Rốt ráo khởi động thu phí cao tốc Bắc - Nam
Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ phải hoàn thiện chậm nhất là tháng 12/2021.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: A.M
Cân nhắc bán quyền thu phí
Có 2 nhóm vấn đề được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) “đặt hàng” Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải tập trung làm rõ trong quá trình hoàn thiện Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Tại Công văn số 2251/BGTVT-TC vừa được gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ phải chủ động nghiên cứu Tờ trình số 199/TTr-BTC ngày 29/10/2020 của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để xây dựng Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Yêu cầu đầu tiên được Bộ GTVT đặt ra cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi xây dựng Đề án là phải làm rõ các ưu, nhược điểm của từng phương án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ, trên cơ sở đó đề xuất phương án quản lý, khai thác cụ thể cho từng tuyến cao tốc.
Theo Nghị định số 33/2019/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có 3 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm: cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Yêu cầu thứ hai mà Bộ GTVT đưa ra là trên cơ sở phương thức quản lý, khai thác đề xuất trong Đề án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải xác định rõ các nhiệm vụ, công việc cần tổ chức thực hiện để triển khai Đề án.
“Đề án cần phân tích, đánh giá các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, có đề xuất giải pháp cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hướng dẫn để đảm bảo việc tổ chức thực hiện Đề án khả thi, đúng quy định pháp luật, đặc biệt là mức thu phí; quy định về tổ chức đấu giá, đấu thầu trong trường hợp thực hiện chuyển nhượng quyền thu phí…”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Theo kế hoạch, các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn dự kiến hoàn thành vào năm 2021; 9 phân đoạn còn lại, trong đó có 6 tuyến cao tốc sử dụng vốn đầu tư công dự kiến hoàn thành lần lượt trong các năm 2022-2023.
Chính vì vậy, để có thể sớm triển khai việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sau khi được Quốc hội (hoặc UBTVQH), Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm hoàn thiện Đề án và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/4/2021.
Ưu tiên phương án giá
Trước đó, tại Tờ trình số 199, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Với phương án 1, Chính phủ sẽ đề nghị UBTVQH quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá. Cụ thể, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo hướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với đường do địa phương quản lý.
Với phương án 2, Chính phủ sẽ kiến nghị UBTVQH quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí. Với phương án này, Chính phủ sẽ kiến nghị UBTVQH sửa đổi, bổ sung tiết 1.1, điểm 1, Mục V, Phần A, Danh mục phí, lệ phí tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí (gồm phí sử dụng đường bộ). Nếu phương án này được thông qua, Bộ Tài chính quy định mức phí và phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Tại Tờ trình số 199, Bộ Tài chính nghiêng hẳn về phương án 1.
Theo Bộ Tài chính, việc thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) sẽ đồng bộ về mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh..., qua đó giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ.
Được biết, trường hợp UBTVQH thống nhất phương án thu phí hoặc giá dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, thì Chính phủ sẽ tiến hành điều chỉnh dự thảo Luật Giao thông đường bộ dự kiến trình Quốc hội trong năm 2021 cho phù hợp.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI), trong tương lai, khi tuyến cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí, thì số thu được sẽ rất lớn, có thể lên tới cả chục ngàn tỷ đồng.
“Đây là khoản tiền lớn để bảo trì các tuyến cao tốc hiện có tốt hơn, cũng như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cao tốc mới và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường mua bán quyền thu phí đường bộ vốn rất phát triển tại nhiều quốc gia trong khu vực”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI đánh giá.
Các tuyến cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dài 15 km (đang thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, dài 63,4 km (đang thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, dài 98 km (đang thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Túy Loan, dài 60 km (sắp hoàn thành);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 100,8 km (đang thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, dài 99 (đang thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn cầu Mỹ Thuận 2 (đang thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ (sắp triển khai thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, dài 40 km (sắp thi công);
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, dài 56 km (sắp thi công).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rot-rao-khoi-dong-thu-phi-cao-toc-bac---nam-d139820.html