Rủi ro khi có nhiều người đại diện theo pháp luật đã được giảm thiểu
Chế định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có lẽ vẫn luôn là đề tài nóng hổi, thu hút nhiều sự quan tâm của không chỉ các nhà lập pháp mà còn rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Chính vì lẽ đó, mà chế định này luôn được cập nhập và thay đổi liên tục trong quá trình sửa đổi các đạo luật doanh nghiệp, nhằm tạo ra sự phù hợp và hiệu quả, khả thi khi triển khai trong thực tế .
Từ một đến nhiều đại diện theo pháp luật
Nếu Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ cho phép công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có một người đại diện, thì Luật Doanh nghiệp 2014 khi ban hành đã cho các công ty này được quyền tự quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật của mình, mà không hề đưa ra mức giới hạn tối đa. Tất cả các vấn đề về số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật sẽ được quy định tại Điều lệ công ty.
Điểm đổi mới này với mong muốn tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động quản trị, điều hành doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào duy nhất 01 người đại diện theo pháp luật, đặc biệt là trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vắng mặt tại Việt Nam, nhưng thủ tục ủy quyền của người này cho người được ủy quyền lại không hợp lệ, khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ.
Những vướng mắc khi áp dụng chế định nhiều người đại diện theo pháp luật
Quá trình triển khai những quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 vào thực tiễn lại cho thấy những bất cập nhất định. Chẳng hạn có doanh nghiệp có đến 02, 03 người đại diện theo pháp luật, nhưng tại Điều lệ công ty lại không có bất kỳ quy định nào về quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện hoặc quy định không rõ ràng, thì làm sao để xác định người đại diện nào mới có thẩm quyền đứng ra ký kết một hợp đồng, giao dịch cụ thể?
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm an toàn pháp lý khi giao kết hợp đồng với những doanh nghiệp có nhiều người đại diện, nhiều luật sư khuyến nghị rằng cần yêu cầu tất cả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải cùng nhau ký kết hợp đồng, hoặc lập văn bản ủy quyền cho 01 người trong số họ thay mặt tất cả để ký kết hợp đồng.
Trong lĩnh vực tố tụng, cũng đã từng xảy ra tình huống tương tự. Theo thông tin được đăng tải tại Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân, một công ty có 02 người đại diện theo pháp luật (gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc). Đơn khởi kiện do Công ty này nộp tại Tòa án do người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc ký.
Sau đó, Tòa án đã ra thông báo về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, trong đó có nội dung yêu cầu bổ sung thêm chữ ký của người đại diện theo pháp luật còn lại là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vì cho rằng Điều lệ và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty này quy định có hai người đại diện theo pháp luật nhưng lại không quy định cụ thể người nào có quyền khởi kiện vụ án, nên chỉ một mình Tổng giám đốc ký đơn khởi kiện là chưa hợp lệ.
Ngoài ra, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy khi công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng lại không phân định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi người đại diện theo pháp luật, sẽ dẫn dến tình trạng những người đại diện theo pháp luật đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, từ chối đại diện cho công ty với tư cách bị đơn; dẫn đến gây khó khăn cho Tòa án, các bên có liên quan trong giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp, gây khó khăn, thiệt hại cho bên thứ ba.
Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều cơ chế bảo đảm quyền lợi cho đối tác của doanh nghiệp
Trước những tình huống trên, Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành đã có những quy định đổi mới đối với chế định người đại diện theo pháp luật. Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn giữa quy định rằng công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được phép có nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Nhưng điểm mới quan trọng là đạo luật này đã bổ sung cơ chế để giải quyết cho những trường hợp nếu Điều lệ không quy định rõ việc phân chia quyền, nghĩa vụ của những người đại diện theo pháp luật.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực (01-01-2021), thì những rắc rối do cơ chế nhiều người đại diện theo pháp luật có thể giải quyết được phần nào. Nếu Điều lệ không phân chia rõ phạm vi đại diện của từng người đại diện theo pháp luật, thì bên thứ ba được hiểu rằng mỗi người đại diện theo pháp luật đều có thể đại diện cho doanh nghiệp trong tất cả mọi lĩnh vực, bất kể là kinh doanh, thương mại, hay trong các cuộc họp hành, làm việc với cơ quan nhà nước, hay trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, Trọng tài. Thậm chí, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng ràng buộc thêm những người đại diện theo pháp luật sẽ phải cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp.
Trước những quy định này, đòi hỏi bản thân mỗi doanh nghiệp và chính những người đại diện theo pháp luật khi xây dựng cơ chế nhiều người đại diện theo pháp luật cần thiết phải xác định rõ phạm vi quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện. Qua đó, vừa giúp đối tác nhận diện rõ người có thẩm quyền đại diện doanh nghiệp ký kết giao dịch, hợp đồng, vừa giúp những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bảo vệ được quyền lợi của chính họ, hạn chế bớt phần nào các rủi ro xảy ra do cơ chế đa đại diện.