'Rủa bệnh nhân ung thư trên mạng là độc ác'
Nội dung đăng tải trên Facebook Phan Đại Dương gần đây khiến nhiều người phẫn nộ vì xúc phạm người đã mất và những bệnh nhân ung thư.
"Chào mừng chiến binh ung thư Đặng Trần Thủy Tiên về với đội của Tây y quỷ. Trần Lập chờ em" hay "Chào mừng chiến binh ung thư Đỗ Hạnh An (con của quỷ Đỗ Đức Thành) về với đội Tây y quỷ. Trần Lập đã đón được em...".
Đó là nội dung 2 bài viết của tài khoản Facebook Phan Đại Dương đăng ngày 3/11 và 4/11. Bên cạnh đó, một số bài đăng của các tài khoản Facebook khác cũng có nội dung tương tự.
Những tài khoản này kinh doanh thực phẩm thực dưỡng trên mạng. Họ cho rằng tuân thủ theo chế độ thực dưỡng có thể điều trị bệnh ung thư, kéo dài sự sống cho bệnh nhân, không cần điều trị bằng Tây y.
Thời gian gần đây, nhiều cuộc tranh cãi giữa "phe" Tây y và thực dưỡng. Tuy nhiên, những nội dung được đăng tải trên Facebook Phan Đại Dương khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc. Tài khoản này có những bình luận xúc phạm bệnh nhân ung thư khi họ không chọn thực dưỡng mà điều trị bằng Tây y.
Khi nhiều người đồng cảm, chia sẻ với đạo diễn Đỗ Đức Thành vì con gái vừa ra đi bởi căn bệnh quái ác, hay cảm phục trước nghị lực nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên vẫn lạc quan và tự tin tham gia cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương, thì những bài viết này lại đả kích vào nỗi đau của gia đình người đã mất, thể hiện sự vô tâm với bệnh nhân ung thư.
Bác sĩ Ngô Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người thường xuyên "tuyên chiến" với phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng, bày tỏ cảm xúc qua bài viết trên trang cá nhân: "Thực dưỡng, ăn chay mà ác độc đến thế ư?".
"Đến giờ, tôi vẫn chưa thể tưởng tượng được có những kẻ ác độc đến vậy. Cô gái trẻ mắc ung thư sớm, đầy lạc quan bước vào con đường chiến đấu. Tôi đang tự hỏi vì điều gì khiến họ ác tâm, thất đức đến thế. Vì thực dưỡng? Vì bán mấy cân gạo lứt, chai dầu gấc mà mất hết nhân tính? Tôi luôn mong bình an và hạnh phúc đến với em", bác sĩ Ngô Hùng chia sẻ.
Trần Thị Hương Lan (22 tuổi, Quảng Bình), từng nổi tiếng trên mạng xã hội qua câu chuyện "Ai dám yêu cô gái ung thư như mình không?", bức xúc khi vô tình đọc được bài viết "rủa" bệnh nhân ung thư.
Cô cho biết mình cũng bị tài khoản Facebook trên liên tục "tấn công" bằng cách bình luận vào những bài viết trên trang cá nhân.
"Đây là hành động vô đạo đức và quá tàn nhẫn. Bệnh nhân ung thư rất cần những lời động viên, khích lệ từ mọi người để thêm lạc quan, chiến đấu với bệnh tật. Những bệnh nhân mang căn bệnh quái ác như tôi cảm thấy bị tổn thương khi đang cố gắng từng ngày, giờ để điều trị", Hương Lan nói.
Theo cô, lựa chọn phương pháp điều trị nào là quyết định của bệnh nhân và họ cần được tôn trọng về điều đó.
Đồng quan điểm, tài khoản Facebook Nguyễn Văn Hà bình luận: "Bác sĩ luôn phải tôn trọng quyết định của người bệnh. Vậy mà ở đây, khi bệnh nhân không chọn thực dưỡng, những người này liền chửi rủa họ. Hành động này không thể chấp nhận được".
Thực dưỡng (macrobiotis) bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật, còn có tên khác là phương pháp Oshawa. Đó là phương pháp dùng ngũ cốc hạt toàn phần (chỉ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài) và ít nhất bảy loại rau có màu sắc khác nhau.
Nhiều người theo phương pháp này cho rằng chỉ cần ăn thực dưỡng có thể phòng và khỏi bệnh ung thư, không cần điều trị Tây y. Vấn đề này hiện gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Các chuyên gia khẳng định chưa có công trình khoa học nào trên thế giới chứng minh được phương pháp này có khả năng điều trị bệnh ung thư.
(Theo Zing)