Rót vốn 'khủng', Tập đoàn TH trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất vào Đắk Nông
Với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD Tập đoàn TH hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào tỉnh Đắk Nông. Các dự án triển khai trên nhiều lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo.
Mới đây, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư, tỉnh Đắk Nông đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và Bản ghi nhớ đầu tư cho 8 dự án đầu tư trong các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế và bất động sản. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án Tổ hợp khách sạn - Thương mại Cao Nguyên của Công ty Cổ phần Cà phê ARABICA Việt Nam (thuộc Tập đoàn TH) với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng. Dự án Khu dân cư tổ 5, phường Nghĩa Trung của Công ty Cổ phần Bất động sản Gia Nghĩa với tổng mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Gia Nghĩa của Công ty Cổ phần Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng. Dự án Nhà máy chế biến khoai lang cắt lát đông lạnh của Công ty SEJIN F&S INC tại Khu công nghiệp Tâm Thắng với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng trao 4 Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký 8,4 tỷ USD. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH hợp tác đầu tư thuộc các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến 3,6 tỷ USD, với số vốn đầu tư "khủng" này, TH cũng trở doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất vào Đắk Nông.
Là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK, cũng không quá lạ khi TH muốn xây dựng một thủ phủ chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Nông.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập – Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho biết, Tập đoàn TH đã có khảo sát và đánh giá điều kiện của Đắk Nông và nhận thấy địa phương rất phù hợp chăn nuôi đại công nghiệp. Vì vậy, TH dự kiến xây dựng một thủ phủ chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Nông.
"Người nông dân địa phương sẽ thành một mắt xích trong chuỗi giá trị chăn nuôi chế biến sữa. Mô hình này giúp phát triển sinh kế cho bà con, xóa đói giảm nghèo bền vững, đồng thời người dân còn góp phần vào công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt. Không chỉ kỳ vọng đưa Đắk Nông thành "thủ phủ" bò sữa chăn nuôi tập trung lớn thứ 2 của tập đoàn, sau Nghệ An" - Anh hùng lao động Thái Hương nói.
Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cũng cho biết, từ kinh nghiệm và thực tiễn đã triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tổng vốn 1,2 tỷ USD của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An thì để có một dự án thành công, mang tầm ảnh hưởng kinh tế vùng, kinh tế địa phương cần phải có 3 nhóm yếu tố.
Thứ nhất là năng lực tài chính, năng lực quản trị của nhà đầu tư. Thứ hai là lợi thế về đất đai thổ nhưỡng. Thứ ba là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, Đắk Nông sở hữu 3 lĩnh vực rất tiềm năng. Thứ nhất là công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến khoáng sản và chế biến nông lâm sản, nông nghiệp đi theo hướng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Thứ hai là du lịch nghỉ dưỡng, dưỡng lão. Thứ ba là ngành nông nghiệp.
"Đắk Nông hội tụ đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ" - bà Thái Hương nhấn mạnh.
Các dự án cần triển khai với nguyên tắc lấy Mẹ Thiên nhiên làm nền tảng, con người là trọng tâm và theo hướng phát triển bền vững: cân đối môi sinh môi trường để hài hòa lợi ích, muôn loài được hạnh phúc. Để khai thác hiệu quả triệt để các tiềm năng này, cần cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng để các dự án phát triển theo hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng thủ phủ chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tại Đắk Nông, TH cũng đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực mới là khai khoáng.
Anh hùng Lao động Thái Hương cho biết, bà đã tới khảo sát về khai khoáng bô xít ở Tây Nguyên từ những năm 2010.
Theo đánh giá của bà, Đắk Nông có lợi thế khoáng sản bô xít để sản xuất alumina và nhôm. Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về trữ lượng quặng bô xít , trong đó tập trung nhiều tại Tây Nguyên. Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng lớn nhất nước với 1,7 tỷ tấn, chiếm 30% trữ lượng Việt Nam. Mỏ Đắk Nông có chất lượng tốt, hàm lượng quặng cao, vỉa dày.
Không những vậy, sản xuất nhôm cần rất nhiều điện năng, và Đắk Nông cũng có tiềm năng về năng lượng tái tạo: vận tốc gió trung bình trên 6m/s ở độ cao 100m đủ để phát triển điện gió quy mô công nghiệp; tỉnh có tổng số giờ nắng cao đạt 2000-2600 giờ/năm, với bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2, chiếm 2000-5000 giờ/năm để phát triển điện mặt trời, đủ để tạo nguồn năng lượng sạch cho sản xuất nhôm, đảm bảo tự cung tự cấp cho vòng khai thác chế biến tuần hoàn.
Đối với các dự án khoáng sản, bà Thái Hương nhấn mạnh khuyến nghị với tỉnh Đắk Nông cần sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến nhất của các nước trên thế giới. Vì đã là khai khoáng, thì phải đi theo kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững, muốn vậy phải sử dụng các công nghệ hiện đại nhất để tận thu và phải được quy hoạch ngay từ khi lập đề án khai khoáng. Bà sẽ tư vấn doanh nghiệp đầu tư đi theo hướng đó. Nữ doanh nhân bày tỏ: “Vùng mỏ bô xít này sau khi đào lên, khai thác khoáng sản rồi thì sẽ làm gì: để phát triển trồng trọt, hay du lịch, phát triển đô thị… để đảm bảo phù hợp, không phá vỡ quy hoạch phát triển của tỉnh”.
Bà Thái Hương trăn trở, dù là dự án trồng trọt nông nghiệp hay chế biến khoáng sản cũng áp dụng công nghệ đầu cuối tiên tiến nhất và chế biến sâu tạo ra sản phẩm với chất lượng cao và chi phí giá thành hợp lý nhất, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, mang lại giá trị sống đích thực cho người dân, phát huy nội lực đất nước.
Ngoài ra, thời gian tới, TH cũng muốn thực hiện 02 dự án trên địa bàn huyện Đắk Song. Cụ thể là Dự án Nông nghiệp trồng cây ăn quả, hương liệu và gia vị đa tầng có diện tích 1.000ha tại thôn E29 xã Đắk Mol và Dự án Tổ hợp Alumin - Nhôm Đắk Nông trên diện tích 3.244,7 ha, thuộc địa bàn 02 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân.
Trong tổng số 1000ha dự kiến thực hiện dự án nông nghiệp tại xã Đắk Môl, có khoảng 600ha đã được giao về địa phương quản lý, còn 400ha đất thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa quản lý.
Trong đó, có khoảng 562ha đất nằm trong khu vực dự kiến thăm dò mới mỏ bô xít Đắk Song 2, Đắk Song 3 để bổ sung trữ lượng cho các mỏ bô xít Đắk Song giai đoạn 2021-2030.
Hiện trạng vị trí đất được Tập đoàn TH đề xuất thực hiện dự án nông nghiệp đã được người dân sử dụng trồng cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng…
Đối với dự án Tổ hợp Alumin – Nhôm Đắk Nông, phần lớn diện tích đất được quy hoạch đất ở, đất nông nghiệp và đất giao thông... Do đó, trong quá trình triển khai dự án sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ tài sản trên đất cho người dân.