Rốt ráo xử lý nợ thuế không có khả năng thu

Cán bộ thuế hướng dẫn người dân về chính sách, thủ tục xử lý nợ theo quy định. Ảnh: VIỆT AN

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC hướng dẫn về hồ sơ và trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế còn nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14. Tại Phú Yên, Cục Thuế tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực giúp việc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc này.

Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề nói trên, ông Nguyễn Ngọc Duy, Phó Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên cho biết:

- Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 94/2019/QH14, Cục Thuế Phú Yên đã thành lập Ban chỉ đạo Xử lý nợ và tổ thường trực giúp việc cho ban chỉ đạo. Sau đó, ban chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên cũng như tổ giúp việc thường trực; đồng thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban ngành phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cơ quan thuế trong việc triển khai Nghị quyết 94. Mới đây, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020, Cục Thuế Phú Yên đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát hồ sơ, thủ tục để thực hiện việc khoanh nợ, xóa nợ theo trình tự, thủ tục quy định tại thông tư này.

Ông Nguyễn Ngọc Duy

Ông Nguyễn Ngọc Duy

* Đối tượng nào thuộc diện được khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94, thưa ông?

- Theo Điều 4 Nghị quyết 94 của Quốc hội, có 7 đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020 không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Cụ thể là người nộp thuế là người đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Người nộp thuế làm thủ tục giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Ngoài ra, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán cũng thuộc đối tượng được xử lý nợ.

* Xin ông cho biết trình tự, thủ tục khoanh nợ, xóa nợ?

- Điều 5 Nghị quyết 94 quy định biện pháp xử lý nợ đối với từng đối tượng cụ thể. Theo đó, đối với 5 nhóm đối tượng đầu tiên, hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp do cơ quan thuế lập, thẩm định, ban hành quyết định khoanh nợ đối với nhóm đối tượng thuộc diện khoanh nợ đồng thời trình các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa nợ đối với nhóm đối tượng thuộc diện xóa nợ. Thông tin về kết quả xử lý nợ được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thuế, trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh và được đăng tải trên Trang thông tin điện tử Cục Thuế Phú Yên.

Riêng đối tượng người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa được ngân sách nhà nước thanh toán, nếu muốn được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020 thì phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế. Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ, thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế sẽ thông báo cho người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ, nhưng hồ sơ lập chưa đúng, hoặc chưa đầy đủ thì trong thời gian 10 ngày làm việc, cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ theo mẫu. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ và hồ sơ đầy đủ theo quy định, thì trong thời gian 15 ngày làm việc, cơ quan thuế lập văn bản đề nghị, trình UBND tỉnh, Tổng cục Thuế ban hành quyết định xóa nợ theo thẩm quyền.

Ban chỉ đạo Xử lý nợ Chi cục Thuế TP Tuy Hòa họp phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ngay khi có hướng dẫn về hồ sơ và trình tự, thủ tục khoanh, xóa nợ của Bộ Tài chính. Ảnh: VIỆT AN

Ban chỉ đạo Xử lý nợ Chi cục Thuế TP Tuy Hòa họp phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ngay khi có hướng dẫn về hồ sơ và trình tự, thủ tục khoanh, xóa nợ của Bộ Tài chính. Ảnh: VIỆT AN

Số nợ thuế trước ngày 1/7/2020 do Cục Thuế Phú Yên quản lý dự kiến được khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94 là 128 tỉ đồng của 1.169 doanh nghiệp và 10.129 hộ kinh doanh. Trong đó, số nợ dự kiến được khoanh là 85 tỉ đồng; số tiền chậm nộp dự kiến được xóa là 43 tỉ đồng.

* Cục Thuế Phú Yên sẽ làm gì để hoàn thành công tác khoanh nợ, xóa nợ nói trên, thưa ông?

- Nghị quyết 94 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và có thời hạn triển khai trong 3 năm. Tuy nhiên, để sớm hoàn tất việc khoanh nợ, xóa nợ theo nghị quyết này, cơ quan thuế các cấp sẽ phổ biến, quán triệt đối tượng, hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý nợ cho cán bộ công chức trong đơn vị thực hiện; và tăng cường tuyên truyền cho người nộp thuế thuộc đối tượng được khoanh, xóa nợ phối hợp hoàn tất hồ sơ. Cục Thuế Phú Yên cũng sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp cơ quan thuế xác nhận người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh; đồng thời phối hợp để kiểm tra, xác minh thông tin, tài sản của người nộp thuế cũng như chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ về đối tượng nợ thuế trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.

Việc thực hiện khoanh, xóa nợ theo Nghị quyết 94 sẽ giúp ngành Thuế xử lý rốt ráo số nợ không có khả năng thu, tồn đọng trong thời gian dài; từ đó tập trung nguồn lực để quản lý, đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu. Do đó, ngành Thuế Phú Yên phấn đấu đến 31/12/2020 sẽ hoàn thành công tác xử lý nợ này.

* Xin cảm ơn ông!

VIỆT AN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/243420/rot-rao-xu-ly-no-thue-khong-co-kha-nang-thu.html