Rộng mở phương thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Song hành cùng giáo dục kiến thức, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường đã góp phần nâng cao mục tiêu phát triển học sinh toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.
Với các trường phổ thông, mỗi hoạt động trải nghiệm thực tế, mỗi tiết học hay mỗi sự kiện đặc biệt đều là cơ hội rộng mở để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Bồi đắp từ trải nghiệm thực tế
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trước hết được các nhà trường triển khai qua nhiều phong trào, hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động ngoại khóa. Nhờ đó, học sinh vừa có thể giải tỏa áp lực sau những giờ học căng thẳng vừa được bồi đắp tính cách, phẩm chất tốt đẹp.
Tại Trường THCS Chu Mạnh Trinh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động xuyên suốt năm học và được lồng ghép trong các ngày hội, ngày lễ lớn, sự kiện đặc biệt.
Đơn cử, trong thời điểm kết thúc năm học, Trường THCS Chu Mạnh Trinh đã tổ chức lễ tri ân dành cho học sinh khối 9, qua đó lồng ghép bài học về lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Buổi lễ tri ân được tổ chức trong bầu không khí ấm cúng, đơn giản. Chúng tôi mời phụ huynh đến tham gia buổi lễ để chứng kiến các con ngày một trưởng thành hơn.
Tại buổi lễ, học sinh kể lại những kỷ niệm đáng nhớ về trường lớp hay về thầy cô, bạn bè các em yêu mến. Một số em nói lời cảm ơn thầy cô, cha mẹ vì đã luôn đồng hành cùng các em hoặc mạnh dạn nói lời xin lỗi vì những lúc làm người lớn phiền lòng.
“Nhà trường động viên học sinh bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân khi nhìn lại chặng đường gắn bó cùng thầy cô, bè bạn 4 năm qua. Chúng tôi hy vọng hoạt động ý nghĩa này có thể giáo dục học sinh về lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô và cho các em điều kiện thực hành lòng biết ơn. Những cảm xúc tích cực này sẽ đồng hành cùng các em trên quãng đường trưởng thành”, cô Hồng cho biết.
Tại Trường THCS Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giáo dục đạo đức lối sống được xây dựng qua các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Thời điểm chưa có dịch, nhà trường thường tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể dưới cờ cho học sinh toàn trường và mời các diễn giả, nhân vật đến giáo lưu, trò chuyện với học sinh.
Đơn cử, nhà trường tổ chức giao lưu văn nghệ với đại diện Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi. Những mảnh đời bất hạnh nhưng không ngừng vươn lên trong cuộc sống đã lay động trái tim thầy và trò nhà trường. Hoạt động này góp phần khơi dậy trong mỗi học sinh tinh thần tương thân tương ái, biết tự nguyện chia sẻ với những số phận thiệt thòi hơn mình bằng những hành động thiết thực.
Vun trồng nhờ sự sẻ chia
Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, lối sống được lồng ghép, đan cài trong các môn học như Lịch sử, Ngữ văn,… Điều này thể hiện giáo dục kiến thức và giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường không phải hai phạm trù tách biệt mà luôn song hành, hỗ trợ lẫn nhau.
Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường THPT Hà Trung, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Trong môn Lịch sử, tôi tổ chức cho học sinh tham quan thực tế nhằm vun trồng sự hiểu biết về cội nguồn dân tộc, lòng tự hào về lịch sử qua các thời kì…
Thông qua hoạt động này, học sinh có điều kiện gần gũi, hiểu biết về các sự kiện lịch sử, từ đó có ý thức về cội nguồn, về lòng yêu nước, yêu quê hương và lòng biết ơn về các thế hệ cha ông đã ngã xuống. Dạy học tham quan thực tế còn là cơ hội để các em bộc lộ cá tính, năng khiếu, sở trường, đồng thời có tác dụng hình thành thói quen hợp tác, tương trợ, học hỏi lẫn nhau".
Còn cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa, kết hợp kể câu chuyện truyền cảm hứng trong giờ dạy môn Ngữ văn.
Các câu chuyện xoay quanh chủ đề khát khao chinh phục thử thách, tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần đoàn kết… Từ đó, lồng ghép cho học sinh ý chí vươn lên, kiên trì vượt qua khó khăn hay tinh thần kỷ luật, khiêm tốt, thật thà, dũng cảm…
Theo cô Vân, để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả, mỗi giáo viên cần quan tâm, lắng nghe và chia sẻ với các em học sinh. Thời gian học tập trên ghế nhà trường cũng là lúc học sinh hình thành tính cách, phẩm chất. Nhưng trong quá trình trưởng thành, không ít học sinh gặp phải khó khăn đến từ tâm lý, hoàn cảnh sống, điều kiện gia đình… và cần được lắng nghe, chia sẻ. Mối quan hệ tích cực giữa thầy và trò có thể đưa các bài học về đạo đức, lối sống chạm đến trái tim học sinh.
“Ngoài ra, cần tạo sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhận được sự quan tâm, hướng dẫn đủ đầy từ các phía giúp học sinh vun đắp những giá trị sống tốt đẹp và đạt hiệu quả cao nhất”, cô Vân bày tỏ.
Phạm Khánh