Rộn ràng vũ điệu trống Ấn Độ
Với người Ấn Độ, sự sống bắt đầu được sinh ra hay đánh thức bởi tiếng trống của thần Shiva, khi ngài nhảy múa giữa vũ trụ.
Người Ấn Độ rất thích nhảy múa, trong bất cứ hoàn cảnh nào từ hiếu hỷ, mừng trẻ mới sinh tới chúc thọ một người già…, nói chung cứ có đám là người ta múa hát và dĩ nhiên không thể thiếu trống.
Mỗi vùng của Ấn Độ đều có một kiểu trống, cũng như cách vận dụng riêng. Song tiêu biểu nhất là loại trống Mridangam của miền Nam nước này vì là nhạc cụ của cùng lúc nhiều vị thần như Ganesha, người dẹp bỏ mọi chướng ngại, dưới hình tướng của một chú voi trắng (trong tất cả các tôn giáo, voi luôn là biểu tượng của điều lành, phúc đức).
Hoặc như Nandi, vật cưỡi của thần Shiva và là một chú bò thần khổng lồ, tượng trưng cho ngọn núi ngài đang ngự. Trong khi Shiva múa điệu vũ cổ Tandava, tạo nên những nhịp điệu trầm hùng vang lừng, thì Nandi cũng đánh trống Mridangam nhằm tái tạo tiếng nói như sấm dội của thần Indra khi băng qua bầu trời…
Cũng hay gặp ở Đông Bắc Ấn Độ là loại trống Pung, trong điệu múa Pung Chollom, một vũ điệu Manipuri, còn gọi là Mrindanga Kirtan hay múa Dhumal, trong đó chỉ có nam giới được múa và khai hội vui vẻ.
Điệu múa ngợi ca sự tinh khôi, mới lạ nên vũ công thường vận trang phục trắng, di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển và thực hiện nhiều động tác nhào lộn điêu luyện, vay mượn từ võ thuật và theo những nhịp trống ngày càng dồn dập.
Lúc mở màn, thường chỉ có hai, ba vũ công, song về sau có sự góp mặt của ít nhất 14 nghệ sĩ vừa đánh trống vừa nhảy múa ly kỳ. Trong một khoảng thời giai ngắn, khán thính giả có thể được nghe và chứng kiến tới 40 giai điệu với sự cống hiến của 100 tay trống hoặc hơn.
Vũ điệu trống Dhol ở Jalore cũng có năm vũ công đeo trên cổ những cái trống đại, cùng một số người khác ôm trống nhỏ hơn hoặc cầm chũm chọe biểu diễn quanh một vũ công ngậm kiếm và tung gậy. Điệu múa này phải được thực hiện bởi những người rất tráng kiện, cũng thật linh hoạt để nâng đỡ những cái trống nặng trĩu mà đánh liên tục không ngắt nhịp.
Điệu múa Ghumra ở Orissa, đặc biệt là ba quận Balangir, Kalahandi và Sambalpur cũng là một điệu múa tuyệt vời. Cái tên của nó xuất phát từ chiếc bình trông như cái trống. Và cái trống này có thân được nặn từ bùn đất, với cổ dài và trên miệng bọc một tấm da rắn.
Nó cũng được treo trên cổ vũ công, song còn được buộc dây vòng ra sau lưng để mặt trống áp sát vào ngực, khi vỗ rất dễ dàng và nảy tưng tưng gợi cảm.
Cũng chỉ nam giới mới múa Ghumra, song thay vì mặc áo trắng, họ vận khá diêm dúa với áo khoác và Dhotis sặc sỡ, đồng thời đội khăn đóng cắm lông công và đeo ở eo cùng cổ chân những xâu chuông ghungroo.
Chưa hết, một số vũ công không đeo trống, nhưng cầm trên tay những bó lông công nhảy múa gây cười, làm những điệu bộ hết sức khôi hài nhằm tạo niềm vui trong ngày hội Gamba Purnima mỗi độ trăng tròn tháng 7, 8.
Dollu Kunitha lại là một điệu múa đặc sắc ở Karnataka - một bang ở phía Tây Nam Ấn Độ. Trong đó Dollu nghĩa là trống, còn Kunitha là múa, và là một hình thức giải trí cực kỳ phổ biến trong dân gian, làng nào cũng thấy và có các đội Dollu Kunitha gồm tới 14 người cùng một ca sĩ kiêm đạo diễn trung tâm.
Cứ đến lễ Tết, hội mùa hay các sự kiện trọng đại, mọi người lại nhảy múa và ngoài nam giới cũng có nơi nữ giới tham gia nhưng họ phải đeo những cái trống rất to.
Tương truyền, Dollu được tạo ra khi thần Shiva triệt hạ quỷ quái asura và lấy da của nó làm mặt trống, nên mỗi khi vỗ vào trống là như đang làm phép tiêu trừ tà tính, đem tới sự bình yên và phì nhiêu cho đồng ruộng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ron-rang-vu-dieu-trong-an-do-rwkT4V8MR.html