cùng quan trọng. Đó là căn cứ quyết định tội trạng đối với đối tượng có hành vi phạm pháp. Thực tế, không ít trường hợp kết luận giám định cho ra những kết quả khác nhau. Việc này phụ thuộc vào quan điểm của giám định viên, thời gian tiến hành giám định… Chính vì thế, cơ quan chức năng cần thận trọng nhằm tránh tình trạng bỏ lọt người, lọt tội" - luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh.
Tại tọa đàm "Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức" do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Hưng (giám định viên Bộ Tài chính) phản ánh vì chịu trách nhiệm cá nhân trong toàn bộ quá trình nên giám định viên tài chính đôi khi có tâm lý lo ngại. Chưa kể, nhiều lĩnh vực giám định đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu rộng mới có thể tránh sai sót nhưng giám định viên khó nhận hỗ trợ nếu gặp trở ngại trên.
Nói về trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sai sót ở kết quả giám định, luật gia Trần Đình Văn cho biết pháp luật có đề cập tình huống kết luận giám định không đúng sự thật tại điều 3, Luật Giám định tư pháp 2012. Cụ thể, người cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định pháp luật. Nếu thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc thì giám định viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" theo Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Giám định tư pháp
Ông Trần Ngọc Đức (Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân) phân tích giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, cũng như giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/roi-voi-ket-qua-giam-dinh-20200424220052571.htm