Rộn rã hội trại tòng quân trên thành phố mang tên Bác

Những ngày qua, tại các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt tổ chức hội trại tòng quân với nhiều hoạt động vui tươi, ý nghĩa, trở thành ngày hội truyền thống của nhân dân, thanh niên địa phương. Hội trại không chỉ mang tính hoạt động vui chơi, giải trí, mà qua đó còn góp phần giáo dục truyền thống, động viên thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc...

Hấp dẫn hội trại tòng quân

Sáng 6-3, các tuyến phố dẫn đến các điểm tổ chức hội trại tòng quân ở TP Hồ Chí Minh rực rỡ băng cờ, khẩu hiệu. Tại các điểm tổ chức hội trại của các quận, huyện, dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Đến các hội trại không chỉ thanh niên mà còn có nhiều cụ già, cựu chiến binh, các em học sinh. Tại hội trại quận Tân Phú, sau phần dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tiếng trống hội trại vang lên rộn rã, như giục lòng người hòa theo tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng reo hò cổ vũ sôi động, phía trước sân, từng nhóm bạn trẻ sôi nổi tranh tài với các trò chơi dân gian, hiện đại hấp dẫn. Phía sau sân, nhiều hội viên hội phụ nữ, nữ đoàn viên, thanh niên của quận miệt mài thi nấu ăn, làm bánh… phục vụ các trại viên, người dân đến dự hội trại.

Theo Thượng tá Đặng Văn Lược, Chính trị viên Ban CHQS quận Tân Phú: Với chủ đề “Tuổi trẻ Tân Phú-tự hào tiếp bước truyền thống”, hội trại gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ, gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; lễ tuyên dương đảng viên, công chức, thanh niên tiêu biểu tình nguyện nhập ngũ; lễ giao, nhận quân; lễ khai mạc hội trại rước đuốc; lễ trao tặng quà… Phần hội, gồm: Cắm trại, trang trí trại; đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ; thể dục, thể thao; trò chơi dân gian, hiện đại; diễn đàn thanh niên; giao lưu với các nhân chứng lịch sử… Từ thực tiễn tổ chức qua nhiều năm, điểm mới của hội trại năm nay là đơn vị tổ chức thành chuỗi hoạt động, tăng phần nghi thức lễ và nhiều hoạt động kéo dài trước ngày giao quân. Trong đó, điểm nhấn là đơn vị phối hợp các ban, ngành, đơn vị nhận tổ chức cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ và thân nhân tham quan đơn vị; tìm hiểu chiến công của các tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; tổ chức các điểm cắt tóc, sửa quân phục miễn phí, thi nấu ăn... Để các hoạt động hấp dẫn, đơn vị tổ chức thành các hội thi liên tục, hấp dẫn. Phần thưởng là những món quà ý nghĩa, luôn tạo hào hứng cho mọi người.

 Các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Tham gia hội trại cùng tuổi trẻ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Ngưỡng, ngụ phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, tâm đắc: "Hội trại không chỉ có ý nghĩa với tuổi trẻ, mà chúng tôi cũng như được sống lại những ngày tháng hào hùng lên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cứ nhìn nét mặt tươi vui của các cháu trong tham gia hội trại, tôi tin tưởng các cháu sẽ vững bước tiếp nối truyền thống cha anh, xây và bảo vệ vững chắc Tổ quốc".

Tùy truyền thống lịch sử của từng địa phương, các quận, huyện đều chọn điểm tổ chức hội trại là các trung tâm văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn gắn với phát huy tốt các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, tạo điểm nhấn. Tại hội trại huyện Củ Chi, các bạn trẻ còn được tham quan Di tích Lịch sử Văn hóa địa đạo Củ Chi, trải nghiệm cùng các câu chuyện mưu trí chiến đấu của quân, dân đất “thép” thời kỳ kháng chiến… Tại hội trại quận Thủ Đức, các trại sinh trải nghiệm nhiều trò chơi vận động, trò chơi quân sự, thi múa dân vũ, triển lãm sách, báo, trưng bày các gian hàng nhu yếu phẩm…

Thời gian qua, để tổ chức hội trại tòng quân ngày càng hấp dẫn, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh thường xuyên rút kinh nghiệm, đồng thời chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tốt giữa các ban, ngành, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền làm cho hội trại ngày càng lan tỏa sâu rộng. Các đơn vị, địa phương tổ chức tốt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên, xây dựng các hạt nhân nòng cốt. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh: Hoạt động hội trại tòng quân góp phần làm giàu đời sống văn hóa của nhân dân thành phố, ngăn chặn văn hóa xấu độc, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Sở đã chỉ đạo các phòng chức năng đầu tư vật chất, tích cực hỗ trợ nghiệp vụ, làm hội trại được tổ chức ngày càng có tính chuyên nghiệp, hấp dẫn, trở thành ngày hội văn hóa truyền thống của địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia.

 Văn hóa đọc tại Hội trại tòng quân quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Văn hóa đọc tại Hội trại tòng quân quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Cùng với nhiều biện pháp, thông qua tổ chức tốt hội trại tòng quân không chỉ kịp thời động viên thanh niên trúng tuyển vinh dự, tự hào, tiếp bước truyền thống cha anh lên đường bảo vệ Tổ quốc, mà còn tuyên truyền sâu rộng truyền thống văn hóa dân tộc, quân đội, Luật Nghĩa vụ quân sự cho mọi người, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm để thành phố luôn hoàn thành tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm"...

 Thanh niên quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tham gia các trò chơi tại hội trại tòng quân. Ảnh: XUÂN CƯỜNG.

Thanh niên quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tham gia các trò chơi tại hội trại tòng quân. Ảnh: XUÂN CƯỜNG.

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh giao 3.752 thanh niên; đảng viên chiếm 4,3%; sức khỏe loại I gần 71%; trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm 39%... Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh thành phố cũng tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ huy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động nhiều nguồn lực quan tâm chăm lo tốt đời sống, vật chất tinh thần cho thanh niên, hậu phương quân đội bằng những việc làm cụ thể, như: Tặng sổ tiết kiệm, tặng quà thanh niên trúng tuyển, trợ vốn sản xuất cho gia đình có con em nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là gia đình có con em công tác tại các vùng biển, đảo... Năm nay, các địa phương đều tặng quà bình quân từ 4 đến 4,5 triệu đồng/thanh niên. Đảng ủy, Bộ tư lệnh thành phố cũng chủ động phối hợp tốt với Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, làm cho học sinh, sinh viên hiểu rõ quân đội là trường học lớn, từ đó nhận rõ vinh dự, trách nhiệm trong bảo vệ Tổ quốc. Cơ quan quân sự các cấp, ngành giáo dục, Thành đoàn, các trường đại học, cao đẳng còn ký kết kết nghĩa với các đơn vị quân đội, tổ chức tốt hội trại tòng quân, giao lưu giữa thanh niên, sinh viên với cựu chiến binh, tham quan di tích lịch sử văn hóa… góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, xây dựng thành phố giàu đẹp, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Bài và ảnh: DUY HIỂN - XUÂN CƯỜNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ron-ra-hoi-trai-tong-quan-tren-thanh-pho-mang-ten-bac-533009