Rốt ráo gỡ thẻ vàng IUU
Dự kiến Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sẽ đến Việt Nam kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào tháng 9, 10 thay vì tháng 5.2024. Khoảng thời gian này là cơ hội để nước ta tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp gỡ thẻ vàng.
4 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch chống khai thác IUU ngày 21.5, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã thay đổi lịch đến Việt Nam để kiểm tra công tác chống khai thác IUU. Theo đó, EC dời lịch sang Việt Nam vào khoảng tháng 9, 10 năm nay, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm. Trong thời gian EC chưa sang kiểm tra, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện triệt để, quyết liệt các giải pháp để có thể tháo gỡ thẻ vàng.
Thời gian qua, với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác chống khai thác IUU và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Bộ cũng đã ban hành Nghị quyết xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 32 và Nghị quyết số 52.
Theo đó, từ nay đến tháng 9 - 10.2024, Bộ sẽ tham mưu Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì một cuộc họp và đi kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương vào tháng 6. Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của Bộ cũng lên kế hoạch kiểm tra thực tế hàng tháng ở các địa phương.
Thời gian tới, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho rằng, cần tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là bằng mọi giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài; nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, triệt để. Cùng với đó, có các biện pháp quản lý, kiểm soát tàu cá, khai thác trên biển phải hợp pháp và đáp ứng đủ các điều kiện. Về truy xuất nguồn gốc, cần tăng cường kiểm soát, xác nhận tại cảng cũng như chứng nhận tại các Chi cục Thủy sản. Doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng của toàn bộ hàng thủy sản xuất sang EU và các thị trường khác.
Về xử lý vi phạm hành chính, ông Hùng cho biết, mặc dù các địa phương rất tích cực nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ xử phạt, số vụ xử phạt trong tổng số vụ vi phạm còn thấp. Do đó, các tỉnh cần tăng cường điều tra, xác minh củng cố hồ sơ và xử phạt thật nghiêm hành vi vi phạm quy định về hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), khai thác ở vùng biển nước ngoài.
“Những nội dung này cần được tập trung giải quyết dứt điểm và cố gắng đạt kết quả tối đa thì cánh cửa tiến tới gỡ thẻ vàng IUU sẽ ngày càng gần hơn”, ông Hùng cho biết.
Tập trung xử lý vi phạm về hệ thống giám sát hành trình
Liên quan đến việc xử lý vi phạm quy định về VMS, ngày 15.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Công điện yêu cầu các bộ, địa phương liên quan đặc biệt tập trung cao độ trong công tác phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý nghiêm minh, triệt để các vi phạm quy định về VMS, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC tại đợt thanh tra tới đây.
“Nếu không xử phạt nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS, tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khả năng gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024 là rất thấp, thậm chí bị nâng lên thành cảnh báo "thẻ đỏ" trong đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới của EC”, Công điện nêu rõ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp rà soát lại toàn bộ hệ thống VMS; tiếp tục bổ sung các tính năng quản lý tàu cá nhằm phát hiện ngay, kịp thời các trường hợp tự ý ngắt kết nối, tháo gửi thiết bị VMS sang các tàu khác, hoàn thành trong quý III.2024. Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng để các tàu cá vi phạm các quy định về VMS được phát hiện nhanh nhất cũng như điều tra, xác minh thông tin, củng cố hồ sơ để xử phạt theo quy định. Kiểm tra chất lượng thiết bị, tình trạng lắp đặt và việc cung cấp dịch vụ hệ thống thiết bị VMS để xử lý nghiêm minh chủ tàu cá, thuyền trưởng, nhà cung cấp dịch vụ vi phạm. Truyền thông sâu rộng đến cộng đồng ngư dân các trường hợp chủ tàu, ngư dân bị xử phạt nhằm răn đe, nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng bám sát, liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với các cộng đồng ngư dân có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, trên các vùng biển giáp ranh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lắp đặt, tình trạng thiết bị VMS trên các tàu cá khi xuất, nhập bến, đang hoạt động trên biển. Bộ Công an kịp thời phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý triệt để, nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS...
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường kiểm tra tình trạng lắp đặt và duy trì kết nối hệ thống VMS của 100% tàu cá khi ra vào cảng và đang hoạt động trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm quy định về VMS; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/rot-rao-go-the-vang-iuu-i372475/