Rosneft nỗ lực tiếp cận thị trường khí đường ống của Gazprom ở châu Âu
Rosneft một lần nữa đang cố gắng giành quyền truy cập vào đường ống cung cấp khí đốt của Gazprom ở châu Âu. Trong suốt một năm vừa qua, câu chuyện này vẫn chưa đi đến hồi kết với bất cứ tình tiết nào mang tính xây dựng.
Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết xoay quanh đề xuất của Rosneft được tham gia cung cấp khí đốt đường ống cho thị trường châu Âu trong bối cảnh giá khí tại thị trường này cao kỷ lục.
Theo các chuyên gia của 1prime, thời điểm cho cuộc “tấn công mới” của Rosneft đã được tính toán kỹ càng, thời điểm mà thị trường khí đốt châu Âu đang quá nóng và giá khí liên tục lập kỷ lục mới. Chưa biết kết quả cuối cùng như thế nào, thông tin này nhiều khả năng sẽ làm “hạ nhiệt cơn sốt” giá khí tại thị trường EU.
Theo báo Kommersant, Lãnh đạo tập đoàn dầu khí Rosneft Igor Sechin đã có thư đề xuất Tổng thống V. Putin cho phép công ty xuất khẩu 10 tỷ m3 khí đối mỗi năm vào thị trường châu Âu thông qua thỏa thuận cấp đại lý với Gazprom trong bối cảnh giá khí đốt cao kỷ lục ở thị trường này. Ông Sechin cũng đề xuất tăng thuế đối với sản lượng khí đốt này, góp phần đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước 37 tỷ rúp mỗi năm. Đồng thời trong tương lai có thể cân nhắc tăng tiếp nguồn cung khí đốt thiên nhiên xuất khẩu của Rosneft, giúp đảm bảo tăng thu ngân sách thêm 150 tỷ rúp.
Cụ thể, lãnh đạo Rosneft cho rằng, giá khí đốt tại EU đã đạt mức kỷ lục, nhưng nguồn thu ngân sách liên bang từ xuất khẩu khí đốt không phản ứng đầy đủ các điều kiện thuận lợi của thị trường. Do đó, Rosneft đề xuất nộp phần thuế NDPI đối với lượng khí đốt do tập đoàn này xuất khẩu để phù hợp hơn với điều kiện thực tế của thị trường. Với giá khí đốt hiện tại, mức thuế NDPI có thể vào khoảng 5.000 rúp/1.000 m3. Con số này cao hơn 3,5 lần khoản thuế NDPI hiện tại mà Gazprom đóng góp vào ngân sách. Trong năm 2017, Rosneft đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn dầu khí BP về khả năng cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho thị trường châu Âu. Nội dung thư đề xuất cũng kiến nghị, Nga nên tập trung nguồn cung cấp khí đốt bổ sung này cho những nhà nhập khẩu mà không phải là khách hàng của Gazprom.
Ngoài ra, ông Sechin còn cho rằng, nguồn cung cấp bổ sung của Rosneft sẽ góp phần loại bỏ các hạn chế do luật chống độc quyền của EU áp dụng đối với công suất vận tải khí đường ống tại các dự án North Stream 1 và 2 cũng như tại đường ống dẫn khí Opal.
Không cùng lợi ích
Rosneft và các nhà xuất khẩu khí đốt độc lập khác đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để đề xuất chính phủ xóa bỏ độc quyền của Gazprom trong lĩnh vực xuất khẩu khí đường ống. Tuy nhiên cho đến nay, họ vẫn chưa thể xoay chuyển hiện trạng. Theo các chuyên gia của 1prime, thư đề xuất của lãnh đạo Rosneft cũng sẽ không mang lại kết quả gì.
Gazprom và một số cơ quan liên bang luôn phải đối việc cung cấp quyền tiếp cận hệ thống đường ống xuất khẩu khí đốt với các nhà sản xuất độc lập và cho rằng, các công ty cần tập trung tăng nguồn cung cho thị trường nội địa. Đồng thời, giới chuyên gia trong ngành nhận định, vị thế của những người chơi chính trên thị trường không giống nhau. Rosneft và Novatek có quan điểm riêng về khí đốt và điều này không tương thích với lợi ích của Gazprom, tức là lợi ích, vị thế của công ty này lại làm xấu đi vị thế hay giảm lợi ích của nhà sản xuất khác. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng mà các cơ quan chức năng phải tính đến. Đến một thời điểm nào đó, các nhà cung cấp chính buộc phải thỏa hiệp. Tình hình thị trường toàn cầu không khác nhiều so với thời điểm cách đây 3-5 năm. Không có một thước đo trung bình nào để cân bằng lợi ích của từng người chơi trên thị trường.
Sẽ không có người thua cuộc
Ở một khía cạnh khác, không thể đánh giá thấp khả năng vận động hành lang của lãnh đạo tập đoàn Rosneft. Igor Sechin luôn có thể biện minh cho đề xuất của mình là cần phải chuẩn bị nguồn vốn cho các siêu dự án tiếp theo. Một trong số các lập luận đáng chú ý là đóng góp thêm cho ngân sách liên bang. Rosneft sẵn sàng thanh toán khoản thuế NDPI cho sản lượng khí xuất khẩu ở mức cao hơn hẳn so với Gazprom và thanh toán linh hoạt khoản thuế này theo giá khí đốt thị trường ở châu Âu.
Khoản đóng góp bổ sung cho ngân sách này của Rosneft không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của hãng. Giả định rằng, lợi nhuận ròng của dự án khí đốt Rospan theo giá hiện tại sẽ lên tới khoảng 300 USD/1.000 m3 khi Rosneft cung cấp cho thị trường châu Âu thì ngay cả khi nộp thuế NDPI 5.000 rúp/1.000 m3, tỷ suất lợi nhuận của hãng vẫn sẽ cao hơn nhiều so với việc bán khí đốt tại thị trường trong nước.
Cần lưu ý rằng, châu Âu đang nhập khẩu khoảng 200 tỷ m3 khí đốt Nga mỗi năm. Sản lượng 10 tỷ m3/năm thực sự không đáng chú ý để tạo hiệu ứng đáng kể đối với ngân sách và giảm giá khí đốt ở thị trường châu Âu. Tuy nhiên, thị trường khí đốt hiện nay đang quá “nóng”. Dự trữ khí đốt ở các cơ sở lưu trữ ngầm tại châu Âu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Phía bên kia đông bán cầu, nhu cầu LNG ở khu vực châu Á-TBD đã ở mức tối đa và giới thị trường đều lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông sắp tới. Do đó, thông tin về sản lượng bổ sung ra thị trường vào đúng thời điểm khó khăn nhất của thị trường có thể làm giảm sự “hưng phấn” trên các sàn chứng khoán, góp phần kéo giá khí đốt giảm. Giá khí đốt giảm sẽ khiến lợi nhuận của Gazprom giảm và hệ quả là giảm các khoản đóng góp và ngân sách. Xét cho cùng thì nhà nước không mong đợi điều này, và vấn đề sẽ trở thành câu chuyện chuyển tiền từ túi bên trái sang túi bên phải.