Rủi ro cản trở thị trường, chứng khoán tuần tới diễn biến ra sao?

Chứng khoán trong nước tiếp tục có tuần giao dịch kém tích cực, thanh khoản rất ảm đạm, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Thành quả phục hồi từ đầu năm đã bị xóa sạch. Trong ngắn hạn, giới phân tích duy trì góc nhìn thận trọng và cho rằng VN-Index cần thời gian dài để tích lũy tạo đáy, trước khi quay lại xu hướng tăng.

Tuần qua, chứng khoán tiếp tục điều chỉnh dù số liệu vĩ mô tháng 2 cho thấy lạm phát trong nước có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số đo lường sức khỏe ngành sản xuất (PMI) phục hồi trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau 3 tháng liên tiếp duy trì dưới ngưỡng này. Hai phiên cuối tuần, thị trường điều chỉnh mạnh sau thông tin Bộ Xây dựng sẽ tạm ngừng đề xuất gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng và những tin tức kém tích cực liên quan nhóm bất động sản - ngân hàng.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index đóng cửa tại 1.024,8 điểm (-1,4% so với tuần trước). Tương tự, chỉ số HNX-Index kết tuần tại 204,9 điểm (giảm 1,2% so với tuần trước). UPCoM-Index đóng cửa tại 75,8 điểm (giảm 1,2% so với tuần trước).

Thanh khoản thị trường tuần qua giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 32,4% chỉ còn 8.739 tỷ đồng/phiên. Đà giảm của thị trường có sự đóng góp của khối ngoại với giá trị bán ròng trên sàn HOSE đạt 1.219 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng trên HNX và UPCoM.

Tâm lý tiêu cực lan rộng toàn thị trường, nhiều cổ phiếu đầu ngành giảm mạnh như MSN (-11,5%), VCB (-2,8%), MWG (-6,4%), GAS (-1,9%), HPG (-2,2%) và FPT (-2,9%). Nhóm bất động sản vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm và liên tục dò đáy như NVL (-9,2%), DIG (-14,9%), KDH (-6,4%) và NLG (-4,0%). Ngành ngân hàng cũng hầu hết giảm điểm trong tuần qua, chỉ trừ BID (+2,9%), STB (+2,9%) và HDB (+1,7%). Ngược lại, chiến lược phòng thủ phát huy hiệu quả trong bối cảnh thị trường ảm đạm, dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngành điện như POW (+2,9%), NT2 (+2,6%), PPC (+5,1%) và TV2 (+6,6%).

Còn nhóm phân tích của Chứng khoán VCBS nhận định, hỗ trợ gần nhất của thị trường vẫn đang nằm quanh khu vực 1.020 điểm. Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng điểm này và bật hồi. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc mở vị thế thêm từ 10 - 20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục. Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến chỉ số chung giảm dưới hỗ trợ, các nhà đầu tư nên nâng cao tỉ trọng tiền mặt kịp thời để hạn chế rủi ro trong ngắn hạn.

Với góc nhìn trung - dài hạn, Chứng khoán SHS cho rằng, thị trường chưa thể tạo uptrend (xu hướng tăng) trong ngắn hạn, VN-Index cần thời gian tích lũy tương đối dài sau khi hình thành đáy để có thể tạo uptrend mới.

“Tình hình vĩ mô thời gian tới vẫn là ẩn số khó dự đoán, đặc biệt là ở thị trường tín dụng, trái phiếu cũng như nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái và cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục leo thang. Xét tổng thể thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại đang khá hấp dẫn cho đầu tư trung - dài hạn, mặt khác đang có nhiều dòng cổ phiếu chủ chốt vận động tích cực như ngân hàng, công nghệ", chuyên gia của SHS nhận định.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/suc-khoe-thi-truong-chung-khoan-bi-dat-suot-ca-tuan-post1514923.tpo