Rộng mở tiềm năng và cơ hội phát triển
Những năm qua, thành phố Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với số sản phẩm được công nhận OCOP. Theo đánh giá, Chương trình OCOP sẽ là 'cú hích' làm đổi mới tư duy sản xuất, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển khu vực nông thôn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia năm 2022 (đợt 1) cho 22 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Bộ NN&PTNT đã tổ chức trao giấy chứng nhận sản phẩm cho 12 chủ thể, trong số này có 2 chủ thể đến từ Hà Nội.
Với bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (HTX Tân Thịnh), huyện Gia Lâm, Hà Nội đã vinh dự nhận được giấy chứng nhận OCOP cấp Quốc gia từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Đây tiếp tục là một thành công nữa của ngành hàng gốm sứ Hà Nội.
Trước đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”.
Nghệ nhân Trần Đức Tân, Giám đốc HTX Tân Thịnh cho biết, gốm Bát Tràng nổi tiếng từ hàng trăm năm qua, nhưng mỗi người thợ vẫn phải không ngừng học hỏi để sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Ông Tân cho rằng, ngày nay nghệ nhân ngoài phải nghiên cứu về gốm cũng cần có sự đam mê, khẳng định được chất riêng của hồn cốt dân tộc. Vậy nên, gốm của HTX Tân Thịnh dù in đậm tinh thần và hơi thở của Việt Nam nhưng cũng phải toát lên sự mới mẻ của thời đại.
Theo ông Tân, gốm Bát Tràng có những đặc trưng riêng, được cha ông đúc kết thành kinh nghiệm “Nhất dáng, nhì men, thứ ba lửa lò”. Và bộ gốm men suối ngọc là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu gốm sứ truyền thống với công nghệ mạ kim hiện đại. Ngay khi vừa ra đời, gốm men suối ngọc đã được các chuyên gia đánh giá cao. “Suối là biểu tượng cho mưa ngọt gió lành. Ngọc là những gì tinh túy từ trong lòng đất và đó là chất liệu để làm gốm. Men suối ngọc có 5 màu sắc, đại diện cho 5 loại vật chất trong ngũ hành, đó là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”, ông Tân giải thích.
Cùng với bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc của HTX Tân Thịnh, sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng vinh dự nhận được chứng nhận 5 sao OCOP.
Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho hay, sau nhiều năm quan sát con tằm làm tơ, đan kén, nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào bà bỗng nảy ra một ý tưởng lạ, sắp xếp những điều kiện thuận lợi nhất cho chúng tự dệt thành tơ. Theo cách làm truyền thống thì phải kéo kén, ươm tơ, từ đó cào thành bông rồi khâu cố định các lớp vào để tạo ra chăn, rất tốn công và sau một thời gian sử dụng dễ bị vón cục.
Từ ý tưởng đến thành công phải qua rất nhiều thất bại. Mất một năm với 8 lứa tằm đem ra làm thí nghiệm, tương đương vài chục đêm ròng thức trắng bà mới hoàn thiện được phương pháp độc đáo là tơ tằm tự dệt. Tằm khi đan kén còn có cái tổ để che thân nên yên tâm kéo tơ, đằng này lũ tằm tự dệt phải nằm trơ trọi trên một mặt phẳng khiến chúng rất sợ ánh sáng, tiếng động hay gió thổi. Bà phải để chúng vào trong cái nhà kín không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa.
Trong ruột mỗi con tằm chứa sợi tơ dài 400-500m, bà cũng phải tính toán tỉ mỉ khoảng cách thích hợp để cho chúng vươn cổ, nhả tơ sao cho thật vừa tầm mà không vướng víu. Khi đã đạt độ dài, rộng, dày theo tiêu chuẩn thì đem tơ ấy tẩy đi sẽ tạo được tấm ruột chăn có màu sắc trắng như bông. Chính vì sản phẩm độc đáo đó mà giá của tơ tằm tự dệt lên tới hàng chục triệu và trở thành món quà vô cùng độc đáo không chỉ Hà Nội mà còn cả Việt Nam khi muốn tặng cho những vị khách quan trọng.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề. Tính đến hết năm 2022, Hà Nội có 321/806 làng đã được Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước, bao gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề. Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nổi tiếng.
Hiện tại, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP. Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 8 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.372 sản phẩm, ngành đồ uống 47 sản phẩm, ngành thảo dược 39 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 660 sản phẩm, ngành vải và may mặc 47 sản phẩm, du lịch 2 sản phẩm. Hà Nội trở thành điểm sáng, đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và là “cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn Thủ đô.
Thành phố cũng xác định, để Chương trình OCOP thành công cần sự vào cuộc của cả chính quyền và nhân dân. Trong đó, cần phổ biến các mô hình, cách làm hay của tổ chức, cá nhân đã thành công. Ngoài ra, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp cả về quy mô, chất lượng. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Đồng thời, gắn phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề, văn hóa của địa phương.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/rong-mo-tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-160530.html