Ronaldo ra đi có thật sự là thảm họa cho Man United?
Sự vắng mặt của ngôi sao người Bồ tại Old Trafford mùa tới (nếu có) chưa hẳn là điều gì quá tồi tệ cho tân HLV Erik ten Hag.
Bến đỗ tiếp theo của Cristiano Ronaldo là dấu hỏi lớn sau thông báo rời đi của anh. Mặc dù vẫn chiếm trọn sự chú ý trong bộ ảnh ra mắt áo đấu mùa tới của Man United, người hâm mộ cũng không tin CR7 sẽ ở lại khi anh từ chối du đấu vì “lý do gia đình”. Sau hơn một thập kỷ, nửa đỏ Manchester lại đối mặt viễn cảnh phải sống thiếu một trong những số 7 hay nhất lịch sử của họ.
Sir Alex Ferguson đã giải quyết bài toán đó rất ổn. Và trách nhiệm lần này được dồn cho Erik ten Hag. Nhìn những gì ông thầy người Hà Lan xây dựng tại Ajax, việc Ronaldo rời đi có lẽ không phải một thảm họa.
Mọi người vì một người
Không có gì phải bàn cãi về quan điểm Cristiano Ronaldo là cây săn bàn hay nhất mọi thời đại, chiếu theo nghĩa đen là số bàn thắng. Tuy nhiên, CR7 không làm điều đó một mình. Ngay từ bước đầu sự nghiệp, Ronaldo luôn có cơ hội chơi bóng trong những tập thể thượng hạng.
Khi bản năng săn bàn của anh bộc phát, mọi HLV dẫn dắt CR7 đều xây dựng hệ thống để phục vụ anh. Đó đều là những quyết định sáng suốt khi Ronaldo đem về lượng bàn thắng khủng khiếp trong xuyên suốt thời gian dài.
Dù vậy, tuổi tác rõ ràng không chỉ là con số. Càng về chặng cuối sự nghiệp, Cristiano Ronaldo càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Thật khó trách CR7 vì những gì anh làm được trong độ tuổi này là vượt quá sự tưởng tượng. Nhưng xét trên khía cạnh tập thể, Ronaldo giờ đây không còn là sự ưu tiên hàng đầu. Nói cách khác, quyết định xây dựng một hệ thống để phục vụ cho riêng anh cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ronaldo có mùa giải làm bàn kém nhất trong 13 năm qua nhưng vẫn là cây săn bàn số một của Man United với 18 lần phá lưới đối thủ. Như đã nói, Man United phải hy sinh rất nhiều để giúp Ronaldo đạt được thành tích trên. Cách đây một mùa, "Quỷ đỏ" dưới sự dẫn dắt của Ole Gunnar Solskjaer ghi đến 73 bàn để về đích ở ngôi á quân Ngoại hạng Anh. Con số này giảm mạnh xuống còn 57 bàn khi CR7 trở lại Old Trafford.
Ronaldo nghiễm nhiên trở thành tâm điểm trong các đợt tấn công của đội bóng. Thống kê chỉ ra siêu sao người Bồ chiếm đến 21% tổng số cú sút của Man United tại giải quốc nội. Người xếp thứ hai là Bruno Fernandes chỉ có 17%.
Số 7 cũng lãnh trọng trách thực hiện các tình huống phạt đền hoặc đá phạt trực tiếp. Nhưng ở một góc nhìn khác, Ronaldo lại là người có tần suất pressing ít nhất hàng tiền vệ và tiền đạo của "Quỷ đỏ".
Khi hệ thống xoay quanh Ronaldo, những vệ tinh khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Người hâm mộ không còn nhận ra Bruno Fernandes “làm mưa làm gió” khi mới chuyển đến từ Sporting Lisbon. Đồng hương của Ronaldo sa sút không phanh cả về thông số lẫn màn trình diễn trên sân.
Một tiền vệ tấn công với thiên hướng xâm nhập vòng cấm như Bruno gặp khó khăn lớn trong việc thích nghi cùng CR7. Cộng với việc mất đi quyền đá phạt đền, số lần góp dấu giày vào bàn thắng của tiền vệ người Bồ Đào Nha giảm từ 45 xuống còn 23.
Một ví dụ khác là khi Cristiano Ronaldo còn chơi bóng tại Juventus. Trước khi anh đến, "Bianconeri" ghi 86 bàn tại Serie A và giảm xuống còn 70 ở mùa tiếp theo. Tất nhiên, Ronaldo là chân sút số một với 21 bàn năm đó.
Thực tế thì Juventus vẫn thống trị Italy trong hai mùa đầu tiên với CR7. Nhưng hàng công của “Lão bà” đã dần trở nên một màu. Cá thể chịu ảnh hưởng lớn nhất là Paulo Dybala. Giống như Bruno, chân sút người Argentina bị đẩy ra xa vùng cấm và gặp khó khăn trong việc làm giàu thông số ghi bàn cùng kiến tạo.
Sự giải thoát cho Erik Ten Hag
Những bài học nhãn tiền của Solskjaer và Rangnick vẫn còn đó. Ten Hag hẳn cũng phải rất đau đầu để cân bằng việc sử dụng CR7 mà không ảnh hưởng đến cách chơi tấn công. Ajax của Ten Hag nổi tiếng sở hữu hàng công đa dạng, bàn thắng có thể đến từ mọi vị trí.
Sebastian Haller ghi 34 bàn, Dusan Tadic ghi 16 bàn, Antony ghi 12 bàn, Steven Berghuis ghi 12 bàn và Davy Klaassen ghi 11 bàn. Đó là cách Ten Hag đã giúp Ajax thống trị bóng đá Hà Lan mùa trước.
Chiến lược gia 52 tuổi mong muốn tái hiện điều tương tự khi đang cố gắng xây dựng cho Man United một hàng công đa dạng. Nếu CR7 không ra đi, Erik ten Hag buộc phải ít nhiều thay đổi cách vận hành đã giúp ông thành công tại Hà Lan. Điều đó khá mạo hiểm khi Man United vốn dĩ chưa bao giờ có thời gian chờ đợi.
Thế nên động thái chia tay của Ronaldo vô tình mở ra một lối đi tươi sáng cho cả hai. Bản thân CR7 luôn mong muốn có cơ hội cạnh tranh những danh hiệu trong chặng cuối sự nghiệp. Ngược lại, Man United cũng sẵn sàng cho hàng công rực lửa mà họ rất kỳ vọng ở Erik ten Hag.
Những gì tốt nhất của Ronaldo ở Man United có lẽ đã mãi mãi nằm lại cách đây hơn một thập kỷ.