Rộn ràng Ngày hội Bình đẳng giới tại vùng 'cao nguyên trắng'
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức Ngày hội Bình đẳng giới tại vùng 'cao nguyên trắng' Bắc Hà, Lào Cai
Tiếng cười và niềm vui tràn ngập Bắc Hà, Lào Cai khi hơn 100 người dân địa phương tham dự trải nghiệm tại Ngày hội “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng”. Ngày hội đã mang lại không khí sôi động, đầy hứng khởi và những bài học ý nghĩa về bình đẳng giới và quyền trẻ em cho cộng đồng.
Bắc Hà giữa tháng 7 đắm mình trong ánh nắng vàng và những cơn gió nhẹ. Cơn mưa ngày hôm trước đã xua đi phần nào cái oi bức của mùa hè. Những ruộng ngô mới thu hoạch cùng những ngôi nhà truyền thống vùng cao chạy dọc hai bên con đường dẫn vào trụ sở Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Thải Giàng Phố.
Từ 8 giờ kém, sân UBND xã Thải Giàng Phố đã rộn ràng với tiếng gọi nhau, tiếng nói, tiếng cười của hơn 100 người dân tới tham dự Ngày hội Bình đẳng giới, trong đó có các chị em là người hưởng lợi của dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng”. Đám trẻ con xã ríu rít tới theo từng nhóm, tò mò rủ nhau xem những gian trò chơi được bố trí quanh UBND xã. Nhiều bố mẹ, ông bà địu theo những em nhỏ sau lưng tới tham gia hội. Ai cũng mang một nụ cười tươi và nét mặt rạng rỡ, háo hức.
Đến với ngày hội lần này, người tham gia được trải nghiệm 6 gian trò chơi, trong đó có 4 gian trò chơi kiến thức giúp người tham gia tìm hiểu các khái niệm về bình đẳng giới như định kiến giới, khuôn mẫu giới, cùng những kiến thức về quyền trẻ em.
Với gian “Xem ảnh bắt tình huống”, người tham gia được học cách nhận diện và thảo luận về hậu quả của các vấn đề như kết hôn sớm, lao động sớm, phân chia lao động bất hợp lý và bạo lực trẻ em thông qua các bức tranh được ban tổ chức chuẩn bị sẵn. Với mỗi bức tranh được giơ lên, 2 đội cần miêu tả bức tranh đó nói về tình huống hay vấn nạn gì.
Em Giàng Thị Hồng Thương, học sinh lớp 12, cho biết đây là gian trò chơi để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất, bởi em cùng các bạn, các cô đã có cơ hội được bàn luận, hiểu sâu hơn về tác hại của lao động trẻ em với cá nhân các em nhỏ và toàn xã hội, cũng như tầm quan trọng của việc đưa trẻ tới trường.
“Thông qua trò chơi em hiểu được việc thực hiện quyền đi học của trẻ là vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo tương lai cho các em,” Thương chia sẻ.
Sau khi nhận diện vấn đề, Thương cùng người dân tham gia ngày hội còn được tìm hiểu sâu hơn về các kiến thức liên quan với gian trả lời câu hỏi. Tại đây, người chơi sẽ bốc những lá thăm chứa các câu hỏi cụ thể như: độ tuổi được xác định là lao động chưa thành niên, số giờ tối đa lao động chưa thành niên được làm việc trong 1 ngày, số điện thoại khẩn cấp bảo vệ trẻ em, v.v.
“Tôi được vui chơi, được trả lời câu hỏi, được nhận thưởng, đồng thời học hỏi về quyền trẻ em và bình đẳng giới. Tôi rất vui và phấn khởi,” chị Mây, một phụ nữ dân tộc Phù Lá hào hứng chia sẻ. Lần đầu tiên chị được biết người đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi được làm tối đa 4 giờ một ngày.
Bên cạnh các gian về kiến thức, người dân Bắc Hà cũng được cười thả ga với các trò chơi dân gian và nhận những phần quà thiết yếu như: sữa TH true MILK, bột canh, sách vở,v.v..
Một trong những điểm nhấn của ngày hội là cơ hội để những phụ nữ đã nhận hỗ trợ từ chương trình vay vốn không lãi suất của dự án chia sẻ về hành trình của mình. Thông qua các hình thức sinh động, độc đáo như diễn kịch, triển lãm đồ vật, cắt dán thủ công và vẽ tranh minh họa, họ kể lại câu chuyện truyền cảm hứng về những cải thiện đáng kể trong cuộc sống về kinh tế, nhận thức, cũng như tiếng nói và vị thế trong gia đình và xã hội của mình.
“Tôi cảm thấy rất vui vì được vui chơi và chia sẻ những gì mình đã học được về chăm sóc vật nuôi trong gia đình và về bình đẳng giới và bạo lực gia đình với bà con,” chị Sùng Thị Các, một phụ nữ được nhận vay vốn không lãi suất của dự án cho biết.
Gian triển lãm không chỉ là nơi chia sẻ câu chuyện mà còn là cách thức trao quyền chủ động cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số này. Họ được tự do chia sẻ kinh nghiệm của mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, qua đó giúp thông tin trở nên dễ tiếp cận, dễ hiểu và gần gũi hơn với người dân địa phương. Qua những hoạt động tương tác và lắng nghe trực tiếp, người dân có cái nhìn sinh động, trực quan hơn về hiệu quả của dự án, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tạo ra những thay đổi bền vững trong cộng đồng.
Trước đó, dự án đã triển khai 15 gói hỗ trợ vốn vay không lãi suất với tổng trị giá 150 triệu đồng cho 15 phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các chị em cải thiện sinh kế. Không chỉ được vay vốn để làm chuồng, mua đàn vật nuôi, các chị em còn được tham gia các lớp tập huấn về những chủ đề: mô hình cải thiện sinh kế hộ gia đình, bình đẳng giới, quyền trẻ em và mối liên hệ với phát triển kinh tế gia đình.
Tới thời điểm hiện tại, 12 chị em đã hoàn trả vốn vay và 3 người tiếp tục giữ vốn để phát triển kinh tế, dự kiến sẽ hoàn trả trong 1 năm tới. Vốn đã được hoàn trả sẽ tiếp tục được xoay vòng cho các hội viên phụ nữ khác, góp phần giúp cải thiện sinh kế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Thải Giàng Phố.
Sự thành công của Ngày hội Bình đẳng giới không thể không kể đến vai trò quan trọng của các tình nguyện viên từ BAC A BANK chi nhánh Lào Cai. Các tình nguyện viên đã tích cực tham gia từ khâu chuẩn bị đến điều hành các gian trò chơi trong ngày hội.
“Tôi rất vui vì được góp phần giúp người dân nhận thức được những định kiến giới, khuôn mẫu giới,” chị Vũ Thị Việt Hà, Phó giám đốc BAC A BANK chi nhánh Lào Cai, một trong những TNV tham gia ngày hội, chia sẻ. “Tôi cũng mong rằng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Tập đoàn TH và BAC A BANK sẽ có thêm nhiều các hoạt động như hoạt động này, có thêm nhiều đóng góp cho xã hội hơn nữa để đem lại nhiều giá trị tích cực cho đồng bào”.
Ngay từ khi biết tin Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tuyển tình nguyện viên, lãnh đạo BAC A BANK chi nhánh Lào Cai đã tạo điều kiện để cán bộ nhân viên chi nhánh tham gia hỗ trợ. Không chỉ mang đến các TNV nhiệt huyết, chi nhánh chủ động đưa các TNV vào xã, cách TP. 80km. Đây là lần thứ hai các tình nguyện viên của chi nhánh tham gia hỗ trợ hoạt động của VSF. Trước đó, năm 2023, 16 TNV đã hỗ trợ VSF tổ chức Ngày hội tổng kết dự án Trường học hạnh phúc tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai.
Trong khuôn khổ ngày hội, ban tổ chức cũng đã tổ chức lễ tổng kết giai đoạn đầu dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng.”
Nhìn lại tác động tích cực của dự án, bà Hà Thị Khánh Nguyện Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Dự án ‘Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng’ là một cách làm hay hay và hiệu quả trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.”
Bà cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với VSF để triển khai thêm nhiều hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Hà nói riêng và các địa bàn khác trong tỉnh Lào Cai nói chung.
Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tập đoàn TH phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lào Cai và Hội LHPN huyện Bắc Hà thực hiện, nhằm giúp người dân địa phương nhận diện và có những hành động/nỗ lực cụ thể để xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới, cũng như bảo vệ bản thân khỏi bạo lực, kỳ thị, và phân biệt đối xử.
Nguồn ngân sách của dự án đến từ chiến dịch “Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2022 và chương trình “Lan tỏa hạnh phúc đích thực” của VSF. Ngoài ra dự án cũng có sự chung tay của hơn 1.000 nhà tài trợ cá nhân cho hoạt động bảo trợ trẻ.
Trong năm 2023, VSF tiếp tục triển khai chiến dịch “Tô Cam” với sự đồng hành của Tập đoàn TH và BAC A BANK. Chiến dịch đã diễn ra thành công với số tiền gây quỹ hỗ trợ vốn vay lên đến 600 triệu đồng. Hiện quỹ đang được giải ngân hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn tại Điện Biên và Sơn La.