Rực rỡ Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh
Tối 5/2 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ hội Tết Nguyên tiêu chính thức diễn ra. Đây là sự kiện văn hóa được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Trung tâm Văn hóa quận 5.
Đến dự và đánh trống khai Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm Quý Mão 2023, có Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cùng lãnh đạo các Sở; Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ quận 5.
Từ 16 giờ 30 phút chiều ngày 5/2, gần 1.000 người của hơn 20 Hội - Đoàn người Hoa với trang phục rực rỡ, bắt đầu từ đường Hải Thượng Lãn Ông diễu hành qua nhiều tuyến đường rồi đổ về đường Nguyễn Trãi và cuối cùng tập trung tại Trung tâm Văn hóa quận 5.
Lễ hội Tết Nguyên tiêu được tổ chức từ năm 1990 tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh) nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, với quy mô rất lớn. Từ năm 2000, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được đưa vào danh mục các lễ hội của TP Hồ Chí Minh.
Đến cuối năm 2019, Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 được Bộ Văn hóa - Thể và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Vào tháng 1/2020, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TP Hồ Chí Minh” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Hứa Văn Thông (Sinh năm 1970, ngụ nhà số 93/1 Bình Tây, phường 1, quận 6), cho biết Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm Quý Mão 2023, diễn ra từ ngày 2/2 đến tối 5/2, nhưng Lễ chính diễn ra trong ngày 5/2 (ngày Rằm tháng Giêng), đây là một trong những lễ Tết truyền thống của cộng đồng người Hoa khắp nơi nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Hàng năm, các thành viên trong đoàn diễu hành của Hội La Cổ Sư Trúc Hiên đều tham gia diễu hành qua các đường phố tại quận 5. Để được tham gia diễu hành trong Lễ hội Tết Nguyên tiêu, phải là thành viên của Hội và được mời từ trước.
Còn theo nhiều người Hoa lớn tuổi, “Nguyên tiêu” có nghĩa là đêm vọng đầu tiên của năm mới. Dịp này người Hoa hay đi chùa, miếu nhằm cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh, phát tài phát lộc. Tết Nguyên tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán (nơi thờ tự của cộng đồng) tập trung nhiều ở các quận 5, 6 và 11. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn, Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa…
Lễ hội chính được tổ chức vào đêm Rằm tháng Giêng với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc, như: Tổ chức các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền (tại các Hội quán người Hoa), múa Lân - Sư - Rồng, trình diễn âm nhạc (Đại la cổ Triều Châu; Nhạc lễ Phúc Kiến).
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, tại các đền, miếu, chùa của người Hoa và trên nhiều tuyến đường ở các quận 5, 6 và 11, được trang hoàng lộng lẫy, đèn lồng đỏ treo thành nhiều dãy dài, màu sắc rực rỡ và rất đông người, nhất là trước chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông, các Hội quán…
Đoàn diễu hành trong Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm Quý Mão 2023.
Riêng việc cúng lễ cũng được người Hoa tổ chức tại gia đình. Vật phẩm cúng tế được chuẩn bị, gồm: Nhang, đèn, heo quay, mâm xôi, bánh (bánh bò, bánh bao, bánh lá liễu, bánh con rùa), trái cây.
Theo ông Hứa Văn Thông, tại Lễ hội Tết Nguyên tiêu hàng năm không chỉ có người Hoa mà người Việt cũng tham gia vì rất vui. Trước đó, vào tối ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch) đêm thơ Việt Nam năm 2023 cũng đã được tổ chức tại Công viên Văn Lang (quận 5).
Năm nay trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận 5 còn tổ chức khu ẩm thực. Ngoài các món ăn truyền thống của người Việt - Hoa, còn có thêm nhiều gian hàng với các món ăn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ruc-ro-le-hoi-tet-nguyen-tieu-cua-nguoi-hoa-o-tp-ho-chi-minh.html