Rủi ro khan hiếm tài nguyên cho sự trỗi dậy của xe điện

Sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành công nghiệp xe điện có thể tạo ra khủng hoảng đối với nguồn cung ứng lithium, coban và một số khoáng sản cần thiết khác.

Lượng khoáng sạn để chế tạo ra 1 chiếc xe điện cao gấp 6 lần so với xe hơi truyền thống.

Lượng khoáng sạn để chế tạo ra 1 chiếc xe điện cao gấp 6 lần so với xe hơi truyền thống.

Các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới đang bắt tay vào thực hiện mục tiêu chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện như một phương án để giảm phát thải, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn như châu Âu và Trung Quốc.

Cuộc đua xe điện ngày càng nóng khi những ông trùm công nghệ và cả các doanh nghiệp startup cũng bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, lượng xe điện toàn cầu sẽ tăng khoảng 36% mỗi năm, đạt 245 triệu chiếc vào năm 2030.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của xe điện đang dần tạo ra một vấn đề mới, khi lượng khoáng sản để chế tạo ra 1 chiếc xe điện cao gấp 6 lần so với xe hơi truyền thống. Một cục pin dùng cho xe điện cũng cần lượng lithium nhiều gấp 10.000 lần so với pin điện thoại thông minh.

Theo kịch bản phát triển bền vững của IEA, đến năm 2040, 80% lượng pin sản xuất trên toàn cầu sẽ được sử dụng cho xe điện cá nhân, yêu cầu sản lượng khai thác lithium và niken tăng gấp 40 lần và sản lượng đồng, than chì, coban cao gấp 20 lần so với hiện tại.

Mặt khác, ước tính trung bình, mỗi chiếc xe cá nhân thường chỉ vận hành trong khoảng 4% thời gian vòng đời. Tuy nhiên, ngay cả khi không hoạt động, pin xe điện vẫn sẽ bị giảm dần chất lượng theo thời gian, hay còn gọi là hiện tượng “hao pin”.

Như vậy, một lượng lớn khoảng sản có nguy cơ sẽ bị lãng phí một cách “vô ích”, trong khi công nghệ tái chế pin vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Một nhu cầu cũng có khả năng sẽ phát sinh theo sự bùng nổ của xe điện, theo GS. Patrick Hillberg đến từ Đại học Oakland, là bộ lưu trữ dành cho lưới điện để đảm bảo cung ứng đủ năng lượng nếu mọi người chuyển sang sử dụng xe điện và đồng loạt sạc xe vào buổi tối.

Những yếu tố trên có thể tạo ra sự gián đoạn trong nguồn cung khoáng sản để sản xuất pin xe điện, có thể gây ra hiệu ứng đảo ngược, khiến người tiêu dùng quay trở lại lựa chọn phương tiện giao thông chạy bằng động cơ đốt trong.

Cùng với đó, tăng cường khai thác khoáng sản cũng gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường và xã hội, đặc biệt khi các kim loại cần thiết là lithium hay coban phần lớn được khai thác tại Trung Quốc và những quốc gia đang và kém phát triển.

Bà Isobel Sheldon, Giám đốc chiến lược nhà máy sản xuất pin của Bristishvolt ở Northumberland cho biết, tình trạng khan hiếm nguồn cung tài nguyên cho pin xe điện có thể giải quyết bằng cách tìm kiếm những mỏ khoáng sản mới. Được biết, trữ lượng một số khoáng sản cần thiết đã được phát hiện tại Canada, Na Uy, Thụy Điển hay xứ Wales.

Tuy nhiên, ông Hillberg lập luận, việc theo đuổi khả năng cung ứng tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất xe điện sẽ không phải sự lựa chọn đúng đắn mà là “mối đe dọa đối với sự bền vững lâu dài của ngành giao thông vận tải”.

Chuyên gia đến từ Đại học Oakland đề xuất giải pháp là tập trung vào chuyển đổi sang sử dụng điện năng đối với các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện hay xe bus.

“Điều này không đòi hỏi nhiều sự đột phá về công nghệ mà vấn đề nằm ở thiết kế đô thị”, ông Hillberg cho biết.

Mặt khác, tiết kiệm khoáng sản thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn, tức là tăng cường thu gom và tái chế đối với pin xe điện cũng là giải pháp trọng tâm cần được đẩy mạnh trong tương lai.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/rui-ro-khan-hiem-tai-nguyen-cho-su-troi-day-cua-xe-dien-1625038568299.htm