Rủi ro lớn đằng sau trào lưu đắp đập thủy điện ở Đông Nam Á
Nhờ có con sông lớn Mê Kông chảy qua, các nước Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam sở hữu trữ lượng nước ngọt khổng lồ và tiềm năng thủy điện vô tận. Tuy nhiên, sự khai thác quá mức của con người lại đang đặt gánh nặng lên môi trường và cả sự an nguy của các khu định cư dọc bờ sông.
Tai họa bất thình lình
Một buổi tối cuối tháng 7.2018 tại Stung Treng, Campuchia, trong ngôi làng đánh cá nhỏ tên Sdao, một người đàn ông vừa lái xe gắn máy vừa gọi loa: “Lập tức di tản. Lũ đang đến rồi”. Vài trăm hộ gia đình tức tốc gói gém.
Cách Sdao chỉ 250km, một đập thủy điện của nước Lào láng giềng vừa bị vỡ.
Ey Bun Thea, một ngư dân 24 tuổi của làng Sdao, thậm chí còn không hề biết trên thượng nguồn của dòng sông anh vẫn đánh bắt cá mỗi ngày có đập ngăn nước. Dù vậy, ngay khi nghe thấy tiếng loa cảnh báo, Thea biết phải nhanh hết mức có thể.
Anh vội vàng vơ gạo, chăn, màn chống muỗi và toàn bộ tiền mặt, cùng vợ và đứa con nhỏ chạy lên vùng đất cao hơn. Rất may, Thea vẫn nhớ thả đám gia súc trước chạy lũ sắp tới.
Gia đình Thea chưa rời khỏi được bao lâu, nước vỡ đập đã tràn vào, dâng ngập hàng mét.
Dù nước vỡ đập cũng rút sớm hơn lũ lụt, vẫn phải mất vài ngày, cả nhà Thea mới được dắt díu nhau về. Đám vật nuôi của anh vẫn an toàn. Ngôi nhà bị ngâm nước cả mét nhưng chưa sập. Riêng rau cỏ trong vườn là ũng nước, hỏng hết.
Tham vọng “bình ắc quy của Đông Nam Á”
Không như làng Sdao được cảnh báo và chạy lũ kịp thời, những làng ở ngay bên dưới đập thủy điện bị vỡ Xepian-Xe Nam Noy (công trình thủy điện trên sông Xepian, một nhánh của sông Sê Kông) của Lào hoàn toàn bị động.
Chính xác là vào ngày 23.7, đập thủy điện này đột ngột vỡ tung. Khoảng 500 triệu mét khối nước điên cuồng lao xuống, cuốn bay vài ngôi nhà.
Ít nhất, sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy cũng khiến 39 cư dân Lào thiệt mạng và 100 người khác mất tích. Không dừng lại ở đó, nó còn khiến hàng ngàn người vốn có chốn ăn ở ổn định trở thành vô gia cư.
Lào là một quốc gia nghèo. Bằng dự án biến đất nước thành “bình ắc quy của Đông Nam Á”, Chính phủ Lào hy vọng sẽ thu lời lớn, từ đó nâng cao đời sống dân cư. Hàng chục đập thủy điện mới được Lào tích cực xây dựng trên đoạn sông Mekong chảy qua đất nước cũng như các nhánh của nó. Phần lớn điện năng được sử dụng để bán cho các nước xung quanh.
Tính đến năm ngoái, Lào đã hoàn thành và đưa 46 nhà máy thủy điện vào hoạt động. Họ cũng có kế hoạch sớm nâng số nhà máy thủy điện lên 54.
E ngại mới và rủi ro môi trường
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, tất cả các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Lào, đều phải cẩn trọng xem xét lại các dự án xây dựng đập thủy điện.
Trung tuần tháng 8, Chính phủ Lào tuyên bố tạm dừng việc xây dựng các đập thủy điện mới. Thái Lan, đất nước vốn có ý định nhập khẩu một lượng điện lớn từ Lào, cũng rút lại quyết định, quay sang cố gắng phát triển ngành năng lượng mặt trời tại quốc gia.
Mê Kông vốn nổi tiếng là một trong những con sông lớn nhất thế giới. Nó là nguồn thủy điện khổng lồ, song Đông Nam Á còn là khu vực nhiều mưa. Chỉ lưu lượng trung bình của sông Mê Kông cũng đã lên đến 13.200m³/s. Vào mùa nước lũ, con số này còn lớn gấp đôi, có khi lên tới hẳn 30.000 m³/s.
Tận dụng nguồn nước cực lớn này để tạo ra điện không phải chuyện gì xấu. Thủy điện cũng là một dạng năng lượng sạch. Cái xấu nằm ở chỗ thời tiết và chất lượng xây dựng của một vài đập thủy điện không đủ an toàn. Năm 2017, một đập thủy điện đang xây dựng dở dang của Lào cũng bị vỡ vì mưa lũ.
Ngoài nguy cơ vỡ đập, Đông Nam Á cũng phải đối mặt với nguy cơ thay đổi môi trường tự nhiên. Một đập thủy điện được dựng lên cũng đồng nghĩa với dòng nước đang chảy bị chặn lại. Quần thể cá buộc phải thích nghi với bình thường mới. Trong thực tế, theo báo cáo hồi đầu năm 2018, trữ lượng cá sông Mê Kông đã giảm 40%.
Lượng phù sa lẽ ra sẽ theo dòng chảy mà xuống hạ lưu cũng bị chắn lại, 97% sẽ lắng đọng luôn xuống lòng sông. Độ phì nhiêu của đất nông nghiệp phụ thuộc vào sông Mê Kông vì thế giảm mạnh. Đắp đập ngăn nước còn dẫn đến tình trạng xói lở đất. Dẫu là hiện tại hay về lâu về dài, nó đều ảnh hưởng không tốt lên hệ sinh thái tự nhiên.
Nhưng xét đi cũng phải xét lại. Nhờ dòng chảy bị chặn và phù sa lắng thành trầm tích phì nhiêu dưới lòng đập, nhiều loài cá lớn nhanh như thổi. “Bạn chỉ cần thả lưới 5 phút thôi là đã được đầy cá rồi”, Keo Lut, một ngư dân lão niên 73 tuổi, phấn khởi nói. Hầu hết chúng đều béo múp, không chỉ to nặng mà còn đông đúc hơn trước.
“Tôi mừng quá sức là mừng”, ngư dân khác, ông Sing Sathan, 64 tuổi cười rạng ngời.
Tuy nhiên, sông Mekong vốn là dòng chảy khá xiết. Do vậy, quần thể cá tự nhiên trên sông cũng hình thành tập quán di cư. Một khi dòng chảy bị chặn, chu kỳ sống tự nhiên của chúng cũng bị đảo lộn. Một số loài có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng một số khác thì lại không.
Ước tính sông Mekong chiếm khoảng 25% lượng nước ngọt toàn cầu. Cả dòng chính lẫn các chi nhánh của nó đều là “cơm áo” của 60 triệu người sinh cư dọc theo dòng chảy. Ngoài cung cấp một lượng cá nước ngọt lớn, sông Mê Kông còn bồi đắp các đồng bằng, vùng đất ven sông thành đất canh tác nông nghiệp màu mỡ.
Đập thủy điện là giải pháp hữu hiệu hàng đầu đối với các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ sông Mê Kông. Chỉ có điều chúng ta đã quá gấp rút và lạm dụng.
Giữa Lào và Campuchia lại chưa có hệ thống cảnh báo liên hợp. Bởi thế, khi thượng nguồn xảy ra chuyện, hạ lưu vẫn chẳng hề hay biết, người dân ở hạ nguồn đã nhận được cảnh báo khá chậm!
Trước tổn thất người và của do vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, chính phủ Lào đã phải rút ra nhiều kinh nghiệm và cố gắng tìm những giải pháp khắc phục.