Rộn ràng... Tết quê
Mấy năm nay, cuộc sống có phần khó khăn do ảnh hưởng nông sản liên tiếp mất mùa, mất giá. Thế nhưng Tết về, người dân các làng vẫn tất bật chuẩn bị đón xuân, hy vọng vào một năm mới an vui, đầm ấm...
Phiên chợ ngày 30 Tết
Nếu chợ Tết phố phường tấp nập từ 23 tháng Chạp trở đi thì chợ quê ngày Tết phải từ 28 tháng Chạp mới đông vui. Thời điểm này, người dân tạm gác công việc nương rẫy để đi chợ sắm Tết, mua những vật dụng cần thiết trong gia đình. Không khí chợ Tết vì vậy càng đông vui náo nhiệt hơn bao giờ hết, nhất là phiên chợ ngày 30 Tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phiên chợ ngày 30 Tết ở một số chợ quê như: Chợ xã Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), chợ xã Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai)... thời điểm trưa ngày 30 Tết, không chỉ có thực phẩm Tết, hoa quả, hàng tạp hóa đắt hàng mà quần áo, giày dép... cũng tấp nập người mua kẻ bán. Ai cũng muốn sắm sửa cho gia đình và bản thân có một cái Tết tươm tất tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi nhà.
Đang cùng con trai đứng chọn mua quần áo và giày dép tại một quầy hàng ở chợ Yên Thế (TP. Pleiku), chị Ksor H’Krưm (ở Plei Rông Đúp, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho biết: “Năm nào ngày 30 Tết, vợ chồng mình cũng chở con cái đi chợ sắm Tết. Gia đình mình vừa hoàn thành công việc thu hoạch, xay xát cà phê nên cũng để dành được ít tiền sắm Tết. Năm nay, ngoài mua sắm quần áo cho cả nhà, mình còn mua bánh, thịt, cá, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho mâm cỗ cúng giao thừa”.
Vượt gần chục cây số từ thôn 5, xã Đak Rong (huyện Đak Đoa) đến chợ xã Nam Yang để mua sắm Tết, anh AQiu vui vẻ cho biết: “Ngày thường chỉ có vợ đi chợ, nhưng ngày Tết nên mình đi cùng. Chợ đông vui, hàng hóa từ các nơi đổ về nhiều, tha hồ chọn. Chở vợ đi chợ, mình vừa đi chơi vừa mua sắm quần áo mới, giày dép và một số vật dụng để đón Tết”.
Phiên chợ ngày 30 Tết, ngoài việc mua sắm, không ít người dân còn đem theo những sản vật của gia đình làm ra như: heo, gà, chuối, trầu cau, đu đủ, gạo nếp... để bán. Số tiền bán được, họ dành mua sắm Tết. Chị Hngam (làng Jek, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho hay: “Nhà mình trồng được ít nếp rẫy rất ngon, ăn không hết nên nhân dịp Tết cổ truyền đem ra chợ Yên Thế bán lấy tiền mua sắm các vật dụng khác. Mình bán 20 kg gạo nếp, giá 30.000 đồng/kg chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ đã hết. Mình thấy nhu cầu người dân mua chuối, đủ đủ... về trưng Tết nhiều nên nói chồng mang ra chợ bán luôn”.
Phiên chợ ngày 30 Tết phải đến cuối chiều mới tan, người dân mới rời chợ “mang Tết” về nhà.
Háo hức đón Tết
Trong nắng sớm ngày 30 Tết, đường làng Krái (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) như tươi tắn hẳn lên. Nhiều người tung tăng trong bộ quần áo mới đến nhà cộng đồng làng đón xuân. Trên nhà rông, một số bà con tất bật dọn dẹp, lau chùi, bày biện trang hoàng. Bên dưới, mỗi người một tay chuẩn bị những món ăn truyền thống đón Tết.
Năm nay 78 mùa, già Sắk (làng Krái) vẫn chưa thôi háo hức mỗi khi Tết đến. Già kể: Mấy năm qua, cứ dịp Tết đến xuân về, tỉnh Gia Lai cho làng 5 triệu đồng để ăn Tết, làm cho tiệc đón Tết của làng đầy đủ, sum vầy hơn. Mâm cỗ không chỉ có các món ăn đặc trưng như: thịt đắng, rượu cần, đọt mây, lá bép... mà bà con còn gói bánh chưng, bánh tét để vui xuân.
Dắt theo 2 con đến nhà rông vui Xuân, chị Đinh Thị Thị (làng Krái) phấn khởi khoe: “Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cứ đến Tết, người dân làng mình lại tổ chức nhiều hoạt động vui chơi. Mình luôn cho con đến nhà rông để vui Tết. Người làng mình quanh năm làm lụng, nghỉ Tết tìm đến nhau chúc nhau sức khỏe, sống đoàn kết, hỏi chuyện con cháu học hành cũng như kinh nghiệm làm ăn”.
Còn tại nhà rông làng Đê Thung (xã Kon Gang), chúng tôi đến khi trưởng thôn Gyân đang phát bánh kẹo cho bà con ăn Tết. Chị Hyứi chia sẻ: “Ngày 30 Tết, bà con đến nhà rông ăn Tết và nhận bánh kẹo của một số đơn vị hỗ trợ cho làng. Mấy năm nay, cứ đến ngày 30 Tết là cả làng lại đoàn kết bên nhà rông của làng để đón giao thừa. Vui và ấm áp lắm!”.
Tết đến dù khó khăn đến mấy nhưng người làng vẫn có mâm cỗ để đón giao thừa. Phong trào 4-5 hộ tham gia đóng góp mua một con heo để ăn Tết ngày 30 được nhiều nơi hưởng. Ông Ngô Bá Doanh (làng Krai, xã Kon Gang) chia sẻ: “Người có điều kiện ăn Tết to, còn nông dân chúng tôi cứ 4-5 hộ (góp 500.000-600.000 đồng/hộ) mua chung một con heo mổ thịt là có Tết thôi”.
... Chia tay những ngôi làng chiều 30 Tết, chúng tôi cảm nhận không khí ấm áp của mùa xuân đang về trên mỗi nóc nhà, làng buôn. Tin yêu, hy vọng một năm mới ấm no đến với bà con dân làng.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12468/202001/ron-rang-tet-que-5666693/