'Rục rịch' xuất khẩu thanh long theo chỉ dẫn địa lý
Mới đây, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản (sau vải thiều Lục Ngạn). Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như 'giấy thông hành' để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Nhiều hợp tác xã, trang trại thanh long trong tỉnh phấn khởi khi đón nhận thông tin này.
New Page 1
Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến đóng trên địa bàn xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận là thuận lợi cơ bản cho các HTX, trang trại, nhà vườn sản xuất thanh long đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trong khâu tiêu thụ. HTX Thuận Tiến đang xúc tiến kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp chế biến ngoài tỉnh nhằm xuất một số lô hàng thanh long đầu tiên đi Nhật vào tháng 12 tới”. Hiện 11 thành viên HTX này đang sản xuất 30 ha thanh long sạch; đồng thời liên kết với 180 thành viên khác trong vùng trồng 200 ha, tất cả diện tích đều trồng theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) và thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP). Vào vụ thu hoạch thanh long trái vụ cuối năm nay, HTX sẽ chọn lựa kỹ càng những trái đạt tiêu chuẩn mới giao cho công ty ngoài tỉnh xuất khẩu đi Nhật được. “Bởi trong thời gian cuối năm, Hàm Thuận Bắc đang gặp mưa bão nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái, hàng tốt xuất khẩu sẽ không có nhiều”, ông Trung không khỏi lo ngại.
Trong khi đó, ở “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam, nơi có nhiều nhà vườn, trang trại, hộ gia đình trồng khoảng 15.000 ha thanh long. Sản lượng hàng năm đạt trên 320.000 tấn. Trong đó có hơn 6.600 ha thanh long được công nhận đạt chuẩn VietGAP với hơn 200 tổ, nhóm, trang trại tham gia; cùng 500 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung chủ yếu tại các trang trại có diện tích lớn. Khá nhiều trang trại ở đây đang đầu tư chăm sóc lứa thanh long sạch chong đèn để kịp thu hoạch cuối năm, bán được giá cho doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh xuất khẩu đi Nhật… Hướng tới, các HTX, trang trại thanh long ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đang trông chờ một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến lớn trong tỉnh đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại xuất khẩu trực tiếp, để tổ chức, cá nhân trồng thanh long liên kết thuận tiện bán sản phẩm vào mỗi đợt thu hoạch, sẽ đem lại hiệu quả hơn cho người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong khuôn khổ liên quan, một lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ cho hay, hiện sở đang xúc tiến phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận sẽ tổ chức tập huấn tuyên truyền đến các doanh nghiệp, HTX, trang trại thanh long về cách sử dụng chỉ dẫn địa lý, các quy định của Nhật Bản, quy chế, quy trình sản xuất thanh long được công bố. Qua đó các đơn vị nắm bắt để thực hiện trong cách trồng, xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản và các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…). Sở Khoa học & Công nghệ cũng cho rằng, thanh long Bình Thuận xuất khẩu qua Nhật có gắn chỉ dẫn địa lý nên đề nghị các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh khi xuất khẩu qua Nhật cần gắn chỉ dẫn địa lý trên trái và thùng…
T. Khoa