Rửa tay thường xuyên với xà phòng - thói quen nhỏ, lợi ích lớn
Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tưởng chừng chỉ là thói quen đơn giản, thế nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần giúp mẹ và bé phòng tránh được nhiều nguồn nhiễm bệnh một cách hiệu quả.
Hiện nay, tuy tình hình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, thế nhưng các mẹ vẫn không nên lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch cho cả gia đình theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, trong đó có việc dạy trẻ rửa tay thường xuyên và đúng cách. Bởi trẻ em vốn dĩ có bản tính hiếu động, tò mò, hay sờ chạm và thích khám phá thế giới xung quanh, cộng thêm thói quen hay đưa tay, đồ vật lên miệng, từ đó vô tình tạo ra chiếc “cầu nối” đưa các vi rút và vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch.
Bên cạnh việc giúp trẻ làm quen với việc rửa tay, mẹ cũng nên là người làm gương và xây dựng thói quen rửa tay cho chính mình. Vì trên thực tế cho thấy, không chỉ trẻ em, mà chính bản thân các mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng không có thói quen rửa tay một cách thường xuyên. Cụ thể, theo một thống kê tại nước ta của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy, có tới 74% bà mẹ có con dưới 5 tuổi không rửa tay bằng xà phòng trước khi cho con ăn hoặc cho trẻ bú, và chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh.
Thực trạng trên xảy ra có thể do nhiều mẹ nghĩ rằng, trên tay mình không có vết bẩn là đồng nghĩa với việc tay sạch. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, bởi các vi rút, vi khuẩn gây bệnh vốn có kích thước rất nhỏ và không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Nếu không rửa tay thường xuyên để loại bỏ chúng, nguồn nhiễm bệnh này sẽ mãi tồn tại trên tay mẹ và có cơ hội tiếp xúc với trẻ khi mẹ chăm sóc trẻ.
Rửa tay thường xuyên - cách hiệu quả giúp mẹ và bé được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh
Bác sĩ Vũ Ngọc Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Thói quen rửa tay thường xuyên sẽ giúp giảm 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy - nguyên nhân gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới(1; giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em”.
Chính vì những lợi ích tuyệt vời trên, mẹ cần xây dựng cho chính mình và trẻ thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách, từ đó giúp phòng ngừa bệnh tật cho bản thân mẹ, bản thân bé và cả những người xung quanh. Và để giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc rửa tay, mẹ có thể thử những mẹo nhỏ sau:
- Giải thích cho trẻ hiểu về tầm quan trọng của việc rửa tay qua những câu chuyện “giả tưởng” về những con vi khuẩn độc ác thích xâm nhập vào cơ thể khi tay bẩn, khiến trẻ bị bệnh và không thể làm được những việc trẻ yêu thích.
- Đề ra những phần thưởng nho nhỏ khi trẻ có ý thức tự giác rửa tay cũng là một cách khuyến khích để trẻ năng rửa tay hơn.
- Cùng bé ngân nga những bài hát vui tươi trong lúc thực hiện 6 bước rửa tay để làm tăng sự hào hứng của bé, đồng thời giúp trẻ ghi nhớ kỹ hơn các động tác rửa tay.
Bài hát “Rửa sạch đôi tay, đánh bay vi khuẩn” với giai điệu vui tươi và phần lời đầy ý nghĩa sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để mẹ và bé cùng ngân nga trong lúc rửa tay
Bên cạnh những mẹo nhỏ để giúp khoảnh khắc rửa tay cùng bé trở nên thú vị hơn, việc lựa chọn sản phẩm nước rửa tay chất lượng cũng là một điểm mẹ cần lưu ý. Theo bác sĩ Vũ Ngọc Trung, sản phẩm nước rửa tay đạt chuẩn phải hội tụ đủ các tiêu chí sau:
- Có khả năng diệt khuẩn99,9%.
- Không chứa paraben.
- Có độ pH cân bằng, nhẹ dịu cho da tay mỏng manh của trẻ.
- Hương thơm tự nhiên và dễ chịu.
Thói quenrửa tay thường xuyênluôn được khuyến cáo là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để có được một đôi tay sạch, “đánh bay” vi khuẩn và bảo vệ sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình.