Rộng cửa cơ hội hợp tác với Liên minh Châu Âu
Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường khó tính nhưng có tiềm năng lớn, mức tiêu dùng cao. Với EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) và IPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU), nhiều sản phẩm Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường này, đặc biệt là một địa phương có thế mạnh nông nghiệp như An Giang.
Đánh thức tiềm năng
Sau khi hội kiến và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân), đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu đã lựa chọn tỉnh An Giang là địa phương để đến thăm, khảo sát nhân chuyến công tác tại Việt Nam. Dẫn đầu đoàn là ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch INTA kiêm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị giữa Nghị viện Châu Âu và Việt Nam, người giữ vai trò “chấp bút” nội dung hợp tác 2 bên để Nghị viện Châu Âu sớm thông qua EVFTA và IPA. Cùng tham gia với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, một người con quê hương An Giang và là người giới thiệu An Giang đến với đoàn INTA.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (phải) tặng quà cho ông Jan Zahradil
Thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước và tiềm năng phát triển du lịch lớn. Hiện nay, hơn 92% diện tích nông nghiệp được cơ giới hóa, chủ động tưới tiêu. Tuy nhiên, thu nhập từ trồng lúa đang có khuynh hướng giảm khi chỉ đạt 30-40 triệu đồng/ha, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên nhiều lao động nông thôn dịch chuyển lên các khu công nghiệp lớn để tìm việc làm. “Tỉnh đang tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm dần diện tích lúa, chuyển sang cây ăn trái, rau màu. An Giang đã “nhường” lại vị trí đứng đầu về sản lượng lúa cho Kiên Giang, đứng đầu về sản lượng cá tra cho Đồng Tháp nhưng vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích trồng xoài. Đối với du lịch, tỉnh nỗ lực phát triển các dịch vụ, sản phẩm để giữ du khách ở lại thêm 1 đêm, từ đó tăng mức chi tiêu gấp 2-3 lần hiện nay” - ông Thư thông tin.
Bên cạnh tập trung tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch, An Giang còn chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và năng lượng sạch, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. “Thông qua ông Jan Zahradil và đoàn đại biểu INTA, tỉnh mong muốn Nghị viện Châu Âu kết nối các doanh nghiệp (DN) EU đến đầu tư tại An Giang cũng như kết nối, tạo điều kiện để DN An Giang xuất khẩu hàng hóa sang EU” - ông Thư đề xuất.
Hợp tác chặt chẽ
Chào mừng ông Jan Zahradil lần đầu tiên đến thăm An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, giữa An Giang và EU có nhiều tiềm năng, cơ hội để hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, xử lý môi trường, xử lý rác thải… Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA), DN An Giang sẽ có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường EU đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh như: gạo, cá tra, rau quả.
Bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được đến thăm An Giang, ông Jan Zahradil cho biết, EVFTA và IPA dự kiến sẽ được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn vào tháng 2-2020 và dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 5-2020. Ông Jan Zahradil cho rằng, 2 hiệp định này rất quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là với tỉnh An Giang - một tỉnh có thế mạnh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như: gạo, thủy sản, rau quả… “Khi EVFTA và IPA được phê chuẩn và thực thi thì 99% hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng tiếp cận thị trường EU. Đối với Liên minh Châu Âu, đã có rất nhiều nghiên cứu cũng như công nghệ hiện đại liên quan đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý môi trường, chất thải và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với Việt Nam cũng như tỉnh An Giang trong thời gian tới” - ông Zahradil nhấn mạnh.
Các đại biểu trao đổi về hợp tác thương mại
Nhân chuyến thăm An Giang, đoàn công tác Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã đến thăm Công ty Cổ phần Nam Việt và vùng nguyên liệu nuôi cá tra theo tiêu chuẩn organic của công ty ở xã cồn Bình Thạnh (Châu Thành); khảo sát đoạn sạt lở Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ (Châu Phú). Tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Nam Việt, ông Jan Zahradil và ông Nguyễn Văn Giàu đã đề xuất sáng kiến kết nối để tổ chức triển lãm sản phẩm và công nghệ nuôi trồng, chế biến cá tra tại Liên minh Châu Âu. Tại đây, phía DN Việt Nam có thể giới thiệu, giải thích với các nghị sĩ thuộc Nghị viện Châu Âu về quy trình sản xuất, chế biến cá tra sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, tạo sự lan tỏa để An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung tăng cường xuất khẩu cá tra vào EU.
“Các sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam rất ngon và tôi sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ các DN chế biến, xuất khẩu cá tra của An Giang trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm của Liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó, tôi có thể giới thiệu để một số DN xuất khẩu cá tra của tỉnh An Giang đưa các sản phẩm cá tra xuất khẩu của mình vào một số nhà hàng ở Liên minh Châu Âu và Cộng hòa Séc. Qua đó, giới thiệu các món ăn được chế biến từ cá tra của Việt Nam đến đông đảo người dân EU trong thời gian tới” - ông Jan Zahradil chi sẻ thêm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới hoan nghênh sáng kiến của ông Jan Zahradil và ông Nguyễn Văn Giàu, đồng thời hứa sẽ tích cực tham gia để góp phần quảng bá, xúc tiến sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào EU. Đây cũng là mong mỏi của các DN thủy sản An Giang cũng như ĐBSCL.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/rong-cua-co-hoi-hop-tac-voi-lien-minh-chau-au-a258249.html