Rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu thực vật từ Ukraine đẩy giá dầu đậu nành quốc tế tăng vọt
Sau vài phiên điều chỉnh cuối tuần trước, giá đậu tương và dầu đậu nành trên sàn giao dịch CBOT tiếp tục tăng mạnh trở lại. Rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine đang ngày càng lớn khiến nhiều quốc gia đẩy mạnh thu mua các loại dầu thực vật khác, đặc biệt là dầu đậu nành.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/3 (theo giờ địa phương), giá đậu tương giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tiếp tục tăng mạnh tới 30,25 cents lên 16,89 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Trong khi đó, giá dầu đậu nành giao tháng 5/2022 tăng 1,53 cents lên 75,75 US cents/pound (0,454 kg/pound); giá khô đậu nành cũng tăng thêm 14,60 USD lên 473,30 USD/tấn ngắn (907 kg/tấn ngắn).
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh tại Việt Nam, cho biết giá đậu tương giao tháng 5/2022 trên sàn CBOT sau vài phiên điều chỉnh vào cuối tuần trước nay đã bật tăng trở lại ngay từ phiên giao dịch đầu tuần này. Giá đậu tương đang nhận sự hỗ trợ lan tỏa khi giá ngô, lúa mì liên tục tăng do rủi ro thiếu hụt nguồn cung dưới tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen cũng giúp củng cố đà tăng của giá dầu đậu tương lẫn đậu tương. Mặt khác, Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục thu mua đậu tương trong thời gian tới.
Rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine
Nga và Ukraine hiện chiếm khoảng 80% tổng lượng xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu. Tại Ukraine, hạt hướng dương thường được gieo trồng vào khoảng tháng 4 và tháng 5, sau đó kỳ thu hoạch thường bắt đầu vào tháng 9 hàng năm. Theo báo cáo gần nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng dầu hướng dương của Ukraine trong niên vụ 2021/2022 được dự báo đạt 5,6 triệu tấn, tăng 9% so với niên vụ trước.
Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường đậu tương và dầu đậu nành thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.
Tuy nhiên, với việc xung độ quân sự nổ ra tại một số khu vực canh tác hướng dương chính của Ukraine như Kharkiv và Luhansk, hoạt động canh tác cũng như nghiền ép dầu hướng dương của Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xung đột quân sự lan rộng ra nhiều vùng của Ukraine đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận chuyển hạt hướng dương đến các nhà máy nghiền hoặc bến cảng để xuất khẩu.
Phần lớn hoạt động sản xuất dầu hướng đương của Ukraine là phục vụ xuất khẩu nên các nhà máy nghiền ép dầu chính đều nằm gần các cảnh biển khu vực Biển Đen (chiếm 91% tổng sản lượng ép dầu). Hiện các cảng chuyên xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine tại khu vực Biển Đen đã phải ngưng hoạt động từ ngày 24/02.
Hiện nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật tại Liên minh Châu Âu (EU) đang ngày càng hiện hữu. Nguồn cung từ Ukraine chiếm khoảng 35% - 45% tổng lượng dầu hướng dương nhập khẩu hàng năm của EU. Lượng tồn kho dầu hướng dương tại EU hiện chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong vòng 4 – 6 tuần tới. Điều này buộc các doanh nghiệp tại EU cũng như tại nhiều quốc gia khác phải tăng cường nhập khẩu các loại dầu thực vật khác như dầu đậu nành, dầu cọ và dầu hạt cải.
Trong đó, dầu đậu nành được xem là giải pháp phù hợp hiện nay do nguồn cung dầu cọ trên thị trường quốc tế cũng đang ở mức yếu. Sản lượng dầu cọ của Malaysia – quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất 11 tháng gần đây do thiếu hụt lao động. Giới phân tích dự báo giá dầu đậu tương cũng như giá đậu tương quốc tế sẽ vẫn còn tăng lên trong thời gian tới.
Tồn kho đậu tương của Trung Quốc ở mức thấp kỷ lục
Nhu cầu sử dụng dầu thực vật của Trung Quốc hiện chiếm hơn 13% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trong đó, dầu đậu tương chiếm đến 44% tổng mức tiêu thụ dầu thực vật tại nước này. Thông thường, sản lượng đậu tương nội địa chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nghiền ép dầu đậu tương của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc phụ thuộc mạnh vào nguồn cung đậu tương từ Brazil và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguồn cung đậu tương của Brazil trong niên vụ 2021/2022 hiện liên tục được điều chỉnh giảm do lo ngại tình trạng khô hạn kéo dài tại nước này sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động canh tác cũng như chất lượng đậu tương.
Đáng chú ý, mức tồn kho dự trữ đậu tương tại Trung Quốc hiện đang ở mức rất thấp so với mức trung bình nhiều năm trở lại đây. Trung Quốc đang tăng cường thu mua đậu tương trong thời gian gần đây bất chấp giá trên thị trường quốc tế ở mức cao khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung đậu tương từ Brazil và đứt gãy nguồn cung dầu thực vật từ Ukraine ngày càng lớn.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản tại đây.
USDA cho biết đã có 5,596 triệu tấn đậu tương từ Hoa Kỳ được chuyển đến Trung Quốc và các điểm đến không xác định (thông thường là Trung Quốc) trong giai đoạn từ ngày 28/01 đến 28/02, tăng hơn gấp 7 lần so với cách đó 1 tháng. Nhiều nhà phân tích nhận định Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu đậu tương để bù đắp cho mức tồn kho đang ở mức rất thấp.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
Website: https://saigonfutures.com
Hotline: 0903.352.961