Rộn ràng ngày hội của tình đoàn kết quân dân nơi phố biển

Cuối tháng 2, đầu tháng 3 là quãng thời gian có thời tiết đẹp nhất trong năm ở thành phố biển Đà Nẵng. Đây cũng là thời điểm chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và nhân dân các phường khu vực biên giới biển thành phố tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân với nhiều hoạt động tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đồng thời khơi dậy niềm tự hào cũng như trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nô nức ngày hội thành phố biển

Việc 17 phường ven biển luân phiên tổ chức các hoạt động Ngày hội Biên phòng toàn dân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân đã tạo nên khung cảnh đặc biệt ở khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng.

Việc tổ chức chu đáo các hoạt động để đông đảo người dân tham gia nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo, tinh thần cảnh giác của nhân dân; đồng thời khẳng định vai trò quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội, các lực lượng và toàn dân trong tham gia xây dựng, quản lý bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển.

Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó chính ủy BĐBP Đà Nẵng trao giấy khen cho cá nhân phường Nại Hiên Đông vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân.

Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó chính ủy BĐBP Đà Nẵng trao giấy khen cho cá nhân phường Nại Hiên Đông vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân.

Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) là phường ven biển có số dân gần 40.000 người và có lượng tàu thuyền lớn nhất thành phố Đà Nẵng. Có lẽ bởi vậy mà phường Nại Hiên Đông được UBND thành phố lựa chọn là nơi tổ chức “điểm” của Ngày hội Biên phòng toàn dân. Đây là dịp để các ngư dân và những người lính Biên phòng gặp gỡ, cùng nhau tính chuyện “bám biển, vươn khơi kết hợp bảo vệ chủ quyền”. Ông Nguyễn Văn Tiến (phường Nại Hiên Đông) Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết Tiến lên chia sẻ: “Tổ Tiến lên gồm 5 phương tiện hành nghề giã cào. Thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của Đồn Biên phòng Sơn Trà cũng như chính quyền phường, quận và thành phố để yên tâm bám biển vươn khơi gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chúng tôi hiểu rằng, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ là của chính quyền, Bộ đội Biên phòng mà còn là của toàn dân”.

Đồn Biên phòng Phú Lộc, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng phối hợp với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường lồng ghép chương trình ký cam kết đảm bảo thông tin liên lạc kết hợp tuyên truyền biển cho các chủ tàu, thuyền trưởng các phương tiện đánh bắt xa bờ. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn cho bà con ngư vươn khơi bám biển; phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, lan tỏa tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chung tay góp phần giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ sự tích cực tuyên truyền, những năm qua, Đà Nẵng là địa phương không có tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Dịp này, các đơn vị cũng trao tặng nhiều phần quà đến các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng cờ Tổ quốc, phao cứu sinh cho các tàu đánh bắt xa bờ.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội Biên phòng toàn dân quận Thanh Khê.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội Biên phòng toàn dân quận Thanh Khê.

Tại phần “hội”, không chỉ có biểu diễn văn nghệ với các tiết mục ca nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, lực lượng Bộ đội Biên phòng mà còn rất nhiều hoạt động thiết thực, như khám chữa bệnh, hội chợ mini để Hội Phụ nữ, đồn Biên phòng mang đến gian hàng “0 đồng” phục vụ người nghèo, các tiểu thương trên địa bàn có cơ hội giới thiệu, tìm kiếm khách hàng cho đầu ra các sản phẩm của địa phương. Đặc biệt, những trò chơi được tổ chức ngoài bãi biển vô cùng hấp dẫn, mang tính tập thể, quần chúng như thi đua thuyền, gánh cá, kéo co… Chị Dương Thị Hiền (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi sống ở khu vực biên giới biển nên năm nào cũng tham gia các hoạt động của Ngày hội Biên phòng toàn dân. Việc tổ chức hàng năm khiến chúng tôi dần nghĩ đây như một lễ hội truyền thống của người ven biển. Việc chính quyền địa phương, người dân quan tâm tổ chức ngày hội quy mô thế này có thể hiểu được sự trân trọng đối với những người lính Biên phòng”.

Thắt chặt tình quân dân

Thực ra, đối với người dân khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng, không phải đến ngày 3-3 mới cảm nhận được không khí “Biên phòng toàn dân”. Sự đồng hành của những người lính Biên phòng trong khó khăn, vất vả đã giúp gắn kết chặt chẽ giữa quân và dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh nơi đây. Đó là việc Bộ đội Biên phòng thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về người dân biên giới, về ngư dân bám biển vươn khơi. Đồn Biên phòng Sơn Trà, Hải đội 2 Biên phòng, Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung thường xuyên phối hợp với UBND phường Thọ Quang và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 đến tận các tàu cá neo đậu trên vịnh Mân Quang để tuyên truyền, phát tờ rơi về những điều cần thiết khi khai thác thủy sản, đồng thời tặng quà, áo phao, phao tròn, cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với các đơn vị tặng cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho ngư dân trên vịnh Mân Quang.

Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với các đơn vị tặng cờ Tổ quốc và phao cứu sinh cho ngư dân trên vịnh Mân Quang.

Các Phòng khám quân dân y Bộ đội Biên phòng tại quận Liên Chiểu, Hải Châu và Sơn Trà luôn mở cửa để khám, điều trị miễn phí cho người dân trên địa bàn. Vừa qua, UBND quận Sơn Trà và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã triển khai 2 Phòng khám quân dân y để khám, điều trị miễn phí cho người nghèo tại phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà). Theo đó, UBND quận Sơn Trà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng bố trí cơ số thuốc và lực lượng y bác sĩ thực hiện việc khám chữa tại các phòng khám. Việc làm này giúp giảm tải lượng bệnh nhân thăm khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội, góp phần làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng tiềm lực y tế, quốc phòng trong khu vực phòng thủ của quận Sơn Trà.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu vực quận Ngũ Hành Sơn được biết đến với căn cứ K20. Bởi vậy, đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước, việc chăm lo, phụng dưỡng gia đình có công với cách mạng chính là thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” bằng hành động hơn vạn ngàn lời nói hay. 5 năm qua, Đồn Biên phòng Non Nước đã phối hợp với chính quyền địa phương sửa chữa gần 10 ngôi nhà cho các gia đình người có công với cách mạng.

Đồn Biên phòng Non Nước bàn giao nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Xê.

Đồn Biên phòng Non Nước bàn giao nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Xê.

Bà Nguyễn Thị Xê (Tổ 33, phường Khuê Mỹ) có cha là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947 và mẹ là Bí thư chi bộ ở căn cứ K20, được Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Ba tôi hy sinh, mẹ tôi vừa hoạt động cách mạng vừa nuôi các con khôn lớn. Cả cuộc đời bà vất vả vì lo việc nước. Mẹ đã mất tròn 10 năm, chúng tôi luôn đau đáu về nơi thờ cúng cha mẹ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa làm được. Nay được chính quyền, Đồn Biên phòng Non Nước sửa lại căn nhà khang trang, chúng tôi rất xúc động và không còn lo lắng về chỗ thờ cúng cha mẹ và chỗ ở khi mưa bão đến nữa”, bà Nguyễn Thị Xê chia sẻ.

Cứ như thế, bằng trách nhiệm và lương tâm, những người lính Biên phòng nơi phố biển Đà Nẵng từng ngày qua ngày, bền bỉ, kiên trì để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/ron-rang-ngay-hoi-cua-tinh-doan-ket-quan-dan-noi-pho-bien-720543