Rộn ràng sân khấu cuối năm
Sân khấu những ngày cuối 2020 nước ta đang sôi động hơn khi xuất hiện nhiều vở diễn hấp dẫn và mới lạ, đậm tính giáo dục, nhân văn.
Công chúng yêu nghệ thuật sân khấu tại Hà Nội gần đây đã kéo đến Rạp xiếc Trung ương để xem vở diễn Cây gậy thần (tác giả Hoàng Luyện, NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng đạo diễn). Đây là vở diễn đầu tiên có xiếc và nghệ thuật cải lương cùng xuất hiện trong một tác phẩm sân khấu, dàn dựng dựa trên huyền tích về mối thiên duyên giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Thưởng thức vở diễn, bên cạnh những dấu ấn khắc họa chân dung Thánh Chử, một tấm gương sáng về trung - hiếu - tiết - nghĩa, người xem còn thấy được công lao to lớn của ngài trong việc tạo dựng nền tảng giao thương giữa bộ tộc Việt với cư dân bốn biển. Nhờ kết hợp các kỹ xảo đặc trưng của nghệ thuật xiếc, hàng loạt cảnh diễn trong Cây gậy thần trở thành những điểm nhấn độc đáo.
Kết hợp giữa xiếc và cải lương, vở diễn Cây gậy thần ra mắt cuối 2020 được khán giả yêu thích.
Không chỉ có những pha treo người, nhào lộn, giữ thăng bằng... điển hình của nghệ thuật xiếc, khán giả của Cây gậy thần còn được chứng kiến các màn biểu diễn cách điệu từ ảo thuật, tung hứng và cả... dê, trâu, lợn cũng được lên sân khấu trong những cảnh sinh hoạt đặc thù của dân làng. Đặc biệt, để phù hợp với tiết tấu của vở diễn, toàn bộ các bài vọng cổ của cải lương trong Cây gậy thần được hòa âm phối khí trên nền nhạc jazz khá vui tươi và sôi động, được thể hiện bởi các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Cây gậy thần sẽ đến với khán giả từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Cũng tại Hà Nội, dịp Giáng sinh và đón năm mới 2021, Nhà hát Múa rối Việt Nam đem đến vở diễn Con yêu mẹ (tác giả Minh Nhật, NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn) kết hợp múa rối nước cùng rối cạn. Tác phẩm nói về tình mẫu tử trong gia đình hiện đại - đề tài đang thiếu trong đời sống sân khấu hiện nay. Thông qua những giấc mơ của nhân vật bé Bông, khán giả được hòa mình vào thế giới của thiên nhiên với những chú ếch đàn giỏi, hát hay, cùng điệu múa của đàn bướm nhiều màu sắc và đặc biệt là câu chuyện về mẹ con nhà gà. Bằng những con rối giản dị, dễ thương, biểu diễn rối nước với rối dây, rối que, rối mặt nạ, Con yêu mẹ còn có các ca khúc hay về gia đình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Phạm Trọng Cầu, Phan Nhân, Nguyễn Văn Chung... “Tôi muốn qua vở diễn, các em nhỏ vốn đang bị cuốn hút bởi các trò chơi điện tử trên smart-phone sẽ có những cảm xúc về bố mẹ, gia đình như chúng ta đã từng có khi xưa” - NSND, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, sân khấu phía Nam có kịch xiếc Ba Tư huyền bí (tác giả: NSƯT Lưu Thị Bích Liên, đạo diễn Tấn Lộc) do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam biểu diễn. Ba Tư huyền bí có sân khấu 3D, với những kỹ xảo lung linh huyền ảo và đầy màu sắc. Trên nền câu chuyện đơn giản, các kỹ thuật xiếc đã được phát huy ở những cảnh hội hè, cảnh đám cưới công chúa - Aladin, cảnh lão phù thủy tấn công, cảnh bọn cướp bắt cóc công chúa. Bên cạnh những kỹ thuật xiếc tung hứng, uốn dẻo bắn cung, lắc vòng lửa, phun lửa... có một số cảnh mãn nhãn như đu dây trên không của Aladin - công chúa, cảnh phù thủy xuất hiện với màn đi trên xe trượt thực hiện kỹ thuật chồng đầu, sức mạnh đôi tay. Với sự sáng tạo trong cách thể hiện, Ba Tư huyền bí giúp khán giả cảm nhận được thông điệp về tình yêu dành cho cái đẹp, hướng tới những điều thiện và xa lánh cái xấu.
Sân khấu kịch Quốc Thảo (TP.HCM) cũng vừa trình làng vở Cẩm Tú Đài dựa theo tác phẩm của nhà văn Tào Ngu. Đây là một vở diễn khó về thể loại cổ trang, nội dung xoay quanh các mối quan hệ có diễn biến tâm lý phức tạp nhưng gần 100 nghệ sĩ trẻ đã vào vai xuất sắc. Với hình thức bài trí sân khấu 4D, cấu trúc sân khấu nhỏ, được thiết kế để thu hẹp khoảng cách giữa diễn viên và khán giả, qua đó tạo nên sự tương tác. Các diễn viên hát giọng thật, không dùng micro, diễn xuất khớp với hiệu ứng âm thanh, bối cảnh thay đổi liên tục trên một nền sân khấu. Với nội dung xoay quanh quyền lực và địa vị, dục vọng và sắc đẹp, âm mưu và tình yêu, Cẩm Tú Đài đã dệt nên một bức tranh hậu cung huyền bí nhưng rất đời. Nhờ đó, vở diễn cổ trang này đã lan tỏa bài học ý nghĩa về đạo đức, không thể có hạnh phúc từ sự dối trá.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ron-rang-san-khau-cuoi-nam-n184787.html