Rủi ro chiến tranh hạt nhân và phản ứng của Mỹ sau cảnh báo của ông Putin
Việc Tổng thống Putin ra lệnh lực lượng hạt nhân cảnh giác cao ngay giữa cuộc xung đột ở Ukraine đã đặt Tổng thống Biden trước những lựa chọn hiếm khi được tính tới trong kỷ nguyên hạt nhân, trong đó có việc liệu có đặt lực lượng hạt nhân Mỹ trong mức cảnh báo cao hay không.
Tình hình hiện nay với hàng loạt sự kiện đáng chú ý hoàn toàn khác với thời điểm cách đây 1 năm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đều có cùng quan điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Geneva rằng: "Chiến tranh hạt nhân không thể giành chiến thắng và không bao giờ được xảy ra".
Ngày 27/2, Tổng thống Putin yêu cầu các quan chức quân đội và quốc phòng cấp cao đặt các lực lượng hạt nhân trong "chế độ trực chiến đặc biệt" nhưng không làm rõ ngay rằng điều này sẽ thay đổi tình trạng của lực lượng hạt nhân Nga như thế nào. Nga, giống như Mỹ, luôn đặt các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM) trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu do cho rằng đối phương đã bố trí các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm.
Tổng thống Putin khẳng định rằng ông sẽ phản ứng trước các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây khác trong những ngày gần đây, cũng như "những tuyên bố gây hấn" nhằm vào nước này.
Chính quyền Tổng thống Biden đang đánh giá động thái của Tổng thống Putin. Trên thực tế, những tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, cùng với cảnh báo kiểu này hiếm khi được đưa ra, thậm chí cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mà những kho hạt nhân của Mỹ và Liên Xô đe dọa thế giới rơi vào Ngày tận thế hạt nhân.
Rủi ro chiến tranh hạt nhân
Các quan chức Mỹ thừa nhận họ không biết ý định thực sự của Tổng thống Putin nhưng hiếm khi một nhà lãnh đạo Nga hay Mỹ nào lại đưa ra lời cảnh báo ám chỉ về chiến tranh hạt nhân giữa bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra. Do đó, rủi ro của chiến tranh hạt nhân không thể bị loại bỏ. Tại Nga, giống như Mỹ, các tổng thống có thẩm quyền riêng để ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân.
Cho tới nay, Mỹ và Nga là hai nước sở hữu kho hạt nhân lớn nhất thế giới. Chúng bao gồm các vũ khí có thể được mang bởi các máy bay, tàu ngầm và các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất. Lần duy nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến đấu là khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào tháng 8/1945 và ở thời điểm Mỹ ở thế độc quyền toàn cầu về vũ khí hạt nhân. Liên Xô đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1949.
Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận định, tuyên bố của Tổng thống Putin khi ra lệnh cho lực lượng răn đe hạt nhân cảnh giác cao là một quyết định đáng tiếc nhưng không hoàn toàn bất ngờ giữa bối cảnh trước đó, nhà lãnh đạo này đã ám chỉ sẽ phản ứng trước bất kỳ quốc gia nào ngăn cản chiến dịch của Nga ở Ukraine.
“Đây là thời điểm vô cùng nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng này và chúng ta cần hối thúc các nhà lãnh đạo lùi khỏi bờ vực chiến tranh hạt nhân", ông Kimball lưu ý.
Mỹ phản ứng thế nào trước cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin?
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đáp trả trước thông báo của Tổng thống Putin về việc đặt lực lượng hạt nhân trong "chế độ trực chiến đặc biệt", có lẽ một phần bởi Washington vẫn chưa rõ điều đó có ý nghĩa gì trong thực tế.
Không có tuyên bố nào từ phía Mỹ cho thấy Tổng thống Putin đã thực hiện những bước đi gây lo ngại như trang bị các vũ khí hạt nhân hay phân bổ các máy bay có khả năng hạt nhân hoặc điều thêm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo trên biển.
Ngoài lực lượng hạt nhân chiến lược, Nga sở hữu ít nhất 2.000 vũ khí hạt nhân không chiến lược, còn được gọi là các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Chúng được gọi là không chiến lược bởi chúng không thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, hầu như các quốc gia châu Âu đều cảm thấy lo ngại trước tầm bắn của các vũ khí này. Mỹ có khoảng 200 vũ khí không chiến lược ở châu Âu./.