Rộn ràng Ngày hội Đại Đoàn kết vùng dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam Sóc Trăng, Ngày hội Đại Đoàn kết các Dân tộc phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng dân cư, từng cá nhân, gia đình trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Từ ngày 13-18/11, các khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng sôi nổi tổ chức Ngày hội Đại Đoàn kết các Dân tộc với nhiều hoạt động như: các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, tặng quà cho hộ nghèo..., qua đó tăng cường sự đoàn kết của cộng đồng dân cư nói chung và của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer nói riêng ở địa phương.
Từ sáng sớm, tại chùa Chrôi Tim Chăs (thuộc khu dân cư khóm Tâm Trung, phường 10, thành phố Sóc Trăng) đã có rất đông người dân đến tham gia Ngày hội Đại Đoàn kết các Dân tộc.
Theo chính quyền địa phương, khóm Tâm Trung có 488 hộ với 1.952 khẩu; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 69,7% tổng số hộ dân. Hiện nay, hộ khá giàu của khóm là 142 hộ, trung bình 189 hộ, cận nghèo 156 hộ. Khóm còn duy nhất 1 hộ nghèo.
Chị Thạch Thị Cúc (người dân trong khóm Tâm Trung) bày tỏ đến với Ngày hội năm nay, ngoài giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, mọi người còn được tham gia các trò chơi dân gian, tạo thêm sự gắn kết chặt chẽ tình làng nghĩa xóm.
Anh Danh Văn Cường (người dân khóm Tâm Trung) cho biết Ngày hội đã tạo điều kiện cho mọi người được gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trong đời sống, trong phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Tại ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm), hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân khá thuận lợi bởi sự đồng lòng của nhân dân trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn (sản xuất lúa) có đê bao khép kín và trạm bơm điện.
Ông Trương Văn Đáng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Mỹ Thành, cho hay năm 2023, nhờ sự đồng thuận cao nên thu nhập bình quân trên 1ha sản xuất đất nông nghiệp của địa phương là gần 80 triệu đồng (tăng 25 triệu đồng so năm 2020).
Phong trào Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc và công tác quốc phòng luôn được nhân dân tham gia tích cực. Hằng năm, thanh niên đến tuổi được đều khám tuyển và tham gia nghĩa vụ quân sự đạt theo kế hoạch đề ra. Tình hình an ninh trật tự địa phương được giữ vững ổn định.
Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Ngày hội Đại Đoàn kết các Dân tộc đã phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng dân cư, từng cá nhân, gia đình trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 4,54%; trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm 7,01%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Bình quân hằng năm có trên 93% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 98% ấp, khóm được công nhận đạt danh hiệu ấp, khóm văn hóa. Toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có đường ôtô, điện lưới quốc gia và phủ sóng phát thanh-truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; 98% hộ dân tộc thiểu số có điện sử dụng.
Địa phương có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); 64/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Dương Sà Kha, Ngày hội góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về việc hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động tại địa phương, tạo sự gắn kết trong cộng đồng.
Đến nay, tỉnh đã thành lập và duy trì 589 mô hình có hiệu quả như: "Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu," "Hạt gạo ổn định cuộc sống," "Trồng và chăm sóc cây chuông vàng," "Tuyến đường "sáng-xanh-sạch-đẹp," "Bếp ăn từ thiện"...
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian được tổ chức thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương và dân tộc, qua đó, phát huy được vai trò, thế mạnh của các tổ chức cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư./.