Rồng - hình tượng đặc biệt trong văn hóa truyền thống

Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh 'Long, Lân, Quy, Phụng' và có vị trí đặc biệt trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Với người Việt Nam, Rồng là vật tổ gắn với truyền thuyết 'Con Rồng, cháu Tiên' và được ngưỡng mộ, tôn thờ.

Rồng trong tín ngưỡng dân tộc

Trong tín ngưỡng truyền thống, Rồng tượng trưng cho quyền uy tối linh, tối thượng. Chữ “Rồng” theo âm Hán Việt còn gọi là “Long”. Do đó, từ “Long” được chuyển hóa để chỉ những nơi, vật dụng gắn với thiên tử. Gương mặt vua là “long nhan”, áo vua mặc là “long bào” có thêu con rồng 5 móng, giường vua ngủ là “long sàng”, chỗ ở của vua là “long cung”...

Hình tượng Rồng đi sâu vào phong tục, tập quán dân gian và đời sống của người Việt từ xa xưa. Trong các lễ hội lớn đều có hình bóng của Rồng với muôn vàn dáng vẻ, màu sắc ảo diệu rực rỡ, uy linh. Trong thuật phong thủy, việc tìm đất để khai phá, làm nhà, gieo trồng, an cư lạc nghiệp, xây chợ, lập đình, chùa... thường sẽ tìm những mạch đất tốt gọi là “long mạch”.

Theo quan niệm của người Việt, Rồng và Kỳ Lân là những linh vật mang biểu tượng của Thiên Tử mang tới điềm lành may mắn cho bách gia trăm họ. Do đó, những ngày đầu năm mới, khai trương cửa hàng, mừng nhà mới... thường có tục lệ múa lân, rước rồng để cầu mong được thịnh vượng, may mắn, vạn sự viên mãn, đắc tài sai lộc.

Những danh nhân tuổi Rồng

Trong 12 con giáp, Rồng được đứng số 5 ứng với chữ “Thìn” (Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn...). Theo quan niệm dân gian, năm Rồng là năm đại cát đại lợi. Người sinh vào năm Thìn thường có sự nghiệp rạng rỡ, tính cách can trường. Đặc biệt, người tuổi Rồng có khả năng xuất chúng về chữ nghĩa.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sinh năm Nhâm Thìn 1232 và mất năm 1300. Ông là một danh tướng thời nhà Trần với thiên tài chỉ huy quân sự đã có công bảo vệ bờ cõi nước Việt. Tướng quân Trần Hưng Đạo đã để lại cho đời sau bộ binh pháp Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền. Đặc biệt, tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của ông là một áng văn nổi tiếng được lưu truyền đến muôn đời sau. Ông được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.

Thầy giáo Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn 1292, mất năm 1370 là một đại quan, thầy thuốc thời nhà Trần. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thầy giáo Chu Văn An đã từng đỗ Thái Học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học tại làng và có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng Khổng giáo vào Việt Nam.

Thầy giáo Chu Văn An là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông được lịch sử tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Cũng bởi lẽ đó, hàng năm, trước các kỳ thi quan trọng, thí sinh thường tới Văn Miếu lễ thầy giáo Chu Văn An để cầu mong được may mắn trên con đường khóa cử, thi đỗ kết quả cao.

Danh nhân đất Việt tuổi Thìn còn rất nhiều người được lưu danh sử sách như: Ông tổ nghề đúc đồng Không Lộ Thiền Sư (1016 - 1094), tuổi Bính Thìn. Nhà chính trị, nhà thơ, nhà giáo dục thời Hậu Lê Nguyễn Như Đổ sinh năm Giáp Thìn (1424 - 1526). Danh sĩ Phan Thanh Giản, một đại thần nhà Nguyễn tuổi Bính Thìn (1796 - 1867).

Những địa danh gắn với chữ “Long” ở Việt Nam

Kinh thành Thăng Long gắn với truyền thuyết về việc dời đô của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) năm 1010. Theo Sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở bến ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long. Đổi chân Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên, sông Bắc Giang làm sông Thiên Đức. Xuống chiếu phát tiền kho hai vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở, đều dựng bia ghi công”.

Vùng đất mang tên rồng cổ nhất Việt Nam là Long Đỗ (rốn Rồng), ở bên tả ngạn sông Hồng, Hà Nội. Núi mang tên lâu đời nhất của Việt Nam là Long Đọi ở Duy Tiên (Hà Nam). Quảng Ninh nổi tiếng với thắng cảnh độc đáo vịnh Hạ Long, tại đây có ngọn đèn biển trên đảo Long Châu không đêm nào tắt. Vùng Tiên Yên (Quảng Ninh) có núi Long Tu, trong núi có nhiều cỏ long tu (cỏ râu rồng) sống lâu năm, làm thuốc. Đồ Sơn (Hải Phòng) có núi Cửu Long hình con rồng chín khúc.

Trên dải đất Việt, nhiều ngọn núi có tên gọi gắn với Rồng thể hiện sự uy nghiêm, hùng vĩ. Tại Thanh Hóa có núi Hàm Rồng sừng sững bên bờ sông Mã. Hà Tĩnh có núi Long Tường, núi Long Mã Phụ Đồ hình yên ngựa.

Miền Tây Quảng Bình có Thanh Long là ngọn núi cao xanh biếc, núi Long Tị bên bờ sông Gianh, núi Phúc Long dọc sông Nhật Lệ. Thừa Thiên Huế có chợ Kim Long, chợ Long Hổ; Quảng Ngãi có chợ Long Tử; Bình Định có chợ Long Hương.

Tại Quảng Ngãi, chỉ một huyện đã có 3 ngọn núi tên Rồng: Lạc Long, Long Phượng, Long Cốt. Bình Định có núi Hàm Long. Hà Tiên có núi Dương Long. Biên Hòa (Đồng Nai) có núi Long Ẩn.

Không chỉ có tên núi gắn với Rồng mà các dòng sông, suối cũng được cha ông ta mượn gắn với chữ “Long”. Sông Hoàng Long (Ninh Bình) là con sông cổ nhất mang tên Rồng. Long Môn là một đoạn của sông Đà chảy qua núi Long Môn có cửa đá chắn ngang, chia nước thành ba dòng đổ xuống thành thác. Sông Đồng Nai có tên chữ là Phước Long chảy qua là tỉnh Phước Long. Đồng Tháp có bãi lớn Long Sơn do sông Tiền bồi lên địa phận Tân Châu, Hồng Ngự.

*

* *

Có thể nói, Rồng là hình tượng quyền uy, tối linh, tối thượng trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Với sức sống mãnh liệt được bồi đắp theo năm tháng, hình tượng Rồng mãi được lưu truyền với những giá trị cao quý trường tồn cùng lịch sử, là sự tiếp nối tuyệt vời giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.

Song Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/rong-hinh-tuong-dac-biet-trong-van-hoa-truyen-thong-368824.html