Rợn người 'thuật cản thi' dẫn dắt người chết tha hương trở về quê nhà ở Trung Quốc
Theo truyền thuyết dân gian lưu truyền ở vùng núi Tương Tây, ở Hồ Nam, Trung Quốc có 3 tà thuật vô cùng dị thường: Cản Thi, Cổ Trùng, Lạc Hoa Động Nữ. Chính 3 tà thuật này đã biến Tương Tây trở thành vùng đất thần bí, mà thuật Cản Thi có liên quan đến việc dẫn dắt các vong hồn người chết, là một tà thuật đáng sợ và được biết đến rộng rãi nhất.
Như chính tên gọi của nó, Cản Thi nghĩa là người sống sẽ "đuổi" thi thể đi một nơi khác("Cản" nghĩa là đuổi, "thi" là thi thể). Theo đó, người cản thi dùng cổ thuật để mang thi thể của người chết tha hương trở về quê nhà, để họ có thể yên nghỉ ở nơi thân thuộc.
Thời xưa quan niệm lá rụng về cội, tức người sau khi qua đời, phải được đưa về cố hương để mai tác, tuy nhiên, vùng núi Tương Tây ở Hồ Nam và các vùng lân cận của Quý Châu, Trung Quốc, hầu hết đều là núi cao, đường xá hiểm trở,việc vận chuyển xác chết bằng xe đẩy hay xe ngựa đều bất khả thi. Hơn nữa, chi phí để vận chuyển xác chết không hề rẻ và cũng không thể đảm bảo thi thể không thối rữa trong suốt thời gian vận chuyển.
Chính những điều này đã sinh ra nghề Cản Thi đặc biệt.
Xác chết tất nhiên là không thể tự di chuyển được, cần phải có một người đặc biệt dẫn đường thông qua một phương thức đặc biệt. Người này là "thầy cản thi", người dân địa phương gọi là "người đuổi xác".
Trên thực tế, nói là "đuổi xác" nhưng thực chất có thể nói là "dẫn xác", bởi vì ông ta vừa gõ vào chuông (hoặc chiêng) đồng nhỏ cầm trên tay vừa dẫn dắt xác chết hướng về phía trước. Khi có nhiều hơn 1 xác chết, họ sẽ được cột chặt với nhau bằng sợi dây rơm, cách nhau 2 mét. Nhưng dù có bao nhiêu thi thể thì cũng sẽ bị điều khiển bởi 1 thầy cản thi.Một thầy cản thi khi làm việc có thể dắt theo học trò để giúp việc, phòng khi trời tối đường trơn hoặc để có thêm can đảm.
Thầy cản thi sẽ đi ở phía trước, thi thể đi ở giữa, người học trò cầm bát nước trên tay đi phía sau (nước trong bát phải gia trì bùa chú). Trên đường tống thi, người đi phía sau phải đảm bảo nước trong bát phải bằng phẳng, “nước không nghiêng đổ, xác cũng không đổ”.
Điều cấm kỵ kế tiếp là không được để chó mèo tiếp xúc với xác chết. Nếu xác chết không còn nguyên vẹn sẽ không thể giải thích cho người nhà của họ được.
Trên chặng đường dài, đoàn có thể nghỉ lại ở các quán trọ đặc biệt, chỉ có thầy cản thi và thi thể có thể bước vào còn người sống thì không thể.Thầy cản thi dẫn dắt thi thể đi, lúc trời sáng thì tìm đến các quán trọ này để trú ẩn, khi đêm xuống lại tiếp tục di chuyển.
Đêm trước khi về đến nhà, “thi thể phải báo mộng cho người nhà chuẩn bị quan tài, quần áo chôn cất, dọn dẹp chỉnh tề”. Khi người cản thi đưa thi thể về đến nhà, liền dựng thẳng thi thể bên cạnh quan tài, người cản thi rắc bát nước có bùa chú xuống đất, và thi thể ngay lập tức ngã xuống. Lúc đó cần tẩm liệm người chết ngay, nếu không thi thể sẽ biến đổi và phân hủy cực nhanh.
Thuật Cản thi còn có nguyên tắc 3 cản, 3 không cản. Nghĩa là được cản thi với 3 kiểu thi thể chết do bị chém đầu, án treo cổ và chết vì hình phạt lồng đứng. Bởi vì những người này bị ép chết, không cam lòng chết, chết vẫn muốn quay về cố hương. 3 cái chết không thể cản là, chết do sấm sét đánh trúng, chết do nhảy sông, chết do bệnh tật.
Nghề cản thi thường hoạt động mạnh ở huyện Nguyên Lăng, Lô Khê, Thần Hề và Tự Phổ ở Tương Tây. Các xác chết không thể đi qua Hồ Động Đình, hướng Đông chỉ đến được Tĩnh Châu, hướng Tây chỉ đến Phù Châu và Vu Châu, hướng Tây Nam có thể đến Vân Nam và Quý Châu. Theo truyền thuyết, những nơi này là địa hạt của Quỷ Quốc và có xuất hiện kết giới, dù pháp thuật có cao cường đến mấy cũng không thể thi triển, không thể điều khiển được các xác chết.
Thầy cản thi rất thần bí nhưng đây thật sự không phải là nghề chính của họ, bởi vì khối lượng công việc không nhiều. Bình thường họ cũng sinh hoạt như những người khác, đến khi có việc họ mới tiến hành bí thuật Cản thi.
Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội và giao thông ngày càng thuận tiện, tập tục này đã gần như bị thất truyền, chỉ còn lại những truyền thuyết và đồn đoán quanh về nghề và tập tục này quanh vùng Tương Tây.