Rộn rã mùa săn 'rồng đất' ở xứ Nghệ
Vào lúc trời tối thẫm, mưa phùn, gió ngoài mạn sông Lam thổi vào rét buốt. Trên cánh đồng xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) chi chít ánh đèn pin như sao sa.
Đó là người dân đang túc trực, canh mặt nước, chờ rươi “mọc”. Họ gọi rươi là lộc trời, bởi chỉ cần ra đồng, vớt lên bán với giá 1 cân bằng nửa tạ thóc.
Rộn rã cánh đồng mùa rét
Cánh đồng rộng khoảng 30ha xã Châu Nhân nằm ở hạ nguồn sông Lam. Vùng đất ngoài đê, mỗi năm bà con chỉ trồng 2 vụ lúa, còn vụ thu - đông thường vào mùa mưa lụt nên ruộng để không. Cả một vùng mênh mông chỉ toàn gốc rạ cũ ngập trong bùn đất và nước thủy triều dâng. Nhưng khoảng 15 năm nay, vùng đồng không này lại trở thành nơi cho thu nhập cao hơn cả trồng lúa của bà con.
Ông Phạm Văn Phượng ngâm mình trong nước lạnh, giăng lưới vây quanh ruộng của mình rồi ngồi chờ rươi “mọc”. Sản vật được dân gian gọi là “rồng đất”,trong năm chỉ xuất hiện vào dịp tháng 9, 10 và 11 âm lịch.
Để thu hoạch, người dân thường đào lạch để dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng. Khi rươi bắt đầu nổi lên thì tháo nước ra kênh, chúng xuôi theo dòng chảy, tập trung về đáy lưới ở góc ruộng và bà con chỉ việc dùng vợt để vớt lên.
Thường rươi sẽ xuất hiện vào đêm khuya, nhưng hôm nay, mới 16 giờ, ruộng nhà ông Phượng đã bắt đầu thu hoạch. Trời tối, rươi mọc càng nhiều hơn. Đầu đeo đèn pin rọi xuống mặt nước, ông cẩn thận dùng vợt xúc rươi đang nổi dày lên trong quầng sáng, rồi nhẹ nhàng trút vào chiếc xô để trên bờ.
Chỉ hơn 3 giờ đồng hồ, đứng một chỗ, ông Phượng đã thu hoạch gần 2 yến rươi.
Với giá thị trường thu mua tại ruộng là 400 nghìn/kg, ông Phượng đã có gần 8 triệu đồng. Rươi còn được người dân gọi là “lộc trời” là vì vậy. Cạnh ruộng của ông Phượng, những nhà khác cũng đã huy động nhân lực ra đồng. Cả một vùng huyên náo tiếng người cười nói, hỏi thăm được ít hay nhiều. Ánh đèn pin chi chít, sáng như sao sa trên cánh đồng đêm xuống đen thẫm.
Sản vật này không cần phải đầu tư công sức, tiền của vì có trong tự nhiên. Việc thu hoạch cũng đơn giản, chỉ đứng một chỗ, nhưng người vớt chịu không ít vất vả khi phải cúi khom lưng hàng giờ liền trong đêm lạnh.
“Rươi thuộc họ giun đất, thân mềm, phải cẩn thận không lỡ tay làm rơi xuống đất là nó vỡ luôn”, bà Phạm Thị Nga (xóm Nhân 2, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên) vừa vớt, vừa lý giải tại sao ai nấy đều nhẹ nhàng với loài đặc sản này như vậy.
Theo bà Nga, hôm nay là ngày cao điểm, rươi mọc nhiều, từ chiều tới giờ hai vợ chồng không dám rời ruộng, dù lưng mỏi nhừ. Bữa tối cơm ở nhà đã nấu cũng không kịp về ăn. Vớt nốt những con rươi còn sót lại dọc mép lưới, bà chuẩn bị thu dọn đồ đạc ra về. Với khoảng 10kg rươi, bà có thu nhập xấp xỉ 4 triệu đồng.
“Rươi ở đây hoàn toàn tự nhiên chứ không phải nuôi đâu. Nó vào ruộng nhà ai thì nhà ấy được, nên thu hoạch được nhiều hay ít cũng do may rủi, và ruộng lớn hay nhỏ. Đang vào mùa chính, nhưng có nhiều rươi như thế này hiếm lắm, mỗi tháng chỉ được 1 – 2 ngày thôi”, bà Nga nói.
Thu nhập cao hơn vụ lúa
“Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”, đó là câu ca dao truyền đời ở vùng đất hiếm hoi của Nghệ An có loài rươi sinh trưởng. Ông Phạm Văn Khánh theo cha mẹ đi vớt rươi khi còn là cậu bé 7 tuổi.
Ông nhớ lại, ngày ấy ai có sức vớt thì vớt được nhiều, không chia ruộng và giăng lưới như bây giờ. Hơn nữa, rươi thời đó cũng như cua, cáy. Người dân đem về nấu ăn trong ngày, hoặc bỏ vào chum làm mắm ăn dần trong mùa giáp hạt. Khoảng 15 năm lại đây, nó thành đặc sản, được thương lái về tận nơi tìm mua, giá bán cao lên... nên sau đó ruộng nhà nào nhà đó vớt.
Rươi sau khi vớt về, thương lái khắp nơi chạy xe đến tận ruộng thu mua với giá từ 400.000 - 450.000 đồng/kg. “Có đến đâu, người ta mua hết đến đó. Với giá thành hiện nay, thì 1 cân rươi bằng nửa tạ lúa”, chị Nguyễn Thị Hồng (xóm 1, xã Châu Nhân) nói.
Cũng từ khi loại đặc sản vùng hạ lưu sông Lam này trở nên đắt giá, “săn” rươi trở thành một nghề ở Châu Nhân. Nói là săn bởi loại đặc sản mọc từ ruộng nhà mình, nhưng mỗi năm chỉ có một mùa kéo dài 3 tháng từ cuối tháng 9 - 11.
Trong mùa, cũng không phải lúc nào cũng có, mà thường xuất vào các ngày 5 và ngày 10.Giờ rươi mọc cũng thất thường, khó đoán. “Nhiều khi canh ruộng mãi không thấy, về nhà định ăn cơm thì nghe hàng xóm gọi, lại thả bát xuống xách xô chạy ra đồng”, ông Phạm Văn Khanh cho hay.
Mỗi sào ruộng (500 m2) ở vùng này, mỗi đêm rươi lên, trung bình mỗi nhà thu hoạch 5 - 6 kg rươi. Nhưng có đêm “trời cho”, số lượng có khi lên đến 30 - 40 kg rươi. “Thậm chí tháng trước, bên cụm Hưng Châu, có nhà thu được hơn 1 tạ rươi trong một đêm, được 50 triệu đồng. Làng này, vào mùa rươi, thỉnh thoảng vẫn có nhà được lộc nhiều như thế”, chị Hồng cho biết thêm.
Theo bà con nơi đây, lộc trời cho nên vào nhà ai người ấy hưởng. Có nhà 1 đêm vớt được cả chục triệu đồng, cũng có nhà chỉ được 1 – 2 cân. Nhưng ở đây có nguyên tắc bất di bất dịch là rươi vào ruộng của nhà ai thì nhà ấy bắt, không được xâm phạm”, ông Phạm Văn Khánh người có gần 30 năm bắt rươi cho biết.
Nghĩ cách nuôi “rồng đất”
Chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng kinh tế từ rươi so với các loại cây trồng, vật nuôi khác. Trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, địa phương đã có ý tưởng hướng tới chuyên canh loài sản vật có giá trị kinh tế lớn này. Tuy nhiên, cần phải nhờ các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu tính khả thi của việc nuôi rươi. Vì lâu nay chúng chỉ sống tự nhiên và biến mất nếu ruộng đất ô nhiễm hoặc có chất hóa học - Ông Lê Khánh Quang.
Như bao vùng quê khác ở xứ Nghệ, thanh niên lớn lên học ngành nghề, rồi rời làng đi làm ăn xa. Hai vụ lúa mỗi năm và những ngày nông nhàn không đủ sức giữ chân người trẻ.
Ở nhà, chỉ còn trẻ con và phần lớn người từ trung niên. Họ tiếp tục nghề nông và săn rươi kiếm thêm thu nhập vào lúc nông nhàn, ruộng đồng đang chờ qua mùa nước lụt.
Ông Trịnh Xuân Đào – người gắn bó hơn 20 năm với đồng ruộng Châu Nhân cho biết, thực ra tươi không cần đầu tư nhiều ngoài trừ một ít lưới để khoanh xung quanh ruộng. Cũng không phải lo đầu ra mà thu hoạch gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thế nhưng, rươi không phải là loài dễ tính. Thửa ruộng nào hễ phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ cho lúa thì năm đó, rươi biến mất, không “mọc”.
Vì thế, người dân ở đây không ai dám đụng đến thuốc bảo vệ thực vật. “Chúng tôi thường cày ải cho đất tơi xốp. Năm nào có lũ nước về, đất đai nhiều phù sa, màu mỡ thì rươi nhiều. Còn năm nào hạn hán, mình không chăm sóc ruộng thì ngược lại, mất mùa”, ông Đào nói.
Tuy nhiên, với người dân nơi đây, mùa rươi vẫn được xem là mùa lộc trời cho, được thì mừng, còn không may thì lại chờ mùa khác. Bởi loài đặc sản này còn phụ thuộc vào dòng nước, thời tiết từng năm, không ổn định, cũng không nuôi trồng công nghiệp được.
Theo ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, (Hưng Nguyên, Nghệ An), lý do đặc sản rươi của xã được nhà hàng ưa chuộng, thương lái săn lùng vì giá trị dinh dưỡng cao và được nuôi tự nhiên. Thực tế, mỗi sào ruộng (500m2) trồng lúa, sau khi thu hoạch, trừ các loại chi phí, người dân chỉ lãi chưa đến 1 triệu đồng.
Nhưng thu nhập từ rươi có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho một mùa kéo dài hơn 3 tháng. Thậm chí có trường hợp gia đình thầu ruộng của những người dân đi xa, có năm thu được cả tấn rươi. Công việc mang tính thời vụ nhưng đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân có ruộng rươi.
Chủ tịch xã Châu Nhân cũng cho rằng, nếu tìm được phương án nuôi rươi khả thi, đây sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương. Nhưng trong khi chờ đợi có phương án nuôi trồng cụ thể, hiệu quả thì xã giao khoán cho người dân. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, cùng với vào kinh nghiệm để phát huy hiệu quả nhất nguồn lợi thủy sản này”, ông Quang cho hay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ron-ra-mua-san-rong-dat-o-xu-nghe-IuteCJBGg.html