Ronaldo - Messi và vùng đất cuối trên bản đồ
Bây giờ là thời đại của Erling Haaland và Kylian Mbappe. Đó là nhận xét quen thuộc vô cùng trong những ngày qua.
Nó đúng, phản ảnh sự chuyển dịch của thời đại và thế hệ, nhưng nó cũng không thể làm cho chúng ta quên được Messi và Ronaldo (CR7), những con người gần 20 năm qua đã tự thân tạo nên những câu chuyện kỳ vĩ, kể từ khi họ bắt đầu ra mắt ở cấp độ cao nhất của bóng đá CLB.
Khi trọng tài Anthony Taylor nổi hồi còi chấm dứt trận lượt về vòng 16 đội Champions League 2020/21 trên sân Parc des Princes, camera tập trung vào cái lưng của Messi với dòng tên anh được bắt nét. Anh bước đi về phía đường hầm, dừng lại ôm chặt lấy Di Maria.
Hình ảnh ấy đơn sơ nhưng quả thực để lại quá nhiều xúc cảm. Khi một ngôi sao về chiều quay lưng bước đi, ánh mắt sau lưng anh là gì?
Đó không còn là cái camera đơn thuần nữa. Nó càng không phải là cái nhìn riêng của người quay phim.
Nó là cái nhìn của rất nhiều con người ngoài kia. Với Messi, những người ấy dành cho anh có cả yêu, cả ghét.
Ronaldo và Messi đi đến chặng cuối sự nghiệp
Cuối hiệp 1, khi Barca được hưởng phạt đền, ít người nghĩ đó có thể là cơ hội để họ tạo nên một đêm chấn động nữa như họ đã từng trước PSG vài năm. Song, không mấy ai tin đó sẽ là một pha hỏng ăn.
Và Messi đã không thắng được Keylor Navas để những người ưa mỉa mai anh lại có thêm một ví dụ khác. Nhưng ngay sau pha hỏng ăn ấy là một khoảnh khắc cực ngắn mà chắc cũng hiếm người để ý.
Messi đứng sững lại. Cái đứng sững của bàng hoàng.
Phút bù giờ cuối cùng của hiệp 2 trận Juventus - Porto một ngày trước đó, khi tổng tỷ số đang là 3-3, Juan Cuadrado từ cánh phải có cú phất bóng sâu xuống đáy biên trái cho CR7. Ronaldo đã ở đó.
Anh đón bóng. Nhịp 1 không hoàn hảo.
Bóng đi hết đường biên. Một tình huống triển khai tấn công lại bị bỏ đi.
CR7 cúi đầu lẳng lặng bước quay về phần sân nhà. Cái cúi đầu ấy khác hẳn với những gì anh từng thể hiện bao năm qua. Dường như, chưa bao giờ chúng ta thấy một Ronaldo bất lực như thế.
Khi CR7 và hàng rào nhảy lên ở hiệp phụ và để cú sút phạt chìm của Oliviera găm vào góc lưới Szczesny, ai cũng biết đó là chấm hết cho Juventus ở Champions League 2020/21, nhưng đó cũng chỉ là một khởi đầu cho thứ quen thuộc khác.
Làn sóng mỉa mai, chê bai Ronaldo đã kéo theo tình huống ấy đến mấy ngày liền. Với anh, có lẽ đó cũng là một dấu chấm hết.
Barca đã bầu xong chủ tịch mới, một người rất cũ, rất quen. Laporta là vị chủ tịch mà kỷ nguyên của Messi đã bắt đầu từ đó, và ông cũng là người khiến nhiều người tin tưởng rằng mối quan hệ giữa CLB và Messi sẽ êm đẹp trở lại sau một đợt khủng hoảng nghiêm trọng dưới thời Batomeu.
Nhưng êm đẹp đó có thể là gì? Chưa chắc sẽ là một gia hạn hợp đồng. Có khi, nó chỉ đơn thuần là một cuộc chia tay có hậu hơn mà thôi, bởi gánh nặng tài chính luôn là rào cản lớn nhất, đặc biệt là ở giai đoạn Laporta cần phục hưng Barca càng sớm càng tốt.
Ở Turin, CR7 đang bị coi là một thất bại của Juventus. Đúng, đó là một thất bại không thể phủ nhận.
Juventus mua anh để phục vụ mục đích gì? Dễ hiểu, họ có một tham vọng quá bao trùm: Cả thương mại, cả phát triển thương hiệu lẫn cả thành tích.
Thương mại không bao giờ có thể lấp liếm được cho thành tích, khi mà bóng đá luôn là ngành kinh doanh dựa trên kết quả. Và CR7 chỉ mang lại được cho Juventus một nửa yêu cầu.
Về thương mại, anh là một hạng mục tốt của "Bà đầm già". Còn về thành tích, anh không giúp họ có bước nhảy vọt nào so với chính mình khi chưa có cái tên CR7 ở đó.
Thất bại ấy càng được đánh giá trầm trọng hơn khi người ta so sánh mức lương của Ronaldo với những đồng đội. So với cầu thủ lĩnh lương cao thứ nhì ở CLB, lương của anh gấp 4 lần.
Gấp 4 lần, một con số nghe thực sự phi lý, nhưng đó là sự phi lý trong một chiến lược của CLB.
Tại sao lại gắn sự phi lý ấy lên người cầu thủ? Người ta nói đến kỳ vọng. Mà có CR7, Juventus vẫn không vô địch Champions League. 3 mùa ở đó, chưa mùa nào anh ghi được 10 bàn ở đấu trường này, điều mà 7 năm liền anh luôn làm được cho Real.
Rõ ràng, cả Messi và Ronaldo đã bắt đầu xuống dốc rất nhanh. Sự đối đầu của họ ở Champions League cũng không còn thu hút nữa.
Rõ ràng, thời đại đã chuyển mình. Những đội bóng lớn rồi sẽ kỳ vọng tiếp tục viết những câu chuyện mà họ từng viết nhờ Messi, Ronaldo bằng những cái tên như Haaland hay Mbappe trong một tương lai không xa. Lúc ấy, cả Messi lẫn Ronaldo cũng đã được cất giữ trong một ngăn kéo ký ức nào đó, nhạt dần và nhòa dần.
Họ lúc này thực sự như những cánh buồm đơn độc ở vào giai đoạn thoái trào của cướp biển Caribe thế kỷ thứ 18. Họ đã từng vùng vẫy khôn ngoan như Benjamin Hornigold, tinh ranh như Edward Thatch “râu đen”, kiêu ngạo như Henry Jennings, điên rồ như Charles Vane và mạnh mẽ, đầy chiến quả như “Black Sam” Bellamy, những vị thuyền trưởng lẫy lừng của “đế chế cướp biển Nassau” thời ấy.
Những ngôi sao trẻ dần thay thế Ronaldo - Messi
Đồng đội của họ như chính thủy thủ đoàn phải dựa vào người thuyền trưởng của mình mà sống và chinh chiến và trên chiếc tàu họ cầm lái chất đầy là những danh hiệu mà bất kỳ CLB nào cũng phải thèm muốn.
Nhưng không có thời hoàng kim nào kéo dài được mãi. Sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và cần mẫn với những bài tập cũng không kéo họ trở lại với tuổi 20.
Và nếu coi việc chinh phục trong bóng đá như những mảnh đất trên tấm bản đồ, có lẽ Messi và Ronaldo đã bắt đầu đi tới vùng đất cuối cùng rồi. Vùng đất ấy ở đâu, chắc mùa hè này sẽ được làm sáng tỏ.
Chỉ có một câu hỏi rất lớn mà chắc không ít người cũng muốn hỏi. Đó là tại sao họ lại không về chung một CLB nào đó để sát cánh với nhau, ít nhất là 1 mùa giải nhỉ?
Đừng nghĩ nó là một ý tưởng hão huyền, bởi không phải không có những CLB (dù hiếm hoi lắm) đủ tầm gồng lương cho 2 cái tên vĩ đại ấy. Cũng đừng vội chê bai rằng chẳng ai dở hơi mang hai ông già đi bộ về để cả phần còn lại phải gánh. Bởi nếu điều đó xảy ra, nó có thể là một thách thức điên rồ nhưng kỳ thú vô cùng.
Hãy thử tưởng tượng nếu Messi và CR7 là đồng đội, chỉ một mùa thôi, để đấu lại tất cả ngôi sao mới nổi, những siêu sao tiềm năng, đó sẽ là một mùa giải như thế nào? Liệu rằng có đáng xem, tranh luận hay không? Và có những phút giây bất ngờ để thưởng thức hay không?
Với 27 bàn Messi ghi cho Barca và 30 bàn CR7 ghi cho Juve ở mùa này (chỉ tính đến thời điểm hiện tại), họ vẫn là một tiêu chuẩn mà bất kỳ cầu thủ tấn công nào cũng phải cố gắng phấn đấu tới.
Khi Messi sút hỏng phạt đền, người ghét anh chắc chắn sẽ lại gọi anh là “Messi MissPen” như cái cách bao năm rồi người ta vẫn mỉa. Khi CR7 nhảy lên ở pha đá phạt của Oliviera, những người ghét anh cũng hẳn không tha anh bằng luận điệu “ẻo lả” ngày nào.
Chuyện yêu - ghét là bình thường. Song, thường những ai mến Messi lại không ưa CR7 và ngược lại. Nếu họ chơi bóng bên cạnh nhau, liệu những người yêu - ghét họ có xích lại gần nhau?
Đã có những người ở thế hệ 1960-1970 sau này nói đại ý rằng thế hệ sau thiệt thòi khi không được thấy Pele chơi bóng. Cái cách nói đó sau này cũng được lặp lại bởi những người ở thế hệ Maradona, thế hệ Zidane...
Những nhắc nhở tiếc nuối lẫn hoài niệm đó nên là thứ mà chúng ta cần nhìn nhận để hiểu rằng thực ra, thế hệ mình đang sống quả thật là những người may mắn nhất trong những người yêu bóng đá.
Chúng ta may mắn nhất bởi vì chỉ có ở thời cùa mình mới được chứng kiến sự đua tranh giữa hai siêu sao hàng đầu, thậm chí có thể sẽ được đánh giá là tầm vóc huyền thoại toàn cầu. Zidane từng không có đối thủ xứng tầm, Maradona càng không có và Pele đơn độc trên đỉnh cao ở giai đoạn mà ông chói sáng nhất.
Chính sự may mắn ấy có thể sẽ khiến chúng ta bớt đi cái ghét vị kỷ dành cho Messi, cho Ronaldo. Tại sao phải nhớ tới những lần họ đá hỏng penalty, những pha nhăn nhó, giận dỗi mà không nhớ đến những kỳ tích chỉ có họ mới có thể tạo ra cùng sự bền bỉ mà họ đã chứng minh suốt hơn 15 năm qua?
Chiến thắng đã khó, nhưng đứng dậy sau thất bại còn khó hơn nữa. Và họ, dù đã sống một đời bóng đá vinh quang nhưng cũng không ít lần đứng dậy sau thất bại, rất thẳng.
Hãy nhớ rằng, đã có những đứa trẻ được sinh ra vào cái năm họ chính thức xuất hiện trên sân khấu cầu trường và bây giờ chúng đang là những cầu thủ bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp đỉnh cao. Trong sự nghiệp ấy của chúng, chắc chắn sẽ phảng phất hình ảnh của họ, nếu không nói rằng đó chính là hình ảnh biểu tượng cho một mê say bắt đầu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ronaldo-messi-va-vung-dat-cuoi-tren-ban-do-post1193803.html