Rộng mở cơ hội việc làm trên quê hương
Hình ảnh từng dòng người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam đổ về quê một cách tự phát để phòng, chống dịch bệnh đến nay vẫn còn ám ảnh với nhiều người. Theo rà soát của các cấp, ngành, trong dòng người từ miền Nam về quê tránh dịch thì Quảng Trị có gần 17.000 người. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị sớm tổ chức đưa đón hơn 1.340 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, người ốm đau, người già, học sinh, sinh viên đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê phòng, chống dịch bệnh.
Khi khó khăn được chia sẻ
Mùa xuân về xua đi bao nỗi vất vả sau một năm do COVID- 19 gây ra. Anh Nguyễn Đăng Sửu, quê ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng cho biết, trước đây anh vào làm công nhân điện máy ở tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng dịch bệnh nhà máy đóng cửa nên hai vợ chồng quyết định về quê. Rất may, sau khi thực hiện xong thời gian cách ly y tế theo quy định, anh được Công ty may Hòa Thọ - Triệu Phong tuyển vào làm việc. Rồi đây, anh sẽ xin công ty cho vợ vào cùng làm để có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.
Cũng như anh Sửu, chị Nguyễn Thị Bốn, quê ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị chia sẻ, chị về quê cuối tháng 5/2021 nhưng do Thành phố Hồ Chí Minh dịch bệnh bùng phát nên không thể vào làm việc lại được. Rất may, cách đây gần 2 tháng, chị được Công ty may Hòa Thọ - Triệu Phong tuyển vào làm việc. Từ đây, chị không còn cảnh thất nghiệp, sống nhờ bố mẹ nữa. Vào làm việc, chị được công ty bố trí đúng công việc chuyên môn may nên bắt nhịp rất nhanh.
Làm việc ở đây rất thoải mái, được lãnh đạo nhà máy quan tâm, ngoài chế độ ăn được miễn phí, sau khi nộp tiền bảo hiểm, tiền lương được 7 triệu đồng/tháng, thu nhập tuy thấp hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng bù lại không mất tiền thuê nhà, tiền tàu xe mỗi khi về quê, giá cả ở đây lại rẻ nên chị tích lũy được để phụ giúp bố mẹ và dành dụm ít vốn cho bản thân sau này.
Nhằm chia sẻ, động viên người lao động vơi bớt khó khăn, từ rất sớm, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ, giúp đỡ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sớm ổn định cuộc sống. Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động quyên góp được hơn 17,3 tỉ đồng để trợ giúp hơn 17.400 người dân Quảng Trị đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do COVID-19.
Trưởng Phòng Lao động việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Trắc cho biết: “Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương trong nước sớm thành lập đoàn cán bộ vào đưa người dân đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về quê bằng tàu hỏa an toàn, chu đáo. Cùng với việc đưa đón người dân về, tỉnh cũng sớm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126 của Chính phủ với tổng số tiền gần 11 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên hệ trực tiếp với người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về để giới thiệu việc làm tại Quảng Trị, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời, nắm bắt nguyện vọng người lao động để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp đào tạo nghề nếu họ có nhu cầu”.
Trưởng Ban Công tác cơ sở, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Tài Minh cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 3.400 người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê. Qua khảo sát có nhiều công ty may mặc và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 2.250 lao động, trong đó riêng ngành dệt may hơn 1.750 lao động. Hiện nay, đã có nhiều lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định”.
Cũng theo ông Nguyễn Tài Minh, thực hiện Kế hoạch số 146 ngày 28/10/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động đón tết Nguyên đán Nhâm Dần với phương châm tất cả đoàn viên và người lao động đều có tết. Theo đó, các cấp công đoàn chủ động phối hợp tham gia với các ngành chức năng nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập về việc thực hiện quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết, qua đó có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên và người lao động. Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần này, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn 300.000 đồng/người. Ngoài ra, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh còn hỗ trợ vật chất cho đoàn viên, người lao động đặc biệt khó khăn, góp phần giúp họ đón tết Nguyên đán đầm ấm, sum vầy hơn”.
Mùa xuân mới, kỳ vọng mới
Nhằm giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn trong thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phối hợp với Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp có đông lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nội dung thỏa ước lao động tập thể gồm các điều như tiền lương, tiền thưởng, nâng lương, việc làm và đảm bảo việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội, chế độ phúc lợi cho người lao động. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết với thời hạn 2 năm.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thông Phát Phạm Hồng Thông chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với đại diện tập thể người lao động là một việc làm cần thiết giúp người lao động thêm tin tưởng, an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Trước mắt, các doanh nghiệp có ký kết thỏa ước lao động tập thể thì tết Nguyên đán Nhâm Dần người lao động được thưởng bằng 1 tháng lương nếu làm việc đủ 12 tháng trong năm, nếu chưa đủ 12 tháng sẽ được tính tỉ lệ tương ứng theo số tháng thực tế làm việc để thưởng tết”.
Còn Giám đốc Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà Lê Anh Phong cho biết: “Trước tình hình người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch, công ty đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm đơn hàng để góp phần giải quyết việc làm giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Theo đó, công ty thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, phòng lao động, thương binh và xã hội cấp huyện, các cơ quan báo chí, truyền thông để thông báo tuyển dụng lao động. Đồng thời phối hợp với ngành y tế địa phương tăng cường phòng, chống COVID-19, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Với cách làm đó, năm 2022 công ty dự kiến tạo việc làm cho 1.500 lao động, tăng 100 lao động so với năm 2021, nâng thu nhập bình quân đạt trên 7,3 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 500.000 đồng/tháng so với năm 2021. Tết dương lịch 2022, công ty hỗ trợ công nhân 10% lương, tết Nguyên đán Nhâm Dần công nhân nghỉ 9 ngày và được hỗ trợ 1 tháng lương thứ 13, công đoàn tặng quà như dầu ăn, mì chính, hạt dưa”.
Trước sự quan tâm của các cấp, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh, nhiều người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch mong muốn sau tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ ở lại quê nhà để làm việc vì cơ hội tìm kiếm việc làm ở Quảng Trị giờ đã rộng mở hơn trước nhiều.