Rót cả trăm tỷ đồng cho giám đốc có chiêu lừa tinh quái
Làm ăn bết bát, Trịnh Thị Thảo đã dựng ra màn kịch hoàn hảo đến mức các nạn nhân sẵn sàng 'rót' hàng trăm tỷ đồng đầu tư.
Sau đó, Thảo chỉ “khắc phục” được gần 100 tỷ đồng, số còn lại không còn khả năng thanh toán.
Cao tay lừa đảo
Từng kinh doanh du lịch nhưng do làm ăn thua lỗ, Trịnh Thị Thảo (SN 1983, trú ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) rơi vào cảnh nợ nần. Để có tiền trả nợ cũ và đầu tư vào công việc kinh doanh khác, Thảo đã lên “kịch bản” hết sức công phu khiến 2 nhà đầu tư tin tưởng và đã “rót” cho đối tượng này 113 tỷ đồng.
Thảo không trực tiếp “ra tay” mà lợi dụng chính người em họ của mình là Vũ Thị Tình (SN 1984), cũng là kế toán cho Công ty VA Travel do Thảo làm Giám đốc để thực hiện hành vi phạm tội. Do biết chị Tình có nhiều người bạn giàu có, Thảo nói với Tình thông tin công ty hiện đang kinh doanh tour khách du lịch từ Tây Ban Nha về Việt Nam rất phát đạt.
Mỗi đoàn khách tour đến Việt Nam, Công ty VA Travel được hưởng lợi nhuận từ 17 - 18% tổng số tiền dịch vụ du lịch/đoàn (gồm tiền đặt vé máy bay, chỗ nghỉ, du lịch…). Thảo cũng khoe rằng, bản thân đã mua được nhà, mua xe ô tô và các tài sản giá trị từ việc kinh doanh tour du lịch này. Tuy nhiên, do cần vốn lớn nên Thảo không thể “ôm” hết được. Nếu có thêm nhà đầu tư tham gia cùng sẽ được hưởng lợi nhuận khoảng 3,5%/đoàn.
Thảo nói khách Tây Ban Nha đến Việt Nam sẽ ứng trước số tiền khoảng 30% bằng cách chuyển khoản và thanh toán hết trước khi đến Việt Nam 3 ngày nên không có rủi ro.
Tuy nhiên, do tiền từ Tây Ban Nha về Việt Nam mất 5 ngày, trong khi đó tiền đặt code vé máy bay cho các đoàn khách cần đặt ngay nên cần huy động số tiền lớn. Theo lời Thảo, trung bình mỗi ngày, Công ty VA Travel có khoảng 30 đoàn (30 người/đoàn), số tiền đặt mua vé máy bay mỗi ngày khoảng hơn 500 triệu đồng/đoàn. Thảo tỏ ra tiếc rẻ khi bỏ qua mối làm ăn lớn này.
Để người em họ mình tin tưởng, khoảng tháng 11/2017, Thảo cung cấp danh sách khách tour du lịch và sao kê ngân hàng cho Tình xem. Thấy lượng tiền lớn, ngày nào Thảo cũng vay cả tỷ đồng đầu tư nên chị Tình cũng rất hứng khởi.
Tuy nhiên, chị Tình không có tiền nên đã tìm đến 2 bạn học là chị Vy Thu Hồng (ở Ninh Bình) và anh Mẫn Bá Ngọc (ở Bắc Ninh) mời họ cùng tham gia. Sau khi nghe chị Tình nói về kế hoạch kinh doanh như mơ của Công ty VA Traver, chị Hồng và anh Ngọc - những người rất có tiềm lực về tài chính đã đồng ý đầu tư.
Thực hiện “giao kèo” làm ăn, ngày 25/11 và 26/12/2018, chị Hồng ký 2 hợp đồng kinh doanh với Thảo. Tiếp đó, ngày 1/2/2019, anh Ngọc cũng ký hợp đồng hợp tác với Thảo.
Theo hợp đồng, Thảo sẽ gửi danh sách khách Tây Ban Nha cho anh Ngọc và chị Hồng từ 2 - 3 đoàn khách/ngày để đặt vé máy bay tại Công ty TNHH Du lịch Vĩnh Xuân do Đinh Thị Thu Hiền (SN 1979, ở xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) làm Giám đốc. Chị Hồng, anh Ngọc sẽ gửi danh sách cho Hiền để nhận báo giá. Sau khi đặt vé xong, Hiền sẽ gửi lại mã code vé máy cho chị Hồng và anh Ngọc, tiền lợi nhuận là 3,5% số tiền đặt vé máy bay.
Với thủ đoạn trên, từ ngày 6/12/2018 - 4/1/2019, Thảo gửi danh sách giả mạo các đoàn khách tour du lịch không có thật để chị Tình gửi cho chị Hồng qua email. Chị Hồng gửi email này cho Hiền để đặt code vé máy bay. Hiền chuyển lại code vé, kèm theo số tiền phải thanh toán. Sau đó, chị Hồng và anh Ngọc thanh toán tiền code vé máy bay.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, Thảo phối hợp với Hiền tự tạo danh sách khách du lịch không có thật để hai bị hại chi tiền mua vé. Hiền đặt vé, lấy code đưa cho hai bị hại để lấy lòng tin, nhưng thực tế chưa thanh toán tiền vé với hãng bay. Các vé máy bay Hiền đặt, do chưa thanh toán nên sẽ tự động bị hãng bay hủy.
Hiền và Thảo đã thỏa thuận với nhau, sau khi nhận tiền, Hiền hủy vé, không thanh toán tiền vé mà giữ lại 5% giá trị tiền vé, còn lại chuyển khoản cho Thảo để Thảo kinh doanh bất động sản.
27 năm tù cho 2 nữ giám đốc
Theo kết luận điều tra, mặc dù là “đối tác” làm ăn nhưng sau khi thấy Thảo nhận số khách “ảo” quá lớn, Đinh Thị Thu Hiền lo sợ sự việc sẽ bị bại lộ nên từ tháng 1/2019, Hiền không nhận tiền đặt code vé máy bay cho Thảo nữa. Thế nhưng lúc này, Thảo vẫn tiếp tục gửi danh sách tour và giá tiền vé máy bay cho anh Ngọc và chị Hồng để hai người này tiếp tục thanh toán.
Từ tháng 12/2018 đến ngày 22/3/2019, Thảo đã nhận tổng số tiền hơn 113 tỷ đồng của anh Ngọc và chị Hồng. Sau khi đã đầu tư số tiền rất lớn nhưng chưa thấy “hoa hồng” đâu, 2 nhà đầu tư mới đốc thúc. Lúc này Thảo buộc phải chuyển trả lại 2 người này hơn 95,3 tỷ đồng. Thế nhưng, hơn 16 tỷ đồng Trịnh Thị Thảo đã đầu tư làm ăn và mất hết nên không còn khả năng thanh toán.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ, trong phi vụ này Hiền đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền, cả Hiền và Thảo đều bỏ trốn khỏi nơi cư trú nhưng đã bị bắt theo lệnh truy nã.
Đối với chị Vũ Thị Tình, quá trình xác minh Cơ quan điều tra làm rõ, chị Tình do tin tưởng Thảo, không biết danh sách Thảo cung cấp là giả mạo nên không có căn cứ để xử lý Tình. Việc chị Tình rủ bạn đầu tư cũng là muốn tốt cho bạn, ngoài ra chị này không hề hay biết cũng như nhận được lợi lộc gì từ Thảo.
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Trịnh Thị Thảo và Đinh Thị Thu Hiền ra xét xử. Tại phiên tòa, nữ bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình như bản cáo trạng đã truy tố. Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Thảo đã bị tuyên 19 năm tù và Hiền 8 năm tù cùng tội danh.