Rủi ro có thể gặp phải khi cấp methadone dài ngày cho bệnh nhân
Mới đây tại Hà Nội xảy ra vụ việc một cháu bé 15 tuổi rơi vào hôn mê sau khi uống nhầm methadone để trong tủ lạnh gia đình. Sự việc này gióng lên cảnh báo các bệnh nhân khi được phép mang methadone về nhà cần quản lý chặt chẽ hơn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hôn mê sau khi uống nhầm methadone
Theo TS-BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), ngày 19-4 Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân H.Q.Đ, nam, 15 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc methadone (một chất dùng điều trị nghiện các chất dạng ma túy được dùng trong chương trình kiểm soát bệnh nhân nghiện).
Trước đó buổi trưa cùng ngày, cháu bé đi học về khát nước nên mở tủ lạnh để tìm nước uống. Thấy chai nước màu hồng cháu nghĩ đó là nước giải khát nên liền tu một hơi. Vài tiếng sau khi uống, cháu bé xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, nổi mẩn ngứa toàn thân, phù nề mi mắt kèm theo các biểu hiện của ngộ độc.
Cháu bé được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị tích cực, giải độc, tình trạng của cháu đã ổn định trở lại, qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ bởi các nhân viên y tế.
BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc do uống nhầm methadone. Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một số trường hợp khác cũng bị ngộ độc do uống nhầm methadone. Các cháu cũng uống nhầm dung dịch methadone tại gia đình do tưởng là nước dâu hay nước ngọt.
Methadone là chất trong nhóm opioids, được dùng thay thế cho ma túy, đặc biệt là heroin trong chương trình quản lý bệnh nhân cai nghiện. Với người nghiện, uống dung dịch methadone vào sẽ đỡ lên cơn vật nhưng với người bình thường, khi uống chất này rất dễ gây ngộ độc kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn tới ngừng thở, hôn mê, tử vong. Những trường hợp ngộ độc methadone rất nặng, độc tính giống heroin nhưng thời gian ngộ độc còn kéo dài hơn.
“Hiện trạng này cho thấy methadone cần được quản lý rất chặt chẽ. Hiện những người nghiện được quản lý tại Trung tâm, được cấp phát thuốc (methdone) uống tại chỗ. Sắp tới, nếu người nghiện được phép mang chất này về nhà sử dụng, uống tại gia đình thì việc quản lý cần chặt chẽ hơn nếu không sẽ có nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống nhầm, không kể trẻ em mà người lớn cũng rất dễ nhầm lẫn”, BS. Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Nguy cơ trao đổi, mua bán, đánh cắp methadone
Nói thêm về những nguy cơ có thể gặp phải khi triển khai cấp methadone dài ngày cho bệnh nhân, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Bộ Y tế cho biết: Việc cấp methadone dài ngày cho bệnh nhân sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại của các bệnh nhân-đặc biệt bệnh nhân làm công việc xa nhà thường xuyên, công nhân; giảm tải công việc của cán bộ y tế tại cơ sở điều trị methadone... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn một số rủi ro trong cấp thuốc methadone cho bệnh nhân mang về nhà.
Một số rủi ro có thể gặp phải như: Trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc. Đây là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang methadone về. Kinh nghiệm của một số các quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu người khác sử dụng nhầm thuốc, nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó là tình trạng mua, bán, trao đổi, đánh cắp methadone: Việc cho người bệnh mang thuốc methadone về uống thiếu sự giám sát của cán bộ y tế có thể dẫn đến rủi ro trong chia sẻ, mua bán, trao đổi methadone. Có những quốc gia báo cáo thậm chí có tình trạng methadone bị đánh cắp bởi người nghiện khác.
Tích trữ và cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân người bệnh: Việc này cũng có thể gây ngộ độc cho người bệnh hoặc không đạt được mục đích điều trị.
Sử dụng methadone kết hợp với các thuốc khác: Methadone sử dụng chung với các thuốc khác đặc biệt là nhóm thuốc an dịu như Benzodiazepines hoặc rượu và ma túy khác cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh.
Sử dụng thuốc methadone để tiêm: Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, một số người bệnh cho rằng, sử dụng thuốc methadone để tiêm có thể tạo ra sự “phê sướng”. Nếu sử dụng thuốc methadone đường tiêm cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc methadone dạng sirô và quá liều. Đồng thời còn có thể gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc đường máu do vệ sinh không đảm bảo.
Để giảm thiểu các rủi ro nói trên, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, cùng với các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về nhà theo các tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể thì cán bộ y tế cần tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát. Bên cạnh đó phải tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm.
Với nguy cơ mua bán, cơ sở y tế có các biện pháp giám sát kiểm tra, thu hồi vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng… sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này. Và để giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc quá liều, ngoài việc tăng cường tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, các rủi ro khi không tuân thủ điều trị, giảm số liều mang về thì cơ sở điều trị cũng hủy việc mang thuốc về với những người bệnh không tuân thủ tốt; yêu cầu người bệnh mang vỏ lọ thuốc đã sử dụng về và mang các lọ thuốc chưa sử dụng về cơ sở điều trị đối chiếu, kiểm tra…
Cơ sở điều trị cũng tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi dùng đường tiêm, in nhãn phụ trên vỏ lọ thuốc và trên bìa sổ đem thuốc methadone về của người bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát kiểm tra… nhằm hạn chế rủi ro khi người bệnh dùng bằng đường tiêm. Việc sàng lọc người bệnh có tiền sử tuân thủ tốt, giám sát nước tiểu ngẫu nhiên cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người bệnh khi việc sử dụng methadone kết hợp thuốc, rượu, các loại ma túy khác.