Rủi ro địa chính trị và lịch bầu cử dày đặc là mối quan tâm của giới đầu tư trong năm 2024
Rủi ro địa chính trị sẽ là mối đe dọa chính đối với triển vọng kinh tế năm 2024, khi các cuộc xung đột quy mô lớn hội tụ với hàng loạt cuộc bầu cử then chốt giữa các cường quốc lớn trên toàn cầu.
Khi các tổ chức tài chính trên thế giới vạch ra bối cảnh đầu tư cho năm tới, họ dự đoán bối cảnh địa chính trị ngày càng khó khăn và sự khác biệt lớn hơn giữa các khu vực chính, làm tăng thêm sự không chắc chắn và biến động của thị trường.
Trong một cuộc khảo sát rủi ro toàn cầu được thực hiện bởi Oxford Economics với sự tham gia của 130 doanh nghiệp vào tháng trước, gần 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết xung đột Israel-Hamas là một rủi ro rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong hai năm tới, trong khi có tới 62% doanh nghiệp cho rằng địa chính trị là một rủi ro rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu của Oxford Economics cho biết: “Sự mất cân bằng toàn cầu và giá dầu liên tục cao hơn, cả hai đều có thể được gây ra bởi sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, những vấn đề cũng khá nổi bật trong cuộc khảo sát mới nhất”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,9% vào năm 2024, trong bối cảnh sự khác biệt ngày càng lớn giữa các khu vực, với dự báo tăng trưởng mạnh hơn ở Mỹ và các thị trường mới nổi lớn, trong khi Trung Quốc và khu vực đồng euro dự kiến sẽ gặp khó khăn.
Trong báo cáo triển vọng đầu tư năm 2024 được công bố hôm thứ Hai (20/11), Goldman Sachs Asset Management (GSAM) lưu ý rằng các cuộc bầu cử ở Mỹ, Anh, Nam Phi, Ấn Độ và Nga sẽ làm tăng thêm nhiều khả năng khiến nền kinh tế toàn cầu đi chệch khỏi con đường hiện tại.
GSAM cũng lưu ý rằng, những lo ngại về tính bền vững của nợ chính phủ và quỹ đạo tài chính ở Mỹ có thể gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024, trong khi những rủi ro kinh tế xã hội trong nước - chẳng hạn như đình công ở một số ngành trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao - có thể tồn tại ở các nền kinh tế lớn và tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể gây ra nhiều hạn chế thương mại hơn trên toàn cầu, dẫn đến sự phân mảnh kinh tế hơn nữa. Chúng tôi kỳ vọng các nền kinh tế sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào an ninh kinh tế của mình trong 12 tháng tới và hơn thế nữa… Điều này có thể được thúc đẩy bởi các chuỗi cung ứng quan trọng ‘tái chuyển giao’ và ‘kết nối bạn bè’ của các thị trường phát triển vẫn phụ thuộc lẫn nhau cao và trong một số trường hợp dẫn tới tập trung quá mức, như lĩnh vực chất bán dẫn”, các chiến lược gia GSAM cho biết.
Xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas
“Việc điều hướng bối cảnh địa chính trị đang phát triển - đôi khi nguy hiểm - có thể sẽ đòi hỏi phải tiếp cận với nguồn kiến thức chuyên môn sâu sắc, vì các vấn đề địa chính trị có thể bị bỏ qua trong quá khứ giờ đây sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng và cơ sở khách hàng của các doanh nghiệp… Xung đột và căng thẳng địa chính trị đang diễn ra có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng hơn nữa, đồng thời làm tăng thêm áp lực lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương”, Roland Temple, chiến lược gia trưởng thị trường tại Lazard cho biết.
Ông dự đoán rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài đến năm 2024, trong khi lo ngại gia tăng về độ tin cậy của nguồn tài trợ và viện trợ quân sự của phương Tây.
“Mặc dù một giải pháp thương lượng có thể là cách duy nhất để kết thúc xung đột, nhưng cả hai bên vẫn chưa đạt đến mức đồng ý theo những kế hoạch lớn của mình - nghĩa là Nga kiểm soát toàn bộ Ukraine hoặc Ukraine kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình”, ông cho biết.
Đối với Trung Đông, “tình huống nguy hiểm” nhất sẽ là xung đột Israel-Hamas lan sang các quốc gia lân cận, bao gồm cả Iran, có thể “chuyển thành xung đột khu vực với những tác động toàn cầu và quân sự”. Rủi ro chính của hình thức leo thang này sẽ là sự gián đoạn trong quá trình vận chuyển nguồn cung cấp năng lượng qua eo biển Hormuz, nơi vận chuyển khoảng 20% nguồn cung dầu toàn cầu.
“Căng thẳng địa chính trị đang góp phần gây ra sự phân mảnh kinh tế, ít nhất trong ngắn hạn, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và góp phần tạo ra các lực lượng lạm phát”, chiến lược gia Roland Temple cho biết.
Trên một lưu ý tích cực, chiến lược gia này cho rằng tình trạng lạm phát tiếp tục sụt giảm sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác xem xét cắt giảm lãi suất ngay từ quý II, điều này sẽ góp phần làm “giảm thiểu những trở ngại cho tăng trưởng và tiếp thêm sinh lực chi tiêu vốn để dự đoán sự phục hồi kinh tế theo chu kỳ”.
An ninh và chất bán dẫn
Giám đốc quản lý tài sản của GSAM, Marc Nachmann kỳ vọng các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng sẽ nhận được sự chú ý do tầm quan trọng ngày càng tăng của chúng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, cùng với khả năng dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung.
Do đó, GSAM đề xuất các nhà đầu tư nên tránh cố gắng dự đoán biến động giá của thị trường trong tương lai hoặc đưa ra các quyết định về kết quả liên quan tới yếu tố địa chính trị mà thay vào đó hãy áp dụng cách tiếp cận chủ động để phân bổ tài sản dựa trên “nghiên cứu sâu rộng theo phương pháp bottom-up”.
Các chiến lược gia GSAM cho biết: “Chúng tôi cho rằng những doanh nghiệp thành công sẽ tương ứng với các nỗ lực của doanh nghiệp và chính phủ nhằm tăng cường an ninh của chuỗi cung ứng và tài nguyên cũng như an ninh quốc gia sẽ trở thành những người chiến thắng lâu dài…Thị trường vốn cổ phần đại chúng có thể mang lại cơ hội tiếp cận mục tiêu với các công ty lâu đời hơn chuyên sản xuất chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn, cũng như các công ty công nghệ và tự động hóa công nghiệp đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hoạt động sản xuất về nước”.
GSAM dự đoán, nhu cầu về các sản phẩm khí đốt tự nhiên có thể tăng lên khi các quốc gia tìm kiếm nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và giá cả phải chăng, trong khi các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng và phức tạp hơn tạo cơ hội cho các nền tảng an ninh mạng cũng như các nhà cung cấp công nghệ hàng không vũ trụ và quốc phòng.