Rốt ráo chuẩn bị khởi công Cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung
Việc chuẩn bị tốt nhất điều kiện để khởi công các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam qua miền Trung đã giải phóng xong mặt bằng và thống nhất phương án tuyến đang được các địa phương quyết tâm thực hiện.
Khánh Hòa chuẩn bị vật liệu xây dựng
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, Sở này cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện, thị xã có đoạn tuyến cao tốc đi qua đang khẩn trương rà soát, báo cáo và đề xuất cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ thi công ngay khi đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Khánh Hòa dự kiến trong quý II/2021.
Theo tính toán, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm cần hơn 3 triệu mét khối đất san lấp mặt bằng; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo cần 200.000 m3 đất đắp nền. Bên cạnh đó, Dự án cũng cần một lượng lớn đá dùng cho sản xuất bê tông nhựa nóng thảm mặt đường. Với nhu cầu lớn như vậy, các chủ đầu tư dự án lo lắng về nguồn vật liệu trong quá trình thi công.
Để chủ động nguồn vật liệu, từ tháng 3/2020, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thỏa thuận mỏ vật liệu, bãi đổ đất thừa. Theo ông Nguyễn Văn Dần, nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Khánh Hòa tương đối dồi dào. “UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận tại các khu vực mỏ đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường và mỏ đất dùng san lấp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và phù hợp quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cập nhật các vị trí mỏ khoáng sản trên để triển khai thực hiện theo quy định”, ông Dần cho biết.
Còn đối với những mỏ đất, đá, cát được sử dụng để phục vụ dự án mà chưa có hồ sơ môi trường, chủ các mỏ phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt; các khu vực mỏ đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường và mỏ đất dùng san lấp chưa được cấp phép khai thác, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xử lý, giải quyết.
Theo ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT), đến thời điểm này, Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; chỉ còn một số công việc liên quan đến di dời hạ tầng kỹ thuật đang được rốt ráo thực hiện.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tạo nguồn vật liệu, ổn định giá vật liệu trong quá trình triển khai, tránh trường hợp nguồn vật liệu khan hiếm, bị đẩy giá lên cao.
Bình Định, Quảng Ngãi đã thống nhất phương án tuyến
Trong khi đoạn cao tốc Bắc - Nam qua Khánh Hòa chuẩn bị được khởi công, thì Quảng Ngãi và Bình Định đã thực hiện xong phương án tuyến.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, địa phương đã quy hoạch xong hướng tuyến và được Bộ GTVT thống nhất, gồm điểm đầu tại km130+800 đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) và điểm cuối giao cắt Tỉnh lộ 629, thuộc thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định).
Về phía tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Dự án tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định được Bộ GTVT thống nhất chia làm 3 dự án thành phần, gồm: Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Dự án Quy Nhơn - Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
“Có 2 phương án hướng đã được đưa ra báo cáo lãnh đạo tỉnh và Bộ GTVT. Trong đó, phương án 1 xây dựng tuyến hướng phía Đông (cách Quốc lộ 1 khoảng 3-4 km) dài 110 km và phương án 2 xây dựng tuyến hướng phía Tây (cách Quốc lộ 1 khoảng 12-35 km) dài 113 km”, ông Hoàng nói.
Qua phân tích, hai phương án đầu tư đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án 1, khoảng cách giữa đường cao tốc đến các khu kinh tế, cụm công nghiệp và trung tâm TP. Quy Nhơn sẽ gần hơn, thuận lợi kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển các ngành nghề trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
“Phương án 1 phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Bình Định đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, Bình Định lựa chọn phương án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam ngang qua địa bàn theo hướng tuyến phía Đông", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, việc Quảng Ngãi đã thống nhất được huyến tuyến là tiền đề quan trọng để Dự án tiếp tục các bước triển khai. Riêng về Bình Định, Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn cùng Bộ GTVT khảo sát toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, đồng thời cung cấp thêm các dữ liệu liên quan đến phương án mà tỉnh lựa chọn.