Rộn ràng hội làng ngày Xuân

Tháng Giêng về, hòa trong không khí rộn ràng, tươi mới của đất trời là tiếng trống khai hội ở các làng quê trong tỉnh. Tiếng trống hội vừa âm vang, thanh thoát vừa như thúc giục, níu kéo, gọi mời khiến lòng người thêm háo hức, hân hoan.

Màn rước kiệu tại lễ hội Hoán sắc làng Sài Thị, xã Thuần Hưng (Khoái Châu)

Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lễ hội Hoán sắc ở thôn Sài Thị (thôn có 2 làng Sài Thị Thượng và Sài Thị Hạ), xã Thuần Hưng (Khoái Châu) năm nay được tổ chức đầy đủ gồm cả phần lễ và phần hội đã thu hút đông đảo người dân địa phương, con em xa quê và du khách thập phương tham dự. Đền làng Sài Thị Thượng và Sài Thị Hạ thờ Nhị vị Đại Vương là Thánh thông linh ứng đại vương và Hiển linh cảm ứng đại vương. Hai ngài là tướng thời Hùng Vương thứ 18. Để ghi nhớ công lao to lớn của hai ngài, Nhân dân 2 làng Sài Thị Thượng và Sài Thị Hạ đã lập đền thờ và lưu giữ sắc phong của nhà vua. Cứ 3 năm 1 lần, Nhân dân 2 làng lại tổ chức lễ hội, rước kiệu và hoán sắc cho nhau. Đây là dịp để mỗi người thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân đã có công với nước. Ông Nguyễn Xuân Phương – Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sài Thị chia sẻ: “Hội làng là ngày trọng đại của người dân trong làng. Đây là dịp để con cháu ở xa về với quê hương, là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, những người có công đi khai hoang, mở đất. Việc tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng văn hóa truyền thống, bảo đảm văn minh, tiết kiệm, góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong thôn, đây còn là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Trong tiếng trống hội rộn rã vang lên thúc giục, khắp ngõ, xóm, làng quê bừng lên niềm vui nhộn nhịp, người người tấp nập đội lễ ra đình tham gia các nghi thức tế lễ và các hoạt động vui chơi của hội làng. Là lễ hội tâm linh tín ngưỡng, hội làng có ý nghĩa giáo dục cao, khuyên con người gạt bỏ điều ác để hướng thiện, xua đi những phiền muộn trong đời sống thường ngày, đồng thời nhắc nhở bản thân và răn dạy con cháu biết ơn các vị tiền nhân, nhớ đến cội nguồn quê hương, truyền thống gia đình, dòng họ. Anh Nguyễn Hữu Sáng, người dân thôn Sài Thị đang sinh sống ở Hà Nội về dự hội làng cho biết: Mặc dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp về dự hội làng, bởi nhớ tới quê hương. Mỗi khi có hội làng tâm trí tôi đều bồi hồi xúc động, tôi kêu gọi đồng hương xa quê cùng ủng hộ xây dựng quê hương.

Từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm) lại long trọng tổ chức hội làng nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Đức Thánh Tam Giang. Theo những ghi chép của địa phương để lại, Đức Thánh Tam Giang là một vị tướng thao lược toàn tài, Ngài đã cùng các tướng sĩ của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Mã Viện ở thành Luy Lâu. Sau khi thắng trận, tướng Tam Giang trở về trại Đồng Cầu (nay là làng Nôm) chiêu mộ binh lính, rèn binh luyện võ. Thời gian sau, quân xâm lược bành trướng phương Bắc do Tô Định dẫn đầu lại sang xâm chiếm nước ta, chúng đóng quân ở thành Luy Lâu. Hai Bà Trưng hiệu triệu tướng sĩ khởi binh đánh đuổi Tô Định, tướng Tam Giang chỉ huy quân lính từ trại Đồng Cầu dẫn quân lính đi đánh giặc. Quân Tô Định cho người về trại Đồng Cầu bắt mẫu thân và phu nhân của Ngài để uy hiếp tinh thần, hai mẹ con đã tuẫn tiết tại cửa chùa (nay là chùa Nôm). Do quân giặc thế mạnh, tướng sĩ Hai Bà Trưng thua trận, tướng Tam Giang lên thuyền theo dòng sông Nguyệt Đức lui về trại Đồng Cầu. Quân địch đuổi theo mỗi lúc một đông, Ngài quyết không để quân giặc bắt nên tự tay đục thủng thuyền. Đúng lúc đó, giông tố nổi lên, sóng nước hiện cảnh dị thường quấn vào người Ngài không cho quân giặc tiến sát. Sáng hôm sau, dân làng thấy nơi của Ngài hóa thành đống mối, từ đó người dân làng Nôm lập đền thờ phụng Ngài…

Hội làng Nôm gồm nhiều nghi lễ và hoạt động truyền thống như: Lễ rước nước từ chùa về đình phục vụ lễ bao sái cho Thành hoàng làng, lễ rước Thánh lên chùa để mời mẫu thân và phu nhân về dự hội làng, các cụ cao niên tổ chức trình làng, vọng lão... Tất cả các nghi lễ trên đều được thực hiện tôn nghiêm, theo đúng phong tục hàng trăm năm mà tổ tiên để lại.

Vào những ngày diễn ra hội làng, những người đi làm ăn ở các nơi cũng trở về địa phương, sum họp với gia đình, thắp nén hương thành kính trước bàn thờ tổ tiên, tham gia vào các nghi lễ truyền thống… Bà Nguyễn Thị Lan, đang sinh sống cùng gia đình tại tỉnh Quảng Ninh nhưng năm nào cũng cùng con, cháu về thăm quê vào dịp hội làng. Bà chia sẻ: Các con tôi rất vui khi được cùng bố mẹ về quê để dự hội làng. Không chỉ được trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian truyền thống mà quan trọng hơn là hiểu được lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người dân quê mình, từ đó giáo dục, bồi đắp tinh thần tự hào truyền thống quê hương cho con, cháu.

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 500 lễ hội truyền thống, phần lớn lễ hội diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Dù ở quy mô, cấp độ nào, các lễ hội truyền thống cũng luôn bảo đảm trang nghiêm, trọng thể phần lễ, vui tươi, lành mạnh, phong phú trong phần hội trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chính sự đa dạng của hoạt động văn hóa trong lễ hội làm cho không gian của lễ hội luôn mới mẻ, tươi vui. Tham gia các lễ hội, người dân và du khách thập phương được quan sát, thưởng thức các giá trị văn hóa của cộng đồng, để từ đó họ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông cho các thế hệ sau.

Dương Miền – Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202302/ron-rang-hoi-lang-ngay-xuan-b6407e9/