Rộn tiếng giã cốm dưới đêm trăng
Cứ độ cuối thu, khi số thóc tẻ đã kín bồ, người dân quê tôi mới bắt đầu rục rịch thu hoạch lúa nếp. Mỗi nhà có độ gần một sào lúa nếp nên khi thu hoạch ai cũng đủng đỉnh, không vội vàng như vào chính vụ. Chiều tà, đôi lúc mới bắt gặp một chiếc xe chở lúa về, hương lúa nếp mới thoang thoảng khắp ngõ nhỏ.
Lúa nếp địa phương tôi là giống nếp cái hoa vàng truyền thống được trồng từ bao đời nay. Năm này qua năm khác, người đời trước truyền cho người đời sau giống lúa quý nên đến giờ vẫn giữ nguyên hình dáng tròn và hương vị thơm xưa cũ. Giống lúa nếp đến lạ, trong khi hầu hết những bông lúa đã cong như móc câu, từng hạt lúa vàng ruộm thì đôi cây hạt lúa vẫn còn non. Dùng móng tay bấm khẽ bật lớp vỏ xanh làm lộ ra hạt gạo non mỡ. Thu hoạch ruộng lúa nếp như thế, mẹ tôi luôn cắt riêng những gié lúa non bỏ vào chiếc túi nhỏ dắt bên hông. Chỗ gié lúa non ấy đến cuối buổi đổ ra cũng được lưng thúng nhỏ.
Ban tối, dưới ánh trăng thu vàng, khoảng sân nhỏ nhà tôi rộn tiếng nói cười. Những người hàng xóm thân thiết không vướng bận công việc cũng sang giúp gia đình tôi. Khi đống lúa đã tuốt vơi hơn nửa, mẹ gọi chúng tôi lấy thúng lúa non ra tuốt bằng tay. Từng hạt thóc non bám chắc lấy gié, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tách hết số lúa non ấy. Mẹ tôi cho từng ít thóc lên chiếc sàng lớn. Đôi tay mẹ xoay nhẹ chiếc sàng thành từng nhịp, bằng động tác đơn giản và khéo léo làm số thóc lép tách hẳn ra khỏi chỗ thóc hạt mẩy. Bỏ thóc lép ra ngoài, đổ vào chiếc thúng chỉ còn gọn lại số thóc non hạt mẩy nổi bật sắc xanh nhạt đều màu.
Mẹ tôi bắc chiếc chảo gang lên bếp, rơm mới bập bùng cháy, lửa đỏ chiếu sáng một góc nhỏ. Khi chiếc chảo đã nóng, mẹ đổ mẻ thóc nếp vào rồi nhanh tay dùng đũa đảo. Chiếc đũa đảo xuôi số thóc nếp một vòng rồi chống xuống mặt chảo, đảo ngược lại một vòng. Những âm thanh cà roạt, cà roạt, cà roạt... nối tiếp nhau trong gian bếp nhỏ. Rang được một lúc, mẹ tôi gắp một vài hạt đặt trên nền gạch, lấy tay xoa nhẹ thấy quá nửa đã róc vỏ, hạt gạo bung ra vẫn tròn thì ngừng đảo. Thành phẩm ấy được trút lên chiếc giần tròn, lớp thóc chín đều, hơi bốc nghi ngút dưới ánh điện.
Từng mẻ thóc rang đã nguội, bố tôi trút vào chiếc cối đá. Chiếc cối đá này có từ thời bố mẹ tôi bắt đầu ra ở riêng, bên ngoài cối còn nguyên vẻ sần sùi nhưng bên trong qua hơn chục năm sử dụng đã nhẵn bóng, sâu hơn đôi phần. Bố tôi dùng chiếc chày gỗ giã từng nhịp đều tay. Nhịp vang lên rộn ràng va vào lớp thóc khô vỏ thành từng tiếng bộp... bộp... bộp. Cứ mỗi lần chiếc chày vung lên, tôi lại thấy từng lớp vỏ trấu khô nhỏ bung lên theo. Khi ước lượng phần nhiều lớp vỏ trấu đã bong khỏi hạt, bố tôi dừng lại, đổ số thóc vừa giã ra giần. Mẹ tôi lại tiếp tục sàng sảy tách riêng lớp vỏ trấu. Từng đám bụi trấu bị hất tung xuống bếp lửa, thổi bùng lên những tàn lửa nhỏ. Nhưng nếp rang mới giã một lần chưa thể hết vỏ trấu, tiếng chày lại vang lên đều đều thêm hai đến ba lần nghỉ như thế nữa mới thành hạt cốm dẻo thơm.
Bố tôi đổ từng mẻ cốm giã xong vào chiếc rá tre bên trên có phủ một lớp lá chuối. Trải chiếu ra giữa sân, chúng tôi mời những người hàng xóm cùng thưởng thức mẻ cốm non. Dùng tay nhón từng ít cốm một, cảm nhận rõ từng hạt cốm sữa tan ra trong miệng, hương thơm dịu nhẹ. Chúng tôi chậm rãi thưởng thức, kể cho nhau những câu chuyện vui ngày mùa. Trên cao, trăng thu đã lên đỉnh đầu, trải đều ánh sáng khắp khoảng sân nhỏ.