Rong rêu từ lòng biển
Đặt đứa bé xuống một gốc phi lao đen sẫm, rì rào, Thuyền quay lưng bỏ chạy. Chưa khi nào Thuyền lại dứt khoát đến thế. Gió ầm ù thổi bên tai Thuyền. Rặng phi lao rì rào bên tai Thuyền. Những cơn triều lên giận dữ bên tai Thuyền. Một quãng, trong tất cả những âm thanh ồn ã đó, bỗng vang lên tiếng khóc trẻ thơ. Lạ lùng quá! Làm thế nào mà đứa trẻ có thể cất tiếng khóc to đến nỗi những âm thanh ồn ã dữ dội của thiên nhiên kia có thể nhường chỗ cho nó được? Làm thế nào đứa trẻ có thể gửi được thông điệp van xin đừng bỏ rơi nó đến với trái tim đang bỏ trốn của người mẹ trẻ?
Thằng bé ngạc nhiên lắm:
- Quê chị cũng có biển à? Biển có đẹp không?
Thuyền trả lời nó, mà nước mắt như sắp vỡ ra:
- Ừ, biển đẹp. Sau này có dịp, chị sẽ mời em về quê biển của chị chơi.
Nói đến quê biển, bây giờ Thuyền chẳng còn ai thân thích ở đó, trừ hắn, có thể tạm coi là như thế, vì dẫu gì…
Dẫu gì… đã nhiều lúc Thuyền nghĩ, dù sao cũng đã có với nhau một mặt con, có nên để cho hắn một cơ hội chết thanh thản hay không. Nhưng đó chỉ là những ý nghĩ giống như một chú chim nhỏ vội vàng, vừa đậu xuống dưới mái hiên, chưa kịp ngó nghiêng đã cất cánh bay đi. Có điều, chú ta không đi hẳn, mà cứ chập chờn trở lại.
Hồi biết mình mang một đứa bé đang lớn dần trong bụng, những ý nghĩ kiểu như thế đã hành hạ tâm hồn Thuyền. Thuyền nghĩ: Một đứa con ư? Tại sao lại là một đứa con? Rồi mình sẽ sinh nó ra sao? Mình sẽ đớn đau và chảy máu đến chết mất. Làm thế nào để giấu nó đi? Làm thế nào để nó không thể được sinh ra?
Minh họa: Đặng Tiến
Lúc đó Thuyền chưa tròn mười sáu tuổi.
Lẽ dĩ nhiên, một đứa trẻ chưa tròn mười sáu tuổi, thân với mẹ đẻ như hai người bạn gái với nhau, thì chuyện kỳ kinh nguyệt đầu tiên, chuyện lần đầu chung gối chăn với người khác giới, chuyện có thai và sinh con không phải là chuyện xa lạ và khó hiểu. Thuyền may mắn hơn những bạn gái làng chài khác chính là có một người mẹ như thế. Mẹ thủ thỉ tâm tình với Thuyền tất cả những vấn đề của phụ nữ, khi mọi đứa bé gái lớn lên sẽ trở thành phụ nữ. Nhưng điều trái khoáy không ai có thể ngờ được lại chính là: Khi Thuyền có thai và thậm chí đã sinh con, mẹ vẫn không hề biết.
Vì Thuyền không muốn cho mẹ biết, Thuyền không thể nào cho mẹ biết được.
*
Mẹ thường hỏi Thuyền:
- Con không lấy chồng à?
Thuyền trả lời:
- Không ạ. Con không muốn lấy chồng.
Mẹ nói:
- Nhưng đàn bà thì phải có chồng chứ. Có chồng mới có chỗ nương tựa.
Thuyền cười nhạt:
- Lấy ai mới được ạ? Ở cái xứ này hay sao? Để rồi lại giống như mẹ hay sao?
Thuyền biết, lần nào cũng thế, vẫn những câu hỏi ấy, vẫn những câu trả lời ấy, vẫn nỗi buồn sâu thẳm ấy, mà cả mẹ và Thuyền đều không chịu buông tha cho nhau.
Mẹ Thuyền có hạnh phúc không?
Có.
Bà ấy đang hạnh phúc bên một người chồng yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho bà hết mực. Nói công bằng, ông ta đã chăm sóc mẹ một năm bằng mười năm bố Thuyền chăm sóc mẹ Thuyền. Chỉ là phận mỏng duyên hèn, mẹ Thuyền mất chồng, Thuyền mất bố trong một đêm biển động.
Chẳng lẽ mẹ muốn Thuyền cưới một chàng trai làng biển, để rồi một ngày biển động nào đó Thuyền thành gái góa? Ô hay! Không lẽ đàn ông làng biển là cứ phải sớm về với biển sâu, bỏ mặc vợ con côi cút hay sao? Dĩ nhiên không. Chỉ là cái cớ để Thuyền đối phó với mẹ những câu hỏi về chuyện chồng con mà thôi.
Được chồng sau yêu thương, chiều chuộng như thế, nên chẳng thể trách mẹ Thuyền càng ngày càng lo lắng cho con gái. Với bà, một người phụ nữ có thể bất hạnh với người chồng này nhưng biết đâu lại may mắn với người chồng khác, như bà. Còn hơn chẳng có người đàn ông nào ở bên để mà này nọ với thiên hạ. Mà thiên hạ thì tàn nhẫn lắm. Mình hạnh phúc thì họ ganh tị, mình bất hạnh thì họ hả hê. Họ cứ luôn miệng tỏ ra quan tâm đến người khác, khi người ta muộn chồng, ế chồng, nhưng thực ra trong lòng họ đang tưng bừng mở hội. Mẹ Thuyền hai đời chồng. Còn Thuyền đã ba mươi tuổi rồi mà chưa đời chồng nào cả.
Thuyền không muốn lấy chồng, có phải chính vì sợ hãi? Sợ hãi những ái ân tàn bạo của chồng (nếu lại một kẻ giống hắn). Sợ hãi những cơn nghén khủng khiếp của thai kỳ (nếu vẫn giống như lần mang bầu trước). Sợ những cơn đau quặn thắt kinh hồn trong lúc sinh nở.
Chao ôi, Thuyền nghĩ, những điều đó đều đáng sợ, nhưng sẽ không là gì hết nếu mọi thứ bắt đầu bằng tình yêu. Đằng này thì khác, Thuyền sợ, nỗi sợ đeo đẳng gần mười lăm năm qua chưa một lần nguôi dứt.
Bây giờ, mỗi tháng một đôi lần Thuyền ghé qua nhà anh để có cớ gặp thằng bé. Nó mười lăm tuổi rồi. Theo dõi nó qua mạng xã hội chưa bao giờ là đủ với Thuyền. Vì dù nó có ngày lên mạng đăng năm sáu cái trạng thái, hay bẵng đi vài tháng nó chẳng có một hoạt động nào, thì gặp nó vẫn là điều Thuyền mong đợi. Nó đang ở cái tuổi nhiều tâm tư xáo động nhất, như Thuyền ngày xưa.
Mẹ nào mà chẳng muốn ở bên con, muốn con ở bên mình. Đã thế, sao lại rời bỏ con? Chính vì ngày xưa, khi mang thai nó, Thuyền còn quá trẻ.
Hắn bảo:
- Nếu mày không bỏ thai, đừng trách tao.
Hắn không muốn Thuyền sinh đứa bé. Đương nhiên. Thuyền cũng không muốn sinh đứa bé. Thuyền còn trẻ quá, Thuyền còn chưa kịp được yêu, một tình yêu đúng nghĩa như đám bạn gái của Thuyền.
Thế thì bỏ thai.
Thuyền lang thang trên bãi biển nhiều ngày. Thuyền muốn hỏi bãi cát, làm thế nào để phá thai. Thuyền muốn hỏi những con bối bối rụt rè đứng ở cửa hang vẫy tay chào bất cứ ai đi qua, làm thế nào để bỏ thai. Thuyền muốn hỏi biển, biển mặn mòi, biển gầm gào bất tận, làm thế nào để bỏ thai.
Thuyền không nhận được câu trả lời nào. Những lúc giằng xé đó, Thuyền lại rất hay nghĩ đến mẹ. Ngày xưa, khi có thai Thuyền, mẹ và bố đã vui sướng biết bao. Và trong những ngày đau khổ, sợ hãi ấy, tự nhiên Thuyền nhớ đến bố đẻ thật nhiều. Thuyền thương bố và Thuyền cũng nghĩ có khi cái chết của bố là một cách giải thoát. Nếu bố còn sống, bố liệu có yêu thương mẹ, ở bên mẹ mỗi khi cơn đau hành hạ. Mẹ bị ung thư vòm họng, và cái căn bệnh chết tiệt ấy làm khuôn mặt mẹ biến dạng. Những khối tiền cứ lầm lũi đội nón ra đi theo căn bệnh của mẹ. Mẹ đau đớn, mẹ buồn khổ, nhưng mẹ còn có niềm tin để dựa vững: Người chồng thứ hai của mẹ, người mà tất cả phụ nữ làng chài của Thuyền đều ngưỡng mộ, so sánh với những đức ông chồng của họ.
Sự sống kỳ diệu lắm và kỳ diệu hơn nếu sự sống lại sinh ra sự sống. Mẹ Thuyền bảo, điều duy nhất khiến bà nuối tiếc là không thể sinh một đứa con nữa để đền đáp ơn nghĩa của người chồng kế.
Thế mà Thuyền, chỉ vì hắn ta hăm dọa mà nỡ lòng bỏ đi đứa con của mình ư? Thuyền căm hận hắn. Và chính vì căm hận, đột nhiên một buổi tối nọ Thuyền bỗng nhận ra, tại sao Thuyền lại đáp ứng điều hắn muốn, là bỏ đứa trẻ còn chưa ra đời ấy đi? Điều duy nhất mà Thuyền có thể giáng thù hận lên hắn chính là sinh đứa trẻ.
Thuyền nói với hắn, đứa trẻ đã không còn trong bụng Thuyền nữa. Vì thế, đừng bao giờ đụng vào người Thuyền, đừng bao giờ mong có thể say sưa ngấu nghiến thân thể Thuyền nữa.
Hắn nhìn Thuyền mong manh gầy guộc, cười khẩy:
- Biết nghe lời thì sóng yên biển lặng.
Thuyền phải rời khỏi làng chài. Thuyền chẳng còn lựa chọn nào khác là bỏ trốn. Thuyền trốn đi xa, nép mình vào một ngôi làng nhỏ ven biển khác. Làng này có nghề làm mắm, từ xa không khí đã được ướp đậm mùi mắm cá. Thuyền tưởng mình sẽ chết bởi mùi mắm, do chứng ghén mùi khủng khiếp. Thế mà lạ làm sao, chỉ có mùi mắm cá không khiến Thuyền oặt oẹo vì nôn mửa.
Thuyền làm thuê cho một gia đình trong làng. Chủ nhà là một bà già chăm chỉ và say nghề mắm cá. Một anh con trai, một chị con dâu, một đứa cháu nội chưa chào đời và một bà cô bốn mươi sáu tuổi chưa chồng. Bà cô này, dù bận bịu đến đâu, dù chẳng có lúc nào cho ai nhìn ngắm thì cũng phải môi son má phấn đầy đủ mới yên tâm. Bà ấy cho Thuyền ở chung phòng, suốt ngày bà nói về những gã đàn ông tán tỉnh bà, dù Thuyền chưa từng thấy họ bao giờ.
Thật tình, lần đầu tiên bước chân vào ngôi nhà ấy, thấy bà cô đơn thân, tự dưng Thuyền nghĩ đó là định mệnh. Có lẽ nào đứa trẻ Thuyền sinh ra sẽ được bà ấy nhận nuôi, chăm sóc, trở thành đứa con của bà ấy. Thuyền nghe nói những người phụ nữ muộn chồng, không lấy chồng thường có nhu cầu sinh một đứa con hoặc nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi nào đó.
Nhưng không phải vậy. Bà cô bảo không lấy chồng, thì tại sao phải vất vả để nuôi một đứa trẻ. Mà nào nuôi trẻ đâu có dễ dàng. Thời xưa sinh con ra vứt đâu chả được, dù cởi truồng cả ngày, mũi dãi lòng thòng không ai lau thì đứa bé vẫn lớn lên như một cái cây hoang dã, tự nhiên mà khỏe mạnh. Thời nay thì khác. Dù được chăm bẵm nâng niu, quạt sưởi ủ ấm ngày đông, máy lạnh xua nồng ngày hạ, thì bọn trẻ con vẫn cứ lăn đùng ra ốm, luôn mè nheo và đầy yêu sách.
Bà cô chẳng hề có ý định sinh một đứa con mà “dựa dẫm” về sau. Bà bảo, tại sao lại có những người đàn bà ngu ngốc đến nỗi tin rằng sinh một đứa trẻ ra để sau này dựa dẫm nó? Tại sao sinh con ra để ngay từ đầu đã khoác cho nó cái trách nhiệm to đùng là phụng dưỡng mẹ già? Phải cởi trói cái tư tưởng ấy đi và “tỉnh đòn” sớm đi. Bà cô cười khoái trá. Tận hưởng cuộc sống tự do như thế này không đã hay sao.
Đó là lúc bà ấy chưa biết Thuyền có thai. Hai tháng sau, khi cái thai đã lớn và chứng nghén khủng khiếp khiến Thuyền không thể giấu giếm nổi nữa, bà ấy tỏ ra lạnh lùng như băng đá: “Phá ngay đi, nếu mày còn muốn đời mày có tương lai. Mày muốn ví dụ tao cho ví dụ. Con bé dâu út nhà Trưởng thôn kia kìa, chồng nó chết tai nạn, nó mới mang thai năm tháng, thế là nó phá thai đi, để còn lấy chồng khác cho dễ. Đấy”.
Tự nhiên Thuyền khóc. Thuyền nhớ đến mẹ Thuyền, nhớ khuôn mặt đã bị biến dạng vì bệnh tật của bà. Chao ôi! Tại sao trên đời lại nhiều bi kịch đến thế.
*
Bây giờ, mẹ đã chết, Thuyền đã là phụ nữ tuổi ba mươi váy ngắn ngang đùi, ngực ưỡn cong kiêu hãnh, giày cao gót nện cồm cộp trên nền gạch sáng loáng của tòa cao ốc trong thành phố, nơi Thuyền là một nữ trưởng phòng kinh doanh uy quyền của công ty. Bên tai Thuyền luôn vang lên câu hỏi của mẹ: “Con không lấy chồng hả Thuyền? Rồi sau này lấy ai mà dựa dẫm…”.
Thằng bé đã mười lăm tuổi. Nó sẽ thế nào nếu biết nó có một ông bố bệnh tật đang nằm chờ chết ở ngôi làng chài xa xôi, chỉ mong một lần được nhìn thấy giọt máu duy nhất bị dạt trôi của mình. Đó là quả báo, Thuyền nhiều lúc cười to khi nghĩ đến bệnh tật khiến hắn trở nên thảm hại. Suốt một năm trời hắn đã hành xác Thuyền, biến Thuyền thành con điếm miễn phí của hắn, mà ngoài Thuyền ra, không một ai hay biết.
Thuyền trở dạ sớm hơn dự kiến. Bà cô chủ nhà cầm tất cả số tiền công trong mấy tháng làm thuê đưa Thuyền ra trạm xá.
Buổi tối hôm ấy, Thuyền bế đứa trẻ trên tay. Xung quanh Thuyền, những bà đẻ khác nếu không có chồng xăng xái ở bên thì cũng mẹ chồng, mẹ đẻ, anh chị em, bè bạn. Họ thăm hỏi, họ đưa cơm, họ bế nựng đứa bé mới sinh. Họ dặn dò bà mẹ trẻ kiêng khem. Còn Thuyền? Liệu Thuyền muốn nuôi đứa trẻ một mình, khi chưa tròn mười sáu tuổi? Còn tương lai của Thuyền, tất cả sẽ khép lại chỉ vì đứa con của hắn hay sao?
Đột nhiên, một nỗi hờn căm và độc ác lóe lên trong trái tim Thuyền. Thuyền đã chịu đựng bao nhiêu tháng ngày khổ sở, nhục nhã để sinh ra một cái “barie” của đời mình. Mà tất cả là vì hắn, vì đứa trẻ, Thuyền đã không được ở bên mẹ, chia sẻ với mẹ nỗi đớn đau bệnh tật. Mẹ yêu người chồng thứ hai của mẹ hơn bố Thuyền, hơn bất cứ người đàn ông nào trên đời, nhưng mẹ cũng yêu thương, lo lắng và cần Thuyền. Thế mà chỉ vì những ý nghĩ nông nổi là trả thù, mà Thuyền lại đẩy đời mình sâu hơn vào giông tố.
Biển đêm. Gió soàn soạt thổi như thể trên đời không gì tồn tại ngoài gió. Những ngôi sao trên bầu trời như sà xuống thấp hơn, tỏa sáng rõ hơn. Những lằn sóng bạc đã liếm đến chân rừng phi lao trên bờ biển. Thuyền bế đứa con mới sinh trên tay. Nó tin tưởng ngủ vùi trong hơi ấm của Thuyền. Thuyền sẽ trả đứa bé về với rong rêu từ lòng biển.
Đặt đứa bé xuống một gốc phi lao đen sẫm, rì rào, Thuyền quay lưng bỏ chạy. Chưa khi nào Thuyền lại dứt khoát đến thế. Gió ầm ù thổi bên tai Thuyền. Rặng phi lao rì rào bên tai Thuyền. Những cơn triều lên giận dữ bên tai Thuyền. Một quãng, trong tất cả những âm thanh ồn ã đó, bỗng vang lên tiếng khóc trẻ thơ. Lạ lùng quá! Làm thế nào mà đứa trẻ có thể cất tiếng khóc to đến nỗi những âm thanh ồn ã dữ dội của thiên nhiên kia có thể nhường chỗ cho nó được? Làm thế nào đứa trẻ có thể gửi được thông điệp van xin đừng bỏ rơi nó đến với trái tim đang bỏ trốn của người mẹ trẻ?
Sững lại. Thuyền lặng phắc như một tảng đá. Còn trái tim bỏ trốn, nó đang choài về phía tiếng khóc.
Những ngôi sao biển đêm như sáng hơn, những con sóng cũng như thắp ngọn đèn sáng trên đầu để soi rõ từng đụn cát trắng cho người mẹ trẻ tìm về gốc cây phi lao đang bị sóng liếm đến chân để đòi con.
Gốc phi lao đó đây rồi. Tiếng khóc trẻ thơ vừa dứt. Thuyền chết lặng. Một người đàn ông đang bế đứa bé của Thuyền.
Anh con trai của bà chủ nhà Thuyền làm thuê cũng vừa đón đứa con đầu lòng được ba tháng.
- Tao biết mày sẽ làm bậy, nên theo mày đến đây. Không nuôi được thì cũng nên cho con một chỗ sống. Súc vật cũng không ác thế.
Anh ta vừa nói vừa sấn đến dang tay táng cho Thuyền một cái. Thuyền òa khóc.
- Thôi, để vợ chồng tao nuôi nó. Chị mày có nhiều sữa, hai đứa bé uống chung vẫn đủ.
Thuyền rời khỏi ngôi làng làm mắm cá ven bờ biển ấy. Nỗi đau vụn vỡ dần theo năm tháng. Thuyền ra tận thành phố làm thuê. Sau sinh, Thuyền bỗng nở nang, đằm thắm lạ thường. Thuyền gặp những người bạn tốt, Thuyền tìm được cơ hội đi học và Thuyền đã tự mình trưởng thành, càng ngày càng rực rỡ.
Mẹ mất ba năm sau ngày Thuyền sinh con. Thuyền về chịu tang mẹ. Hắn, chồng sau của mẹ vẫn tỏ ra là một người đàn ông mẫu mực, yêu thương người vợ bệnh tật và đứa con gái ngỗ ngược của vợ, đứa con gái chỉ vì nghe lời bạn trai rủ rê mà bỏ mẹ đau ốm ra đi. Xóm làng oán giận Thuyền. Họ bảo nếu Thuyền không ngỗ ngược, ham chơi, hư hỏng vì được nuông chiều, mẹ Thuyền đã không chết sớm đến thế. Đành rằng được chồng yêu chiều, nhưng dẫu sao cũng không khỏa lấp được vết thương sâu hoắm trong lòng do đứa con gái khoét vào.
Thuyền muốn giật phăng cái nắp ván thiên trên quan tài của mẹ, để mẹ có thể mở mắt một lần nữa nhìn Thuyền. Rằng Thuyền không hư hỏng. Khốn nạn chính là kẻ đang đeo mặt nạ đạo đức nhân nghĩa kia. Vì mẹ, Thuyền không thể lên tiếng tố cáo hắn nhiều lần cưỡng bức Thuyền, đến nỗi có thai ở tuổi mười lăm, phải bỏ xứ mà đi rồi sinh con trong tủi nhục. Mỗi lần Thuyền chống cự, hắn lại cởi cái mặt nạ đạo đức ra, với nụ cười của quỷ, hắn bảo nếu mẹ Thuyền biết, bà ấy sẽ chết ngay vì đau khổ và nhục nhã.
Ngày bố Thuyền chết, Thuyền còn nhỏ, hắn liên tục đi lại thăm hỏi, chăm sóc mẹ con Thuyền. Mẹ Thuyền bảo không muốn lấy hắn, vì muốn nuôi con gái ăn học. Nhưng trong sâu thẳm, mẹ sợ cái bi kịch như bi kịch đã xảy ra với Thuyền. Chao ôi! Cuối cùng mẹ vẫn không hề hay biết cái giây phút bà quyết định lấy hắn, bà đã kí kết hôn nhân với quỷ.
Mẹ đã mất, Thuyền không còn sợ bà đau đớn vì gửi nhầm trái tim cho quỷ nữa rồi....
Thuyền đi hẳn khỏi làng chài. Nhưng những tin tức về con quỷ ấy vẫn bằng cách nào đó bay đến tai Thuyền. Hơn mười năm qua, sau khi ra tù, hắn đã sống trong nhục nhã. Rồi hắn bệnh nặng. Một lời nhắn nhủ thiết tha cứ lởn vởn trước Thuyền: Hắn muốn được nhận con, muốn được nhìn thấy thằng bé lần nữa trước khi chết.
Thằng bé ư? Ngay cả Thuyền còn không dám làm xáo động cuộc sống đang êm đềm của nó, hắn lấy tư cách gì chứ. Thằng bé, nó chỉ coi Thuyền là một người bạn, người chị mà thôi. Thuyền cũng nào đâu dám nói với nó rằng Thuyền, một phụ nữ hơn nó mười lăm tuổi, chính là người đã sinh ra nó?
Bây giờ Thuyền đã có nhà riêng, có xe đẹp, Thuyền có thể đón nó về bên Thuyền, thậm chí Thuyền có thể nói với nó về bố đẻ của nó. Chính vì điều đó, Thuyền càng lúc càng dấn mình vào sâu trong mớ bòng bong dằn vặt.
Rồi mọi chuyện sẽ ổn. Thuyền chỉ còn biết tự trấn an mình.
Sáng hôm ấy, thành phố chìm trong màu xám bạc của những cơn mưa đầu mùa. Thằng bé lên mạng xã hội, nó đăng một trạng thái ước ao có được những ngày được đắm mình trong làn nước biển thẳm xanh. Nó là một đứa trẻ làng biển, nhưng biển quê nó hầu như quanh năm ngầu đục, hiếm hoi mới có ngày xanh trong.
Thuyền sẽ đưa nó về với biển xanh quê Thuyền. Phải rồi, chẳng còn lý do gì để Thuyền trốn chạy khỏi quê hương nữa, và vì trong buổi sáng bầu trời mưa xám ngoét ấy, cái tin hắn đã chết bay đến tai Thuyền.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/rong-reu-tu-long-bien-i639853/