Rủi ro khi chuyển nhượng nhà, đất bằng hình thức lập vi bằng
16 hộ dân mua nhà tại địa chỉ 171/11 đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, đang đồng loạt làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng vì có nguy cơ bị tháo dỡ nhà, còn đất thì bị ngân hàng phát mãi. Nguyên do là những hộ này mua nhà, đất bằng giấy viết tay và chỉ lập vi bằng giao, nhận tiền.
16 hộ dân mua nhà tại địa chỉ 171/11 đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, đang đồng loạt làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng vì có nguy cơ bị tháo dỡ nhà, còn đất thì bị ngân hàng phát mãi. Nguyên do là những hộ này mua nhà, đất bằng giấy viết tay và chỉ lập vi bằng giao, nhận tiền.
Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, từ những năm 2018, 2019, bà và 15 hộ dân khác mua các căn hộ tại địa chỉ từ 171/11/1 đến 171/11/16, đường TX52, phường Thạnh Xuân, quận 12, do bà Tô Thị Cẩm Thúy làm chủ đầu tư. Diện tích mỗi căn nhà hơn 30 m2 gồm một trệt, hai lầu, giá bán từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng (tùy vị trí). Khi mua, các hộ dân đã được chủ đầu tư cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng và giấy xác nhận của ngân hàng đã xóa nội dung đăng ký thế chấp. Việc mua bán của bà Hoa cũng như nhiều hộ dân khác với bà Cẩm Thúy được Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn lập vi bằng "Xác thực hành vi các bên giao, nhận tiền".
Sau khi giao tiền cho bà Cẩm Thúy, các hộ dân này đã nhận nhà để ở, nhưng chưa được bao lâu thì họ nhận được thông báo cưỡng chế tháo dỡ của UBND phường Thạnh Xuân vì công trình xây dựng sai giấy phép. Tiếp đó, họ cũng được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh TP Hồ Chí Minh phát thông báo yêu cầu bàn giao lại tài sản (nhà ở) để ngân hàng phát mãi. Ðến lúc này họ mới tá hỏa: Công trình nhà ở mà bà Cẩm Thúy xây dựng rồi bán lại cho họ đã xây dựng sai giấy phép; chủ quyền khu đất cũng đã thế chấp cho ngân hàng.
Theo bà Hoa, 16 người dân mua nhà tại địa chỉ nêu trên đều là những hộ nghèo, hưu trí, mất sức, có thu nhập thấp, không ổn định. Số tiền mà họ mua nhà là tiền dành dụm và vay mượn khắp nơi với ước mong có được một chỗ ở ổn định. Nay tiền mất, nhà có nguy cơ bị phá dỡ, đẩy cuộc sống của nhiều gia đình vào tình cảnh khốn cùng. "Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giúp bảo đảm công bằng cho 16 hộ dân mua nhà", bà Hoa ngậm ngùi…
Ðại diện Phòng Quản lý đô thị quận 12 cho biết, khu đất nêu trên được bà Tô Thị Cẩm Thúy mua lại từ ông Lê Văn Trưởng và đã được sang tên chủ quyền. Tháng 5-2018, bà Cẩm Thúy được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, tháng 3-2019, lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt công trình vì xây dựng sai giấy phép. Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý phân chia thành 16 căn nhỏ với hiện trạng một trệt, hai lầu. Tại tầng trệt, chủ đầu tư tự ý trổ thêm 14 cửa đi chính, 13 cầu thang; tại lầu một, trổ thêm 14 cửa đi chính, 13 cầu thang; tại lầu hai, trổ thêm 14 cửa đi chính… Từ lúc phát hiện sai phạm cho đến nay, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quyết định xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả hiện trạng ban đầu theo giấy phép nhưng bà Cẩm Thúy không chấp hành, cho nên UBND quận 12 đã ban hành quyết định cưỡng chế.
Ðại diện Phòng Quản lý đô thị quận 12 cho biết thêm, người dân mua bán, chuyển nhượng bằng hình thức lập vi bằng thông qua Văn phòng Thừa phát lại là không bảo đảm quy định pháp luật. Hiện, Phòng Quản lý đô thị quận 12 đang tổng hợp danh sách, hồ sơ của các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng và chuyển nhượng cho người khác bằng hình thức lập vi bằng để báo cáo UBND quận; đồng thời đề xuất UBND quận chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ. Ðơn vị cũng khuyến cáo người dân khi mua bán, nhận chuyển nhượng cần liên hệ chính quyền địa phương để tìm hiểu kỹ về hiện trạng pháp lý nhà, đất cần mua, như: Giấy chứng nhận, thông tin quy hoạch, giấy phép xây dựng, công trình có bị xử lý vi phạm xây dựng, có tranh chấp hay không; khi làm hợp đồng công chứng phải thông qua các Văn phòng công chứng và nộp đăng bộ sang tên tại Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai quận, huyện (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường)…
Theo Luật sư Trần Ðức Phượng, Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Ðiều 167, Luật Ðất đai năm 2013 quy định rõ các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng. Nghị định số 08/2020/NÐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (khoản 4, Ðiều 37) cũng nghiêm cấm Thừa phát lại lập vi bằng xác thực nội dung "mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay".
Trong vụ việc này, Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn chỉ lập vi bằng ghi nhận hành vi giao, nhận tiền; không chứng nhận hay xác thực việc chuyển nhượng nhà, đất giữa các bên. Còn các hành vi chuyển nhượng nhà ở với công trình xây dựng sai phép; chuyển nhượng nhà ở khi đang thế chấp tại ngân hàng của chủ đầu tư cần được các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ.