Rủi ro địa chính trị giảm khiến thị trường dầu mỏ trầm lắng
Giá dầu bắt đầu giảm vào thứ Hai (22/4) do lo ngại về leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel giảm, vì không có diễn biến mới.
Khoảng 09:30 GMT, giá một thùng dầu Brent từ Biển Bắc giao tháng 6 giảm 0,74% xuống 86,64 USD. Tại Mỹ, thùng dầu West Texas Middle (WTI), giao hàng vào tháng 5, đã giảm 0,47% xuống 82,75 USD.
Các nhà phân tích tại Energi Danmark nhận xét: “Thị trường đã cố gắng bỏ qua phần lớn các tín hiệu đáng lo ngại đến từ Trung Đông, thay vào đó tập trung vào những bất ổn kinh tế vĩ mô đang đè nặng lên thị trường”.
Căng thẳng gia tăng trong khu vực vào ngày 13/4, khi Iran thực hiện một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Israel, kẻ thù không đội trời chung, bằng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa, hầu hết đều bị đánh chặn.
Israel cam kết sẽ đáp trả trong khi Iran cho biết họ đã hành động "để tự vệ" sau vụ tấn công chết người do Israel thực hiện, phá hủy lãnh sự quán của họ ở Damascus vào ngày 1/4 và giết chết 7 binh sĩ Iran, trong đó có hai sĩ quan cấp cao.
Hôm thứ Sáu tuần trước, một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện đã xảy ra ở miền trung Iran, không gây ra thiệt hại theo các cơ quan chức năng. Tamas Varga, nhà phân tích tại PVM Energy, nhấn mạnh: “Hậu quả cụ thể của hai cuộc tấn công này là rất nhỏ, cho thấy căng thẳng ngày càng tăng chỉ nhằm phô trương sức mạnh hơn là thực sự phát động cuộc chiến toàn diện chống lại nhau”.
Sau đó, Mỹ và Vương quốc Anh tuyên bố rằng họ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu của Iran “không bị ảnh hưởng và có vẻ như Israel đang rất thận trọng để không tách khỏi đồng minh trung thành nhất là Mỹ, bằng cách phát động một cuộc chiến tàn khốc chống lại Iran”, ông Varga tiếp tục.
Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS, giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp dù xảy ra căng thẳng địa chính trị, vì cho đến nay hiện tượng sản lượng dầu giảm do xung đột vẫn chưa xảy ra. Ông nhớ lại: “Trước đây, các rủi ro địa chính trị thường không kéo dài nếu không có sự gián đoạn nguồn cung thực sự”. Ngoài ra, năng lực sản xuất chưa được sử dụng của một số quốc gia như Ả Rập Xê-út “có thể bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra”, nhà phân tích nhấn mạnh.